Việc tạm đình chỉ không đúng sẽ làm cho vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, gây bức xúc dư luận. Theo báo cáo năm 2019 của TAND Tp. Hồ Chí Minh, có đến 3.390 vụ việc tạm đình chỉ và 32 vụ quá hạn.
Làm thế nào để kéo giảm án tạm đình chỉ đang là đòi hỏi rất bức thiết...
Nhìn thẳng thực tế để khắc phục
Xét về bản chất thì tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời gian nhất định. Khi có những căn cứ do pháp luật quy định và khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn, Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự hoặc việc dân sự đó. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không làm chấm dứt việc giải quyết vụ án mà chỉ làm gián đoạn tạm thời tiến trình tố tụng đang được tiến hành do xuất hiện những tình tiết, sự kiện nhất định.
Theo lãnh đạo Tòa Dân sự TAND Tp. Hồ Chí Minh, những năm gần đây, các tranh chấp về dân sự hàng năm đều tăng về số lượng thụ lý và tính chất các vụ tranh chấp ngày càng phức tạp, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nhà đất. Mặc dù triển khai nhiều giải pháp khắc phục nhưng số lượng án tạm đình chỉ của TAND Tp. Hồ Chí Minh vẫn tăng theo từng năm, gây ảnh hưởng đến thành tích chung của đơn vị.
Toà Dân sự luôn có số lượng án tạm đình chỉ cao nhất trong số các Toà chuyên trách (1.479/3.390 vụ chiếm tỷ lệ 43,63%). Do vậy, lãnh đạo đơn vị đã “mổ xẻ” khó khăn, tìm giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, số lượng án giải quyết.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Tòa dân sự nhận thấy trên thực tế, đa số các vụ án tạm đình chỉ đều có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện vẫn tồn tại những vụ án tạm đình chỉ với lý do không thuyết phục. Đó là những vụ tạm đình chỉ không có căn cứ theo quy định của pháp luật tố tụng. Rất nhiều vụ án Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ không đúng theo quy định tại Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự, điển hình là lý do tạm đình chỉ để chờ trả lời của công an phường về tình trạng cư trú, địa chỉ của bị đơn, người liên quan.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chỉ phát biểu đạo khắc phục tình trạng án tạm đình chỉ tăng cao tại Hội nghị triển khai công tác của TAND TP Hồ Chí Minh năm 2020
Theo lãnh đạo Tòa dân sự, những lý do trên không phải là căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án và chưa thể hiện hết trách nhiệm của Thẩm phán giải quyết vụ án. Đối với vụ án này, Thẩm phán có thể trực tiếp tiến hành xác minh, không nhất thiết phải thụ động đợi kết quả từ Công an phường. Những trường hợp này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh đề tình trạng tạm đình chỉ tràn lan, không đúng căn cứ theo quy định của luật tố tụng.
Có một số vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, Tòa án thụ lý vụ án đã lâu nhưng sau nhiều tháng, Thẩm phán mới có công văn hỏi UBND về nguồn gốc, tình trạng pháp lý, diễn biến quá trình sử dụng đất. Sau đó, ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả trả lời. Điều đó thể hiện Thẩm phán chưa tập trung giải quyết vụ án, một số trường hợp còn thể hiện bệnh thành tích vào thời điểm cuối năm công tác của Thẩm phán.
Đơn vị cũng phát hiện một số vụ án tạm đình chỉ theo yêu cầu của đương sự nhưng căn cứ không đúng. Sau đó, dù thời gian kéo dài nhưng Tòa án cũng không có hoạt động tố tụng nào để tiếp tục giải quyết vụ án, để tồn đọng kéo dài...
Giải pháp nào để kéo giảm án tạm đình chỉ?
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; Kéo giảm 50% số lượng vụ án Tạm đình chỉ còn tồn đọng trong các năm trước để lại, lãnh đạo Tòa Dân sự đã nêu ra một số giải pháp thực hiện.
Theo đó, đơn vị kiểm tra các “lý do tạm đình chỉ” để phân loại; thống kê riêng từng loại án tạm đình chỉ; thống kê các vụ, việc tạm đình chỉ theo từng mốc thời gian tạm đình chỉ của từng loại vụ, việc.
Ban lãnh đạo Tòa Dân sự cho rà soát lại tổng thể tất cả các vụ án đang tạm đình chỉ giải quyết của các Thẩm phán, đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm số vụ việc đang có quyết định tạm đình chỉ. Với quyết tâm xác định vụ án nào lý do tạm đình chỉ không đúng quy định của pháp luật, căn cứ tạm đình chỉ không còn, cần đưa ngay ra giải quyết theo quy định.
Đặc biệt, đối với những vụ án đã tạm đình chỉ nhiều năm, đơn vị cần phải tìm giải pháp giải quyết dứt điểm, khắc phục ngay tình trạng để tồn đọng quá nhiều các vụ án tạm đình chỉ trong nhiều năm qua… để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án này.
Ban lãnh đạo Tòa Dân sự tăng cường kiểm tra, có các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết đúng thời hạn; đôn đốc nhắc nhở Thẩm phán, Thư ký trong việc thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm các Thẩm phán có các bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy do lỗi chủ quan; đề nghị xử lý nghiêm khắc các công chức có hành vi tiêu cực trong công tác giải quyết án…
Theo lãnh đạo đơn vị, việc khẩn trương tổ chức rút kinh nghiệm cho Thẩm phán và Thư ký về những sai sót trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án là rất quan trọng. Việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các Thẩm phán, Thư ký có nhiều sai sót là cần thiết để đề ra các giải pháp hữu hiệu, sớm khắc phục.
Để giải quyết dứt điểm việc tồn đọng án tạm đình chỉ, lãnh đạo Toà Dân sự nghiên cứu kiến nghị Chánh án phân công, chia đều toàn bộ các vụ án tạm đình chỉ cho các Thẩm phán, xây dựng chỉ tiêu giải quyết án tạm đình chỉ, tránh việc cứ giải quyết việc mới thì việc cũ để lại, giao lòng vòng, sau nhiều năm vẫn tồn đọng loại án này.
Một sáng kiến được nêu ra là ít nhất có hai ngày trong tuần, lãnh đạo đơn vị sẽ trao đổi án khó, vướng mắc với các Thẩm phán để xây dựng kế hoạch giải quyết án. Những trường hợp giải quyết dứt điểm án tạm đình chỉ với số lượng lớn sẽ được đề xuất khen thưởng, biểu dương kịp thời.
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ là công việc hết sức khó khăn nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, nêu cao trách nhiệm của toàn thể cán bộ công chức Toà Dân sự Tp. Hồ Chí Minh, hy vọng quyết tâm kéo giảm án tạm đình chỉ sẽ được thực hiện triệt để và đạt thành công.