Ngày 24/1/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán.
Đây là Sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các Toà án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch Thẩm phán; cụ thể như sau:
Theo quy định ở tiết thứ nhất thì Ban tư pháp xã được thành lập ở cơ sở cấp xã “ở mỗi xã, ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký (theo Điều 75 Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 tổ chức chính quyền nhân dân) sẽ kiêm cả việc tư pháp. Cả ba uỷ viên trong Ban tư pháp ấy đều có quyền quyết nghị. Thư ký giữ công việc lục sự, lưu trữ công văn, làm các giấy tờ, biên bản... Mỗi tuần lễ Ban tư pháp phải họp ít nhất là một lần, họp công khai ở trụ sở của Uỷ ban” (Điều 2). Ban tư pháp xã có quyền: hoà giải tất cả các việc dân sự và thường sự; phạt các việc vi cảnh từ năm hào đến sáu đồng bạc (nếu người bị phạt không chịu nộp phạt, thì Ban tư pháp lập biên bản và đệ lên Toà án sơ cấp xét xử); thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên. Ban tư pháp xã không có quyền tịch thu tài sản của ai và cũng không có quyền bắt bớ, giam giữ ai, trừ khi có trát nã của một Thẩm phán hay khi thấy người phạm tội quả tang (Điều 3 và Điều 4).
Theo quy định ở tiết thứ hai thì “ở mỗi quận (phủ, huyện, châu) có một Toà án sơ cấp, quản hạt là địa hạt quận. Nếu cần một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể thay đổi quản hạt được”. Toà án sơ cấp gồm có: một Thẩm phán, một lục sự và một hay nhiều Thư ký giúp việc. Mỗi tuần lễ, ít ra phải có hai phiên toà công khai: một phiên hộ và một phiên hình. Tại phiên toà, Thẩm phán xét xử một mình, lục sự giữ bút ký, lập biên bản, án từ. Ngoài ra Sắc lệnh còn quy định “ở các thành phố và thị xã, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt Toà án sơ cấp tổ chức theo các nguyên tắc nói trên” (Điều 11).
Theo quy định ở tiết thứ ba thì “ở mỗi tỉnh và ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn - Chợ Lớn có một Toà án đệ nhị cấp. Quản hạt Toà án này theo giới hạn của địa hạt tỉnh hay thành phố. Nếu cần, một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể thay đổi quản hạt được”. Đồng thời tuỳ theo sự quan trọng, các Toà án đệ nhị cấp sẽ chia ra làm bốn hạng do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định. Ngoài các thành phố kể trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt thêm Toà án đệ nhị cấp ở các thành phố khác.
Về tổ chức trong một Toà án, thì Toà án đệ nhị cấp gồm có một Chánh án, một biện lý, một dự thẩm, một chánh lục sự và những thư ký giúp việc. Tuỳ nơi nhiều việc hay ít việc, có thể tăng thêm số Thẩm phán và lục sự, hay để một Thẩm phán kiêm nhiều chức vụ.
Về xét xử thì mỗi tuần lễ, ít ra cũng phải có hai phiên toà công khai: một phiên hộ và một phiên hình. Khi xét xử về dân sự, thương sự, Chánh án xử một mình. Khi xét xử các việc tiểu hình, phải có thêm hai viên phụ thẩm nhân dân góp ý kiến. (Điều 17). Theo quy định tại Điều 20, thì không thể cùng làm phụ thẩm trong một Toà án “các người thân thuộc hay thích thuộc với nhau cho đến bậc thứ ba, các người thân thuộc hay thích thuộc với các Thẩm phán hoặc với các người đương sự cho đến bậc thứ ba”và “không ai có thể làm phụ thẩm trong một việc mà mình là người đương sự hoặc đã điều tra, hoặc đã làm chứng hay làm giám định” (Điều 21). Sắc lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của phụ thẩm nhân dân rất cụ thể, họ “có bổn phận là lấy trí sáng suốt và lương tâm ngay thẳng ra xét mọi việc rồi phát biểu ý kiến một cách công bằng không vì nể, vì sợ một thế lực nào, vì lợi ích riêng hay tư thù mà bênh vực ai hay làm hại ai. Các phụ thẩm nhân dân phải giữ kín các điều bàn bạc trong lúc nghị án. Nếu tiết lộ bí mật ấy ra sẽ bị Toà thượng thẩm phạt từ sáu tháng đến hai năm tù”. Trước khi mở phiên toà các phụ thẩm nhân dân không được đọc hồ sơ, nhưng tại phiên toà họ có quyền yêu cầu ông Chánh án (Chủ toạ phiên toà) hỏi thêm các bị cáo và cho biết các tài liệu có trong hồ sơ. Ông Chánh án phải hỏi ý kiến các phụ thẩm về tội trạng của các bị cáo và về hình phạt rồi tự mình quyết định. Tuy nhiên, về các vấn đề thủ tục, tạm tha và các vấn đề khác liên quan đến hộ hay thương mại, ông Chánh án không phải hỏi ý kiến các phụ thẩm nhân dân.
Đối với các việc đại hình, khi xét xử Toà đệ nhị cấp gồm có nămngười cùng ngồi xử và đều có quyền quyết nghị; đó là: Chánh án Toà đệ nhị cấp ngồi ghế Chánh án (Chủ toạ phiên toà); hai Thẩm phán làm phụ thẩm chuyên môn được chọn trong các Thẩm phán của Toà án đệ nhị cấp hay của Toà án sơ cấp trong quản hạt, do ông Chánh nhất Toà thượng thẩm chỉ định mỗi năm một lần. Tuy nhiên, trong năm, ông Chánh nhất có thể quyết định việc thay đổi hai vị phụ thẩm chuyên môn; hai phụ thẩm nhân dân được chọn bằng cách rút thăm ở danh sách các phụ thẩm nhân dân do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập vào hồi đầu năm.
Theo quy định tại Điều 34, thì Toà đại hình xử sơ thẩm, ông biện lý, bị can và nguyên đơn có quyền chống án lên Toà thượng thẩm.
Theo quy định ở tiết thứ tư thì ở mỗi kỳ, có một Toà thượng thẩm; Toà thượng thẩm ở Bắc Kỳ đặt ở Hà Nội; Toà thượng thẩm Trung Kỳ đặt ở Thuận Hoá (Huế); Toà thượng thẩm Nam Kỳ đặt ở Sài Gòn. Mỗi Toà thượng thẩm gồn có một Chánh nhất, các Chánh án phòng, các hội thẩm, một chưởng lý, một hay nhiều phó chưởng lý, những tham lý, một chánh lục sự, các lục sự, những tham tá và thư ký. Về cách tổ chức các Toà thượng thẩm và số các Chánh án, hội thẩm, phó chưởng lý, tham lý và lục sự ở mỗi Toà do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định “Khi phúc lại các án tiểu hình và đại hình, ngoài ông Chánh án và hai hội thẩm, phải có thêm hai phụ thẩm nhân dân có quyền quyết nghị và chọn bằng cách rút thăm... (Điều 38). Danh sách các phụ thẩm nhân dân tại Toà thượng thẩm có từ 50 đến 100 người chọn trong nhân dân kỳ và sẽ do Uỷ ban hành chính kỳ lập vào hồi đầu năm sau khi hỏi ý kiến ông chưởng lý. Trong việc đại hình, nếu trước Toà thượng thẩm một bị cáo không có ai bênh vực, ông Chánh án sẽ cử một luật sư để bào chữa cho bị cáo.
Về tổ chức các ngạch Thẩm phán gồm có hai ngạch Thẩm phán: ngạch sơ cấp và ngạch đệ nhị cấp. Thẩm phán sơ cấp làm việc ở Toà sơ cấp, Thẩm phán đệ nhị cấp làm việc ở các Toà đệ nhị cấp và Toà thượng thẩm. Các Thẩm phán đệ nhị cấp chia ra làm hai chức vị: các Thẩm phán xử án do ông Chánh nhất Toà thượng thẩm đứng đầu và các Thẩm phán của công tố viện (Thẩm phán buộc tội) do ông chưởng lý đứng đầu. Khi xét xử, Thẩm phán quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án.
Trong Sắc lệnh này cũng quy định một cách rất cụ thể về tiêu chuẩn của Thẩm phán, cách tuyển chọn và đối tượng được tuyển chọn (bao gồm cả các quan lại cũ đã từng làm Thẩm phán, các lục sự Toà nam án đệ nhị cấp cũ), quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, kỷ luật đối với Thẩm phán và y phục của Thẩm phán.
Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan trong những ngày đầu mới giành chính quyền, việc xây dựng hệ thống Toà án theo Sắc lệnh 13 ngày 24/1/1946 chưa thực hiện được đầy đủ ở khắp các địa phương trong toàn quốc. Do đó, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 22-B ngày 18/12/1946 để quyền trợ cấp tư pháp cho Uỷ ban hành chính ở những nơi chưa đặt được Toà án biệt lập. Theo Sắc lệnh này, ở nơi nào chưa thiết lập được Toà án thì Uỷ ban hành chính sẽ kiêm việc tư pháp: Uỷ ban tỉnh có quyền hạn như Toà án đệ nhị cấp; Uỷ ban phủ, huyện, châu có quyền hạn như Toà án sơ cấp.
Ở tỉnh đương sự có quyền chống án lên Toà thượng thẩm (Điều 4) khi phúc thẩm, Toà thượng thẩm chỉ xét về nội dung vụ kiện, còn về hình thức, nếu có chỗ sai lầm mà không hại đến nội dung vụ án thì Toà thượng thẩm có thể tuỳ nghi công nhận hiệu lực của bản án bị kháng cáo như không có sự sai lầm ấy (Điều 5).
Tiếp theo Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 ấn định thẩm quyền các Toà án và sự phân công giữa các thành viên trong Toà án. Chương thứ nhất của Sắc lệnh quy định cụ thể về thẩm quyền các Toà án như sau:
Như vậy, từ sau ngày 13/9/1945 đến sau ngày 24/1/1946, ở nước ta đã có 3 loại Toà án: Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt, Toà án thường. Nhằm giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Toà án này, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 43 ngày 3/4/1946 lập ở mỗi kỳ “một hội đồng phân định thẩm quyền giữa Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường”.
Sắc lệnh cũng đã quy định cách thức giải quyết việc tranh chấp thẩm quyền giữa Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường.
Ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Tại Chương VI bản Hiến pháp này quy định về “Cơ quan tư pháp”, theo đó Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm có: Toà án tối cao; các Toà án phúc thẩm; các Toà án đệ nhị cấp và sơ cấp (Điều 63). Cao viên Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm (Điều 64). Về các nguyên tắc xét xử gồm có: “Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc đại hình (Điều 65); Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án (Điều 66); các phiên Toà án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn Luật sư (Điều 67); trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (Điều 69)”.
Tuy nhiên, thực dân pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, chiến tranh nổ ra, toàn quốc kháng chiến, nên hệ thống Toà án chưa tổ chức được theo Hiến pháp 1946.
Để đáp ứng công tác xét xử trong hoàn cảnh kháng chiến, ngày 29/12/1946 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông lệnh số 12/NV-CT về tổ chức Tư pháp trong tình thế đặc biệt. Bản Thông lệnh này cùng với bản Thông lệnh số 6/NV-CT ngày 28/12/1946 về tổ chức chính quyền trong thời kỳ đặc biệt là những cơ sở pháp lý để tổ chức và hoạt động của hệ thống Toà án trong thời kỳ kháng chiến được linh hoạt.
Ngày 26/5/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 185-SL ấn định thẩm quyền các Toà án sơ cấp và đệ nhị cấp theo hướng tăng thẩm quyền cho các Toà án này so với Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946.
Ngày 23/8/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 163 tổ chức Toà án binh lâm thời đặt ở Hà Nội. Toà án binh lâm thời có thẩm quyền xét xử: Các quản nhân phạm pháp bất cứ về một tội gì, trừ những tội vi cảnh thuộc thẩm quyền các Toà án tư pháp và những “thường tội” định ở điều thứ 49 Sắc lệnh số 71 ngày 22 tháng 5 năm 1945 thuộc quyền nghị phạt của các cấp chỉ huy quân đội; Những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, những người làm việc trong quân đội như công nhân, chủ thầu, khi phạm pháp có liên can đến quân đội; Những người thuộc bất cứ hạng nào mà phạm pháp ở trong các đồn trại, quân y viện, nhà đề lao binh hoặc một cơ quan nào của quân đội, hoặc phạm pháp làm thiệt hại đến quân đội.
Nếu một người ngoài quân đội đồng thời phải truy tố trước Toà án binh lâm thời vì một tội thuộc thẩm quyền Toà án ấy và trước một Toà án tư pháp hoặc quân sự vì một tội thuộc thẩm quyền các Toà án ấy, thì phải do Toà án binh lâm thời xét xử trước. Trừ những trường hợp Toà án tư pháp tuyên án phạt tiền hoặc phạt bồi thường, nếu bị can phải cả hai toà cùng phạt thì hắn chỉ phải chịu hình phạt nặng nhất mà thôi. Gặp trường hợp nhiều người cùng bị can về một tội mà trong đó có cả quân nhân cả thường dân, thì việc đó sẽ do Toà án binh lâm thời xét xử.
