Một trong những định hướng lớn và là mục tiêu được Đảng ta đề ra trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Để đạt được điều đó, rất nhiều nhiệm vụ đặt ra, trong đó nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã có những đổi mới đáng kể trong lĩnh vực này.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo TANDTC, các Thẩm phán Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa vào việc xét xử tất cả các loại vụ án nói chung cũng như đối với từng vụ án cụ thể nói riêng. Khi tiến hành xét xử một vụ án cụ thể, Thẩm phán luôn luôn ý thức việc, một người chỉ được coi là có tội khi người đó bị Tòa án tuyên phạm tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật; một người được coi là thắng kiện khi nào người đó được Tòa án tuyên bố thắng kiện bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử khi tiến hành phiên tòa luôn đề cao nguyên tắc tranh tụng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kiểm sát viên, luật sư, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và những người tham gia tố tụng khác tranh luận một cách bình đẳng.
Một phiên tòa xét xử của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng
Thái độ của Hội đồng xét xử luôn khách quan, công bằng, tôn trọng những tình tiết, ý kiến lập luận mà các bên đưa ra. Ngay cả khi kiểm sát viên không đáp lại những ý kiến, những lý lẽ do luật sư, bị cáo… đưa ra, Hội đồng xét xử đều yêu cầu Kiểm sát viên phải tranh luận đáp lại những ý kiến đó, chấp nhận hay không chấp nhận. Nhờ đó, trong thời gian qua, các Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đạt được nhiều tiến bộ rõ nét trong việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng khi xét xử; góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, góp phần chứng minh sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc cải cách tư pháp.
Để đạt được những kết quả nêu trên trong việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, các Thẩm phán đã quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hiểu được ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng là gì, từ đó vận dụng một cách hiệu quả trong thực tiễn xét xử. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức chính trị, nghiên cứu hồ sơ kỹ càng, nâng cao kỹ năng điều khiển phiên tòa, kỹ năng xét hỏi, đổi mới việc tổ chức phiên tòa theo hướng không phân biệt Thẩm phán nào hỏi chính hay hỏi phụ, ưu tiên cho tranh tụng; các Thẩm phán trong Hội đồng xét xử luôn là trọng tài trong quá trình tranh tụng.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử và lãnh đạo Tòa phúc thẩm thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm sau những phiên tòa lớn, phức tạp hoặc đông người tham gia tố tụng để đánh giá những mặt tích cực cũng như tìm ra những thiếu sót, hạn chế của từng Thẩm phán trong quá trình thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa; đồng thời luôn lắng nghe sự đóng góp ý kiến tích cực của nhân dân, các cơ quan, tổ chức để việc thực hiện nguyên tắc này ngày càng tốt hơn. Hàng năm, khi đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, việc thực hiện nguyên tắc hiến định “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá Thẩm phán làm tốt công tác xét xử.