Tòa án giai đoạn 1959 - 1980 (Tiếp theo kỳ trước)

PV| 11/09/2015 23:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có thể nói rằng trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1968), Toà án nhân dân đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trong những năm này đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc với quy mô ngày càng mở rộng và với mức độ ngày càng ác liệt hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Thực hiện nhiệm vụ chung do Trung ương Đảng đề ra cho toàn Đảng, toàn dân ở miền Bắc là: “Tiếp tục đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường bảo vệ miền Bắc, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ; đồng thời tích cực chi viện cho cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước”.Mặc dù trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, song nhìn chung trong 4 năm kháng chiến, ngành Toà án nhân dân đã thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của ngành thể hiện trên ba mặt:

Một là, các Toà án các cấp đã gắn chặt công tác Toà án với các nhiệm vụ chính trị của thời chiến, đã hướng mọi hoạt động của ngành Toà án vào mục đích phục vụ các cuộc vận động chính trị, các công tác lớn của Đảng và Nhà nước. Nói chung các mặt công tác của Toà án phát triển đúng hướng, vững chắc, có nội dung chính trị rõ rệt và do đó có tác dụng rất lớn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm: chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hai là, nắm vững vấn đề tăng cường chuyên chính và bảo đảm dân chủ trong tình hình đặc điểm của nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa và trong tình hình miền Bắc có chiến tranh phá hoại, ngành Toà án đã tăng cường và kết hợp chặt chẽ các mặt: trừng trị và phòng ngừa, xét xử và tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cuộc đấu tranh chống tội phạm và vi phạm chính sách, pháp luật.

Ba là, ngành Toà án đã chú trọng nhiều đến việc xây dựng tư pháp xã và tổ hoà giải cơ sở, nhằm phát huy mạnh mẽ tính chất nhân dân của công tác Toà án, kết hợp tính tích cực của quần chúng với hoạt động của Toà án trong cuộc đấu tranh chống tội phạm và trong việc giải quyết các xích mích, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Quán triệt Nghị quyết 39-NQTƯ ngày 20-1-1962 của Bộ Chính trị, ngành Toà án nhân dân đã tăng cường đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, trừng trị kịp thời và nghiêm khắc mọi hoạt động phản cách mạng, đặc biệt là đối với các hoạt động gián điệp, biệt kích, hoạt động tổ chức phản cách mạng, hoạt động chiến tranh tâm lý.

Trong việc xét xử các tội phản cách mạng, ngành Toà án nhân dân đã nắm chắc phương châm, chính sách và sách lược của Đảng, thể hiện đúng quan điểm đấu tranh giai cấp, quan điểm chính trị của Đảng, phát huy đến mức cao nhất tác dụng chính trị của việc xét xử, góp phần tiêu diệt bọn phản cách mạng ở miền Bắc, đồng thời nêu cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng chính trị tốt đối với miền Nam.

Đặc biệt trong giai đoạn này, được sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao đã soạn thảo xong Dự án Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng, được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố vào cuối năm 1967.

Bên cạnh việc đấu tranh, trấn án bọn phản cách mạng, Toà án nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc trừng trị những hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ quản lý kinh tế tài chính, quản lý thị trường cũng như trong việc trừng trị những hành vi xâm phạm trật tự, trị an và an toàn xã hội, vi phạm các chính sách lớn của thời chiến. Trong việc xét xử các loại tội phạm này, Toà án đã kết hợp nhuần nhuyễn nguyên tắc trừng trị và nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa.

Đối với nhân dân lao động, phạm tội nhẹ, việc xét xử của Toà án nói chung mục đích giáo dục là chính. Còn đối với những người tuy thuộc thành phần nhân dân lao động, nhưng đã biến chất, lợi dụng danh nghĩa hợp tác xã thủ công, hoặc bỏ hợp tác xã làm ăn riêng lẻ để kinh doanh trái phép bóc lột, trục lợi, cũng như đối với các trường hợp nghiêm trọng, thì các Toà án đã xét xử nghiêm minh với mức án nghiêm khắc.

Ví dụ: Trần Văn Toàn (Hải Phòng) công nhân nhà in, lấy cắp chữ, mực và in tem phiếu giả để mua thực phẩm của mậu dịch về bán đầu cơ, trục lợi khoảng 3.000đ, đã bị xử phạt 10 năm tù và 4.000đ; Trần Văn Di (Hà Tĩnh) thủ kho lương thực, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thông đồng với gian thương tham ô 13 tấn gạo đem bán trục lợi bị xử phạt tù chung thân.

  Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất nước nhà. Trong thắng lợi đó Toà án nhân dân đã có sự đóng góp sức lực, trí tuệ không nhỏ và còn có cả xương máu, đó là sự hy sinh của các đồng chí Thẩm phán, cán bộ Toà án trên đường đi làm nhiệm vụ xét xử.