Toà án binh lâm thời gồm có: Một Chánh án và 2 hội thẩm ngồi xử, Một Uỷ viên Chính phủ đứng buộc tội (viên này kiêm công việc dự thẩm); Một lục sự ngồi chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má. Chánh án là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy hoặc một nhân viên cao cấp Bộ Quốc phòng do Nghị định Bộ trưởng bộ Quốc phòng bổ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có thể thoả hiệp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp để bộ này cử một Thẩm phán cao cấp sung chức Chánh án.
Hội thẩm thứ nhất là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.Hội thẩm thứ hai là một Thẩm phán ngạch tư pháp, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau khi đã hiệp ý với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Uỷ viên Chính phủ là một quân nhân hoặc một nhân viên Bộ Quốc phòng, do Nghị định bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định, theo đề nghị của quân pháp Cục trưởng. Lục sự cũng do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định trong các quân nhân thuộc cấp chỉ huy. Mỗi khi ký nghị định bổ nhiệm một thẩm phán Toà án binh lâm thời. Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ cử một người chính thức và một người dự khuyết.
Ngày 16/2/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 19-SL Tổ chức các Toà án binh khu trên toàn cõi Việt Nam (trừ các Toà án binh tại mặt trận): Ở mỗi khu sẽ đặt một Toà án binh. Nhưng nếu xét cần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể ký Nghị định lập thêm trong khu một hay nhiều Toà án binh ở những nơi quân đội đóng. Mỗi Toà án binh gồm có: Một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử; Một Uỷ viên Chính phủ ngồi buộc tội; Một lục sự chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.
Chánh án là khu trưởng hoặc một quân nhân từ cấp trung đoàn trưởng trở lên, do khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y. Hội thẩm thứ nhất là một Thẩm phán đệ nhị cấp ngạch tư pháp do Giám đốc tư pháp khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y. Hội thẩm thứ hai là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy do khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y. Uỷ viên Chính phủ là chính trị viên khu hoặc một quân nhân thuộc cấp chính trị viên trong đoàn trở lên do chính trị viên khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y. Lục sự là một quân nhân do khu trưởng chỉ định. Đối với mỗi chức vụ kể trên, sẽ cử một nhân viên chính thức và một nhân viên dự khuyết thay nhân viên chính thức khi mắc bận.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể uỷ cho Uỷ Ban kháng chiến khu quyền lập Toà án binh ở hậu phương, hoặc quyền chuẩn y việc cử các nhân viên, hoặc cá nhân quyền ấy.
Toà án binh khu có thẩm quyền xét xử những quân nhân phạm vào: Một hay nhiều tội định ở hình luật chung, theo những hình phạt định ở trong ấy; Một hay nhiều tội có tính cách nhà binh định ở điều thứ 7 Sắc lệnh số 163 ngày 23-8-1946, theo những hình phạt định ở điều ấy....”
Ngày 25/4/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 45 quy định tổ chức và hoạt động của Toà án binh tối cao. Toà án binh tối cao gồm có: Một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử. Một uỷ viên Chính phủ đứng buộc tội. Một lục sự chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.
Chánh án là một quân nhân hoặc một nhân viên cao cấp Bộ Quốc phòng, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm. Hội thẩm thứ nhất là một Thẩm phán đệ nhị cấp, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau khi đã y hiệp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hội thẩm thứ hai là một quân nhân ngang cấp hoặc thuộc cấp trên đối với bị can, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm. Ủy viên Chính phủ và lục sự đều là quân nhân thuộc cấp chỉ huy hoặc nhân viên Bộ Quốc phòng do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.
Tòa án binh Tối cao có thẩm quyền xét xử các quân nhân từ cấp trung đoàn trưởng trở lên phạm vào: Một hay nhiều tội định ở hình luật chung theo những hình phạt định ở trong ấy. Một hay nhiều tội có tính cách nhà binh, định ở điều thứ 7, sắc lệnh số 163 ngày 23/8/1946, theo những hình phạt định ở điều ấy....”
