Trong phiên thảo luận sáng nay 8/11 về công tác tư pháp, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian phát biểu về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí báo cáo công tác năm 2022 của; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo về công tác Tòa án năm 2022.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, báo cáo thẩm tra cho thấy, năm 2022 tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số vụ án có quy mô lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm trên không gian mạng với thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm tham nhũng tăng, tội phạm trong công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh tiền tệ, tội phạm về ma túy, xâm phạm trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp…
Theo đại biểu, kết quả công tác của các cơ quan tố tụng cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương rất quyết liệt và có nhiều giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cả cấp Tòa án đã khắc phục cơ bản về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội một cách hiệu quả. Đặc biệt, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được thực hiện như phiên tòa trực tiếp…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành Tòa án còn gặp nhiều khó khăn, như việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số, vận hành hiệu quả phần mềm trợ lý ảo, giám sát, điều do thiết bị công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ và thiếu đồng bộ. Số lượng vụ việc trong các Tòa án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp trong khi đó nguồn lực hiện tại là con người cũng như cơ sở vật chất của Tòa án các cấp và các cơ quan tư pháp còn thiếu.
Từ thực trạng đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội tiếp tục có cơ chế phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở các Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, các trại tạm giam các tỉnh, các kho vật chứng của cơ quan thi hành án để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
"Quốc hội xem xét tăng số lượng Thẩm phán, Thư ký Tòa án các cấp, đặc biệt là Thẩm phán sơ cấp, trung cấp cho Tòa án. Đề nghị Bộ Công an, TANDTC kịp thời trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phòng xét xử tại điểm cầu Trung tâm Tòa án và điểm cầu thành phần tại các trại tạm giam và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình", đại biểu đề nghị.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 33/2021/QH15 tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đại biểu cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Điều này thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử trong bối cảnh dịch bệnh. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, TANDTC cũng đã khẩn trương, chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành các văn bản và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện việc xét xử trực tuyến.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chưa bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến, nhưng theo báo cáo đến hết ngày 30/09/2022 toàn hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến được rất nhiều vụ án với con số rất ấn tượng, qua đó cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà nòng cốt là các Tòa án; khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân trực tiếp theo dõi một số phiên tòa.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, các báo cáo đã cho thấy kết quả bước đầu việc triển khai phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội. Theo đó, việc triển khai phiên tòa trực tuyến đã đánh dấu bước đột phá về cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án.
Cơ quan có thẩm quyền đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, các Tòa án cũng đã tích cực triển khai thực hiện các phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc như: cơ sở vật chất chưa được triển khai đồng bộ, các điểm cầu bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, áp lực kinh phí cho các đơn vị, còn lúng túng trong phối hợp triển khai giữa các đơn vị.
Để đảm bảo công tác triển khai phiên tòa trực tuyến phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị TANDTC đánh giá đầy đủ hơn kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt là những khó khăn, bất cập để có giải pháp thực hiện đồng bộ.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ, TANDTC quan tâm, phát huy hiệu quả Tòa án điện tử, Trợ lý tòa án ảo, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của TANDTC, tập trung đầu tư cơ sở vật chất thiết bị xét xử trực tuyến đảm bảo đồng bộ công nghệ, đường truyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.