Ngay năm đầu thống nhất nước nhà các Toà án được tổ chức, củng cố trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội nghị toàn quốc đầu tiên của ngành Toà án nhân dân tháng 4/1977 đã xác định đúng nội dung cụ thể của nhiệm vụ chính trị của ngành Toà án trong giai đoạn mới của cách mạng và đã đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đó.

Trong 9 tháng đầu năm 1977, các Toà án các cấp (trừ các Toà án cấp huyện chưa có số liệu) đã thụ lý, xét xử 112 vụ án phản cách mạng, 8.167 vụ án hình sự khác. Đặc biệt các Toà án đã tăng cường xét xử lưu động tại nơi phạm tội, xác định và xét xử các vụ án điển hình, những vụ án phản cách mạng, những vụ án xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự trị an hoặc những vụ án xâm phạm đến tài sản xã hội chủ nghĩa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... Bằng con người thật, sự việc thật qua phiên toà xét xử, các Toà án đã vạch trần thủ đoạn và ý thức phạm tội của các bị cáo, tỏ rõ thái độ kiên quyết trấn áp các hoạt động phản cách mạng, trừng trị nghiêm khắc bọn lưu manh côn đồ hung hãn và những phần tử thoái hoá, biến chất. Do đó, việc xét xử đã có tác dụng giáo dục và phòng ngừa rất tốt, phục vụ kịp thời các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước như: bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ trật tự công cộng và an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống mới, con người mới... đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố, quận, huyện ở phía Nam sau ngày giải phóng.

Bên cạnh những thành tích đạt được trong công tác xét xử các vụ án hình sự, các Toà án nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, các vụ kiện về hôn nhân và gia đình. Trong 9 tháng đầu năm 1976 các Toà án nhân dân ở miền Bắc đã thụ lý giải quyết sơ thẩm 3.056 vụ án dân sự, 10.749 vụ án về hôn nhân và gia đình; các Toà án nhân dân ở miền Nam đã thụ lý giải quyết sơ thẩm 1.005 vụ án dân sự và hơn 10.000 vụ án về hôn nhân và gia đình.

 Đặc biệt các Toà án đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp đỡ các Ban tư pháp xã, các tổ hoà giải ở cơ sở nhằm giải quyết tốt các tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Sở dĩ đạt được những kết quả to lớn này là do các Toà án các cấp nắm vững tình hình đặc điểm của tranh chấp dân sự mang tính chất phức tạp nhất là ở vùng mới giải phóng, đồng thời có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Toà án nhân dân tối cao.

Song song với các Toà án nhân dân, các Toà án quân sự cũng đã đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng và chống tội phạm. Trong thời kỳ này tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, ở miền Bắc trong số các tội phản cách mạng nổi lên các hoạt động của nhiều toán gián điệp, biệt kích nhằm phá hoại cơ sở kinh tế quan trọng, gây rối, gây bạo loạn, âm mưu lật đổ chính quyền ở những địa bàn xung yếu ở giáp biên giới, vùng núi...

Một số tội phạm phát sinh tăng đáng kể, xâm phạm nghiêm trọng đến kỷ luật, sức chiến đấu của quân đội. Các hành vi trốn tránh nhiệm vụ như: đào ngũ, tự huỷ hoại thân thể, kháng lệnh xảy ra nhiều ở các đơn vị tuyến trước và các đơn vị huấn luyện bổ sung cho tuyến trước. Nhiều vụ đào ngũ có đông người tham gia, có trường hợp người đào ngũ là sỹ quan và đào ngũ mang theo vũ khí. Công tác quản lý tài sản trong chiến tranh, trong điều kiện phân tán có nhiều sơ hở, nên các tội tham ô, trộm cắp cũng phát triển và gây thiệt hại rất nghiêm trọng. ở miền Nam cuộc chiến đấu diễn ra rất gian khổ, ác liệt, nên tội phạm thường biểu hiện ở các hành vi đầu hàng địch, tiết lộ bí mật quân sự, làm tay sai cho địch v.v...

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của quân đội và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, các Toà án quân sự được củng cố, số cán bộ ở mỗi cấp Toà án được tăng lên, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách ngày càng nhiều, từ năm 1970 chế độ cán bộ Toà án kiêm chức được chấm dứt.

Thực hiện phương châm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của quân đội trong từng giai đoạn, từng năm, ngành Toà án quân sự xác định hướng hoạt động tập trung đấu tranh chống các tội phạm trọng điểm, góp phần đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Từ năm 1961 đến năm 1975 các Toà án quân sự đã xét xử hơn 5.000 vụ án. Các Toà án quân sự ở miền Nam với danh nghĩa Toà án quân sự cách mạng, Toà án quân sự mặt trận được tổ chức và hoạt động xét xử trên khắp các chiến trường, kịp thời trừng trị bọn ác ôn và những phần tử đầu hàng, phản bội gây tội ác đối với nhân dân.

Từ năm 1961 đến năm 1964 các Toà án quân sự đã xét xử trên 40 vụ gián điệp biệt kích, điển hình như vụ án gián điệp biệt kích C47. Thông qua việc xét xử các Toà án quân sự đã trừng trị nghiêm khắc bọn phản cách mạng đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. Các Toà án quân sự còn xét xử trừng trị đích đáng những phần tử phản cách mạng, âm mưu và hành động gây bạo loạn, cướp chính quyền như vụ gây bạo loạn ở Pha Long; vụ gây bạo loạn ở Ninh Bình v.v...

Sau năm 1975 các Toà án quân sự đã tập trung giải quyết một số lượng lớn vụ án tồn động trong chiến tranh, trong đó nhiều phần tử đầu hàng, phản bội Tổ quốc, làm tay sai cho địch bị trừng trị nghiêm khắc. Một số loại tội khác như: các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tài sản của công dân, xâm phạm vũ khí, trốn tránh nhiệm vụ chiến đấu, đào ngũ, kháng lệnh hành hung cấp trên, gây rối trật tự công cộng v.v... được các Toà án quân sự xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Hoạt động của các Toà án quân sự đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thực hiện tích cực, có trọng điểm, đạt tác dụng và hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Hoạt động của các Toà án quân sự góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, giữ gìn kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội trong chiến đấu, cũng như trong xây dựng hoà bình.

Việc đưa các vụ án về nơi xảy ra sự việc để xét xử trước sự chứng kiến của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đã có tác dụng tốt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Giúp cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhận thức rõ hơn về kỷ luật của quân đội và pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức tự giác chấp hành, góp phần làm giảm các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu trong các đơn vị quân đội.

Thông qua hoạt động của các Toà án quân sự, giúp cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp thấy rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của tội phạm. Từ đó tích cực, chủ động khắc phục những sơ hở, yếu kém về công tác quản lý tài sản, quản lý xây dựng đơn vị. Có thể nêu một số vụ điển hình như:

Toà án quân sự quân khu 7 xét xử vụ đào ngũ ở Gò Dầu Hạ, Tây Ninh trước đông đảo quần chúng nhân dân. Trước khi xét xử Toà án tiến hành tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong khi xét xử Hội đồng xét xử đã phân tích rõ tính chất, tác hại của hành vi đào ngũ và quyết định hình phạt thoả đáng, được đông đảo quần chúng đồng tình. Do đó, sau khi xét xử vụ án được 3 đến 4 ngày đã có trên 200 người đào ngũ trước đây đến cơ quan quân sự huyện trình diện và xin trở lại đơn vị.

Toà án quân sự quân khu 4 xử vụ Lưu Xuân Võ và đồng bọn can tội trộm cắp vũ khí tại Yên Thành, Nghệ An có tác dụng giáo dục tốt. Sau khi xét xử chỉ trong thời gian ngắn có nhiều người trước đây còn tàng trữ vũ khí trái phép đã đem hàng trăm khẩu súng và nhiều chất nổ đến nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời kỳ này các Toà án quân sự còn bám sát yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị tình nguyện của Việt Nam ở nước ngoài nhằm giữ vững kỷ luật, sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng tình đoàn kết giữa Việt Nam và một số nước anh em. Nhiều vụ án được xét xử ở nước ngoài được cán bộ, chiến sỹ quân đội ta và nhân dân nước bạn rất đồng tình ủng hộ.

Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu để giành thắng lợi to lớn: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đánh thắng các cuộc chiến tranh ở biên giới của các thế lực thù địch, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hoạt động của các Toà án quân sự trong thời kỳ này có bước phát triển mới. Các Toà án luôn nắm vững yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quân đội và tình hình tội phạm để có những hoạt động phù hợp, đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả cao nhất, góp phần bảo vệ sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Có thể khẳng định trong điều kiện chiến tranh cũng như trong xây dựng hoà bình, vai trò của Toà án quân sự là rất cần thiết, không thể thiếu. Qua hoạt động thực tiễn đã chứng minh tội phạm nảy sinh và đấu tranh chống tội phạm trong quân đội là một thực tế khách quan mà chúng ta phải có nhận thức đúng và giải quyết  theo quy luật vốn có của nó.

Phát hiện đúng điều kiện, nguyên nhân phát sinh phát triển của tội phạm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của công tác quản lý, giáo dục, xây dựng đơn vị, kết hợp trừng trị với giáo dục cải tạo thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mới có hiệu quả. Chúng ta cần chống biểu hiện không đúng như chỉ thấy những hành vi phạm tội cụ thể, tách biệt nguyên nhân chung và riêng hoặc lảng tránh, bao che, sợ mất thành tích không đấu tranh kiên quyết và triệt để dẫn đến việc đấu tranh phòng chống tội phạm kém hiệu quả, đó chính là biểu hiện hạ thấp vai trò của các Toà án quân sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án giai đoạn 1959 - 1980 (Tiếp theo kỳ trước)