Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam”, ngày 12/1, TANDTC Việt Nam phối hợp với Văn phòng Dự án KOICA tại Việt Nam và Tòa án tối cao Hàn Quốc tổ chức Tọa đàm về kỹ năng viết bản án kinh doanh, thương mại.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC chủ trì Tọa đàm. Tham dự tại các điểm cầu trực tuyến còn có các đồng chí Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa các Tòa chuyên trách của các Tòa án có số lượng giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại nhiều nhất trong những năm qua như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nghệ An, Lào Cai, Nam Định, Hưng Yên.
Về phía Hàn Quốc có bà Han Mi Ra, Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam; ông Kim Tae Joon, Thẩm phán, Giám đốc Dự án của Hàn Quốc; Thẩm phán Park Hyun Soo, Thẩm phán Chu Jin Suk (Nghiên cứu sinh Đại học Luật Hà Nội).
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc soạn thảo bản án là công việc thường xuyên của Thẩm phán. Bản án là sản phẩm thể hiện kết quả của toàn bộ hoạt động tố tụng của Tòa án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án. Bản án kinh doanh thương mại là văn bản tố tụng thể hiện thái độ của nhà nước trong việc bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, bản án kinh doanh thương mại có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, bởi nó trực tiếp tác động đến niềm tin, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp. Mặt khác, bản án còn là cơ sở để Tòa án cấp trên xem xét theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, đồng thời là cơ sở để TANDTC lựa chọn và ban hành án lệ nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong việc chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, các thông tin thể hiện trong bản án phải đảm bảo tính chính xác; các lập luận, kết luận và các quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, lô-gic, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật.
Việc soạn thảo bản án, quyết định Tòa án đúng quy chuẩn là yêu cầu thiết thực, đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững những kỹ năng, yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng bản án bị hủy, sửa do viết ẩu, không thống nhất theo mẫu hướng dẫn, không phản ánh hết các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như kết quả tranh tụng. Một số bản án còn sai sót về văn phong, chính tả, nhận định không sâu sắc, lập luận thiếu chặt chẽ, thậm chí có bản án giữa phần nhận định và phần quyết định còn mâu thuẫn với nhau.
Theo Chánh án TANDTC buổi Tọa đàm này còn là cơ hội các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ những thông tin, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia Hàn Quốc trong việc soạn thảo bản án kinh doanh thương mại của Tòa án Hàn Quốc. Từ đó, các Thẩm phán có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu giúp trau dồi kỹ năng viết bản án dân sự.