Ngày 5/7/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 59 thành lập Tòa án binh khu Trung ương. “Tòa án binh khu Trung ương gồm có: Một Chánh án ngồi xử; Một nhân viên Bộ Quốc phòng và một nhân viên Bộ Tổng chỉ huy - Hội thẩm; Một Ủy viên Chính phủ đứng buộc tội; Một lục sự chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má. Các nhân viên kể trên đều do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm. Hội thẩm Bộ Tổng chỉ huy đề cử, sẽ do Nghị định ông Tổng chỉ huy bổ nhiệm.
Tòa án binh khu Trung ương có thẩm quyền xét xử các nhân viên phạm pháp thuộc các Cơ quan Trung ương của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy, kể cả các Trung đoàn trưởng trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền đối với các nhân viên không phải là quân nhân, chỉ thi hành trong thời kỳ chiến tranh...
Để kịp thời trừng trị những tội phạm xảy ra tại những nơi đang có chiến sự, liên bộ Quốc phòng- Tư pháp đã ra Thông lệnh liên bộ số 11-NV-CT ngày 28-12-1946, số 32-TL-ĐB ngày 16/2/1947 và số 60- TT ngày 23/5/1947 về thiết lập Tòa án binh tại mặt trận. Theo đó: Ở một địa điểm đương tác chiến, có thể lập một Tòa án binh tại mặt trận, do quyết định của viên chỉ huy mặt trận từ cấp trung đoàn trưởng trở lên, hoặc quyết định của một cấp dưới đã được Ủy quyền của trung đoàn trưởng.
Tòa án binh tại mặt trận gồm có: Một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử; Một quân nhân giữ bút lục. Chánh án là viên chỉ huy quân sự ở khu vực đương tác chiến, thuộc cấp Trung đoàn trưởng trở lên (hoặc người thay mặt). Hội thẩm là một chính trị viên và một quân nhân nơi xảy ra việc phạm pháp.
Tòa án binh tại mặt trận có thẩm quyền xét xử những người thuộc bất cứ hạng nào quả tang phạm vào, ở những địa điểm đương tác chiến, một trong những tội sau này: Phản quốc; Gián điệp; Cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng. Tòa án binh tại mặt trận có quyền tuyên án đến tử hình.
Mỗi khi xảy ra việc phạm pháp thuộc loại trên, Tòa án binh tại mặt trận sẽ họp để xử ngay và bản án sẽ được thi hành ngay. Nhưng phải gửi báo cáo và hồ sơ lên Bộ Quốc phòng (Quân pháp cục) qua khu trưởng....”.
Như vậy, trước ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), trên Toàn lãnh thổ Việt Nam, chỉ có một Tòa án binh lâm thời đặt tại Hà Nội được tổ chức theo Sắc lệnh 163 ngày 23/8/1946. Nhưng sau đó Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh (Sắc lệnh 163 tự hết hiệu lực) và thông lệnh tổ chức các Tòa án binh mới: Sắc lệnh số 19- SL ngày 14/2/1947 tổ chức các Tòa án binh khu trên Toàn cõi Việt Nam; Sắc lệnh số 45- SL ngày 25/4/1947 Tổ chức Tòa án binh tối cao; Sắc lệnh số 59- SL ngày 5/7/1947 tổ chức Tòa án binh khu Trung ương.
Thông lệnh liên bộ Quốc phòng- Tư pháp số 60- TL ngày 28/5/1947 tổ chức Tòa án binh tại mặt trận. Thông tư số 64 TT ngày 6-8-1947 về phân biệt Tòa án binh và Tòa án Quân sự của Bộ Quốc phòng, nêu rõ:
“... Tòa án Quân sự có quyền xử tất cả mọi người phạm tội có tính cách chính trị, chỉ trừ khi người phạm tội là binh sĩ thì để thuộc quyền Tòa án binh xử.
Tòa án binh thì có quyền xét xử tất cả quân nhân phạm pháp dù họ phạm vào các tội có tính cách nhà binh hay các tội định trong hình luật chung.
Nên để ý trong sắc lệnh nói rõ là quân nhân nghĩa là những người tuyển theo quy tắc quân đội Quốc gia. Còn các đội cảnh vệ, công an.v.v... thuộc hành chính thì vẫn thuộc quyền Tòa án tư pháp hoặc Tòa án quân sự tuỳ trường hợp. Tòa án binh còn có quyền xét xử những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, hoặc những người phạm pháp trong các đồn trại của quân đội và các cơ quan quốc phòng hoặc làm hại trực tiếp đến bộ đội.
Tòa án Binh khu Trung ương thì xử các quân nhân hoặc nhân viên thuộc bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy kể cả từ cấp trung đoàn trưởng trở lên, nghĩa là tất cả các cấp.
Tuy nhiên, thẩm quyền cao Tòa án binh khác nhau tuỳ theo cấp: Tòa án binh khu có thẩm quyền đối với các binh sĩ từ trung đoàn phó, tiểu đoàn trưởng trở xuống, còn các cấp chỉ huy từ trung đoàn trưởng trở lên thuộc thẩm quyền Tòa án binh tối cao.
Trên đây là lệ chung, nhưng cũng có vài biệt lệ cần chú ý: Tòa án binh tại mặt trận có quyền xét xử “những người thuộc bất cứ hạng nào”, quân nhân hay thường dân ở những địa điểm đương tác chiến, quả tang phạm tội phản quốc, gián điệp hoặc cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng. Nếu trong một vụ phạm pháp có cả quân nhân, cả thường dân, việc ấy sẽ do Tòa án binh hoặc Tòa án Quân sự xét xử tuỳ theo trường hợp và tính cách việc phạm pháp (Sắc lệnh số 19-SL ngày 16-02-1947 điều thứ 7).
Tùy theo trường hợp, ví dụ như trong một khu kia, nhân viên Tòa án binh đang bận về công việc tá chiến, có thể giao cho Tòa án Quân sự xét xử một việc phạm pháp trong đó có cả quân nhân, cả thường dân.
Tuỳ theo tính cách việc phạm pháp: Gặp một vụ phạm pháp trong đó có cả quân nhân, cả thường dân, mà có tính cách chính trị (ví dụ: Âm mưu chống lại Chính phủ) tất cả các kẻ can phạm có thể giao sang Tòa án Quân sự xét xử; trái lại nếu việc phạm pháp có tính cách binh bị (ví dụ: Phá hoại một Cơ quan Quốc phòng việc ấy sẽ để thuộc thẩm quyền Tòa án binh).
Xem như trên, có thể nói rằng: “Tòa án binh có tính cách binh bị, Tòa án Quân sự có tính cách chính trị””. Tòa án binh thuộc quyền quản trị (quản lý về mặt tổ chức) của khu quân sự. Về chuyên môn thuộc quản lý của lục quân pháp Bộ Quốc phòng.
Ngày 14/2/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 21 về tổ chức các Tòa án Quân sự, Sắc lệnh này bãi bỏ các Sắc lệnh về Tòa án Quân sự: SL ngày 13/9/1945, ngày 26/9/1945, 29/9/1945, 28/12/1945, 15/1/1946. Để hướng dẫn thi hành Sắc lệnh số 21 nêu trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 82 ngày 25/2/1946. Ngày 8/2/1948, bộ Tư pháp ra Thông tư số 28/HC định thẩm quyền của Tòa án Quân sự. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 170-SL ngày 14/4/1948 tổ chức lại các Tòa án Quân sự.
Các văn bản nêu trên đã quy định rõ tổ chức các Tòa án Quân sự, thủ tục tố tụng trước Tòa án Quân sự, thẩm quyền của các Tòa án Quân sự. Theo đó: Chánh án các Tòa án Quân sự được lựa chọn từ các Ủy viên Ủy ban hành chính kháng chiến liên khu hay tỉnh chứ không phải là quân nhân như trước đó. hủ tục tố tụng được quy định cụ thể về thụ lý, điều tra, trình tự phiên Tòa tại các Tòa án Quân sự.
Về thẩm quyền, Tòa án Quân sự xét xử các vụ án: Phản quốc, gián điệp, làm tay sai cho địch (dẫn đường, tiếp tế, thông tin cho địch), làm việc với địch (đi lính, hội tề v.v...) làm hại đến cuộc kháng chiến, phá hủy các công tác phòng thủ, các vũ khí làm thiệt hại cho quân đội, tuyên truyền chống lại cuộc kháng chiến, âm mưu khuynh đảo chính phủ, âm mưu lập nền quân chủ v.v...
Ngày 18/2/949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 138-B/SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Điều 1 Sắc lệnh quy định: “Nay bãi bỏ Sắc lệnh số 64 ngày 23/1/945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt”. Như vậy, Sắc lệnh này đã giải thể Tòa án đặc biệt được thành lập theo Sắc lệnh 64 ngày 23/1/945.
(Còn nữa)