Toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia

Minh Anh| 04/02/2021 10:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 287/BHXH-VP gửi các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là đơn vị) về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo đó, trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 (nhất là biến thể mới của virus) ngày càng phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao;

Thực hiện Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 30/01/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19; để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện một số công việc cụ thể sau:

Thứ nhất, đối với các đơn vị thuộc khu vực, địa bàn có ca mắc bệnh: kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với dịch bệnh theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương.

nhi.jpg
Toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Xây dựng phương án điều hành khẩn cấp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; bố trí linh hoạt công chức, viên chức, người lao động làm việc tại công sở, làm việc trực tuyến tại nhà; đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; giải quyết kịp thời, linh hoạt việc thu BHXH, BHYT, BHTN, cấp, gia hạn thẻ BHYT, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, BHTN.

Đồng thời, phối hợp với các cơ sở KCB thực hiện nghiêm Công điện số 97/CĐ-BYT ngày 29/1/2021 của Bộ Y tế, trong đó lưu ý việc cấp thuốc điều trị ngoại trú dài ngày đối với người bệnh mãn tính, xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR; thực hiện giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo hướng dẫn của của BHXH Việt Nam tại Công văn số 2539/BHXH-CSYT ngày 10/8/2020... để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia theo quy định. 

Thứ hai, đối với các đơn vị thuộc khu vực, địa bàn chưa phát hiện có ca mắc bệnh: quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, những công chức, viên chức, người lao động đã đi, đến, trở về từ những khu vực, địa điểm có dịch bệnh theo thông báo của Bộ Y tế phải tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế và các biện pháp cách ly, phòng chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, chính quyền địa phương; đồng thời thông tin ngay đến Thủ trưởng đơn vị để kịp thời có biện pháp xử lý, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị.

Hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo và các hoạt động tập trung đông người; trường hợp cần thiết tổ chức hội nghị, họp bằng hình thức trực tuyến.

Thứ ba, Văn phòng cơ quan BHXH các cấp chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương có các biện pháp phòng chống như: Kiểm tra thân nhiệt cán bộ, công chức, người lao động và khách ra vào cơ quan (đối với khách đến liên hệ công tác thực hiện thêm việc khai báo y tế); trang bị đầy đủ khẩu trang cho công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân đến giao dịch, làm việc, phun thuốc khử trùng tại các trụ sở cơ quan.

Giữ gìn vệ sinh nơi làm việc; bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn rửa tay hoặc chỗ rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, thường xuyên vệ sinh trụ sở cơ quan bằng dung dịch sát khuẩn trên sàn nhà, mặt bàn làm việc, tay nắm cửa, cầu thang bộ, cầu thang máy, nhà vệ sinh...; cần chủ động, tăng cường kiểm tra vệ sinh nguồn nước, nguồn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn cơ quan (nếu có)...

Thứ tư, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức về phòng chống dịch bệnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19; đeo khẩu trang khi tiếp xúc, giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, làm việc với cơ quan BHXH.

Nếu có triệu chứng hoặc nguy cơ bị lây nhiễm (F1, F2, F3...) cần thông tin ngay cho Thủ trưởng đơn vị và các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật những thông tin chính xác về diễn biến của tình hình dịch bệnh, tuyệt đối không truyền bá, đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, các cấp, các ngành.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta, BHXH Việt Nam đã kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như:

Chi trả lương hưu tại nhà; linh hoạt trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT; cấp thuốc BHYT cho người bị mắc bệnh mãn tính; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh…

Hàng loạt những giải pháp linh hoạt, kịp thời của BHXH Việt Nam đã góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước, tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia