Tòa án Quân sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống Tòa án Việt Nam

Bình Nguyên (thực hiện)| 31/07/2015 21:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tòa án Quân sự (TAQS) là tiền thân của hệ thống Tòa án Việt Nam ngày nay. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các TAQS có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống Tòa án Việt Nam.

Tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2015), Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương về nội dung này.

PV: Chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 70 ngày thành lập hệ thống Tòa án Việt Nam, xin ông cho biết quá trình hình thành và phát triển của TAQS?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh: Về chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành, TAQS Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong quá trình lịch sử phát triển của TAND. Lịch sử lập pháp nước nhà đã ghi nhận, TAQS là tiền thân của Toà án Việt Nam ngày nay. Trải qua chặng đường lịch sử 70 năm, sau khi thành lập, các TAQS đã từng bước phát triển và ngày càng hoàn thiện. Quá trình đó luôn gắn liền với sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và hệ thống Tòa án nói chung.

Tòa án Quân sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống Tòa án Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh

Ngày 13/9/1945, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 33C thiết lập các TAQS trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là loại hình Toà án đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cũng là tiền thân của hệ thống TAND hiện nay. Các TAQS mà thực chất là Toà án cách mạng ra đời trong điều kiện đất nước ta vừa giành độc lập, bị các lực lượng thù trong, giặc ngoài âm mưu chống phá. Trong thời kỳ này, TAQS tiến hành xét xử tất cả những người có hành vi gây phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngày 16/2/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 19 thành lập các Tòa án binh khu. Theo đó, hệ thống TAQS gồm hai cấp: Tòa án binh tối cao và dưới là các Tòa án binh khu. Tuy nhiên, các Tòa án binh chưa phải là tổ chức hoạt động chuyên trách, mà chỉ khi có vụ án mới lập ra Tòa án để tổ chức xét xử.

Ngày 3/1/1986, Pháp lệnh Tổ chức TAQS được ban hành. Pháp lệnh ra đời đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống TAQS. Theo đó, các TAQS được xác định là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức trong quân đội với hệ thống ba cấp (Trung ương, Quân khu và khu vực), hoạt động chuyên trách với vị trí, chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tư pháp trong quân đội. Và, hệ thống tổ chức TAQS ba cấp đã được duy trì, thực hiện từ đó cho đến nay.

Sau khi Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hiệu lực, tổ chức TAND có những thay đổi đáng kể. Theo đó, hệ thống TAND được tổ chức với bốn cấp Tòa án, hình thành thêm TAND cấp cao; Thẩm phán TAQS Trung ương nay là Thẩm phán cao cấp; Chánh án TAQS Trung ương là Thẩm phán TANDTC; TAQS cấp quân khu có Thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp; TAQS khu vực có Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.

PV: Với nền tảng đó, trong những năm qua, hoạt động của TAQS đã đạt được kết quả gì, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh: Hiện nay, 100% Thẩm phán TAQS các cấp có trình độ cử nhân luật và trình độ cao cấp chính trị hoặc cử nhân chính trị. Bên cạnh đó, việc rèn luyện đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về quân sự quốc phòng, ngoại ngữ, công nghệ thông tin thường xuyên được chú ý, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đến nay, hầu hết cán bộ đã có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; chưa phát hiện cán bộ nào có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong công tác giải quyết án.

Với đội ngũ cán bộ chất lượng ngày càng cao, việc xét xử các vụ án hình sự của các TAQS đã đạt được chất lượng và hiệu quả tốt. Trong 70 năm qua, hoạt động xét xử luôn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xử oan người không có tội. Bản án do TAQS tuyên luôn tạo được sự đồng thuận xã hội, được nhân dân địa phương và cán bộ, chiến sỹ các đơn vị tin tưởng, ủng hộ, công lý và dân chủ luôn hiện hữu trong các phiên tòa.

Bên cạnh hoạt động xét xử, các TAQS đã quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ thị của Bộ Quốc phòng về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Các TAQS các cấp đã tổ chức nói chuyện và giảng dạy pháp luật hàng chục ngàn giờ cho cán bộ, chiến sỹ trên địa bàn đóng quân về nội dung pháp luật cũng như tình hình chấp hành pháp luật trong và ngoài quân đội; là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc xét xử lưu động luôn được các TAQS chú trọng. 70% số án được tổ chức xét xử tại đơn vị, nơi xảy ra vụ án. Thông qua các phiên toà xét xử lưu động đã phát huy hiệu quả trực quan, sinh động, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật; hạn chế, ngăn ngừa vi phạm kỷ luật, pháp luật tại các địa phương và đơn vị.

PV: Nói đến Tòa án thì vai trò không thể thiếu là những đóng góp vào công cuộc cải cách tư pháp. Những năm qua, TAQS đã làm được điều đó như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh: Cải cách tư pháp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước ta. Sau khi Bộ Chính trị ban hành NQ số 48-NQ/TW “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và NQ số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; cùng với đó, các Nghị quyết của Đảng cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bảo đảm xét xử đúng pháp luật, dân chủ, công khai, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề nêu trên, TAQS Trung ương đã tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC ban hành một số văn bản, tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho việc triển khai đồng bộ công tác cải cách tư pháp của các cơ quan tố tụng trong quân đội. Từ các văn bản quan trọng này, nội dung và lộ trình cải cách tư pháp trong quân đội được Đảng ủy các cấp lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan tố tụng từng bước thực hiện.

Theo đó, TAQS Trung ương đã tham mưu, soạn thảo và trình Bộ Quốc phòng ký ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong quân đội; nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng 385 dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và thông tư bảo đảm chất lượng; chủ trì nghiên cứu các Đề án về thẩm quyền xét xử của TAQS, đề án về mô hình tổ chức TAQS, đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ TAQS… đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể nói, bằng thái độ làm việc trách nhiệm, lối tư duy tích cực, khách quan, toàn diện, với sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan điều tra hình sự, Viện kiểm sát quân sự, các TAQS đã từng bước hiện thực hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng vào cuộc sống; tính dân chủ, công khai trong các phiên tòa ngày càng được đề cao; quyền con người, quyền công dân của các thành phần tham gia tố tụng được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Bản án do TAQS tuyên đều có tính thuyết phục cao, củng cố và tăng cường niềm tin trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đối với nền tư pháp nước nhà; góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

PV: Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND, vậy TAQS đã có hướng thi đua và nhiệm vụ trọng tâm như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh: 6 tháng đầu năm, các TAQS đã tích cực phấn đấu, giải quyết tốt các vụ án thuộc thẩm quyền. 100% các vụ án được đưa ra xét xử đều đúng thời hạn luật định. Nhiều vụ án nghiêm trọng được tổ chức xét xử điển hình tại đơn vị, địa phương nơi vụ án xảy ra, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

6 tháng cuối năm 2015, các TAQS tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác quân sự quốc phòng; nâng cao chất lượng công tác xét xử; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tích cực tham gia hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật và các công tác khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: Hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, không xét xử oan người không có tội và không để lọt tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, phấn đấu không có án bị hủy; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Ra quyết định thi hành án đối với 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và chuyển giao đúng thời hạn cho cơ quan thi hành án, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, thời gian thử thách án treo đúng quy định; Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần NQ số 49-NQ/TW và kết luận của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Bộ Quốc phòng, đảm bảo yêu cầu đặt ra và triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 một cách chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án Quân sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống Tòa án Việt Nam