TAND TP. Cần Thơ - 44 năm xây dựng và trưởng thành

Quang Trung| 17/09/2020 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trải qua hơn 44 năm, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, công chức Tòa án TP. Cần Thơ luôn tu dưỡng, rèn luyện, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn kết vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

TAND TP. Cần Thơ - 44 năm xây dựng và trưởng thành

Lãnh đạo TANDTC chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, Thẩm phán TAND Tp. Cần Thơ

Không ngừng kiện toàn tổ chức

Năm 1992, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX về việc chia tách tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Sau khi chia tách, TAND hai cấp của tỉnh Cần Thơ chỉ có 106 cán bộ, công chức. Trong đó, TAND tỉnh có 30 người (10 Thẩm phán), còn TAND 7 huyện, thị xã, Tp. Cần Thơ (trực thuộc tỉnh) có 76 người (30 Thẩm phán).

Đến năm 1994, tiêu chuẩn đối với Thẩm phán cũng có thay đổi, trong khi trình độ chuyên môn của cán bộ chưa được chuẩn hóa, cho nên một số Thẩm phán lúc này chưa có bằng đại học luật không được bổ nhiệm lại. Do đó, năm 1994 ở TAND tỉnh từ 12 Thẩm phán chỉ bổ nhiệm lại 9 đồng chí, TAND cấp huyện từ 26 Thẩm phán chỉ bổ nhiệm được 23 đồng chí.

Năm 2000, thực hiện việc chia tách, thành lập thêm huyện mới, nâng tổng số đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cần Thơ từ 7 lên 9 đơn vị, nhưng cán bộ Tòa án với số lượng còn khiêm tốn.

Tại kỳ họp cuối năm 2003, Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành lập mới tỉnh Hậu Giang và Tp. Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Theo đó, TAND Tp. Cần Thơ lại có sự biến động về tổ chức. Đầu năm 2004, khi chính thức thực hiện việc chia tách TAND thành phố có 40 biên chế (có 12 Thẩm phán), Tòa án 8 quận, huyện có 60 biên chế (17 Thẩm phán).

Trong suốt thời gian hơn 16 năm chia tách lần thứ hai, TAND hai cấp Tp. Cần Thơ không ngừng kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu Thẩm phán kéo dài, nhất là ở cấp huyện.

Từ năm 2015 biên chế đã được tăng thêm là 219 người (thành phố 71, cấp huyện 148) và đến nay đã thực hiện lộ trình tinh giản biên chế nên hiện còn 200 người. Trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, nhiều đồng chí được đào tạo, bồi dưỡng cử nhân, cao cấp chính trị, thạc sỹ luật học (hiện có 41 cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; 32 thạc sỹ luật). Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý TAND hai cấp được kiện toàn, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Về tổ chức bộ máy và thẩm quyền xét xử cũng có nhiều thay đổi. Lúc đầu, TAND cấp tỉnh chỉ có hai Tòa chuyên trách là Tòa Hình sự và Tòa Dân sự. Từ ngày 01/7/1994, Trọng tài kinh tế giải thể sáp nhập vào Tòa án và thành lập thêm Tòa Kinh tế. Ngày 01/7/1996, thành lập thêm hai Tòa Hành chính và Lao động trực thuộc TAND cấp tỉnh. TAND cấp huyện có lúc chỉ được quyền xét xử các vụ án hình sự có khung hình phạt đến 7 năm tù. Từ giữa năm 2004, TAND quận Ninh Kiều bắt đầu thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, rồi lần lượt các TAND quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ và sau cùng là Thới Lai cũng được tăng thẩm quyền xét xử án hình sự, dân sự và các loại án khác.

Thực hiện chủ trương cải cách bộ máy, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2014, theo đó tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân có nhiều đổi mới, hệ thống Tòa án đã thay đổi căn bản gồm 4 cấp. TAND cấp huyện nếu có đủ các tiêu chí thì có thể thành lập Tòa chuyên trách và tại Cần Thơ có TAND quận Ninh Kiều được thành lập hai Tòa chuyên trách. Chức năng, nhiệm vụ của Tòa án ngày càng được đề cao, lần đầu tiên Hiến pháp ghi nhận TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có vai trò, vị trí đặc biệt trong bộ máy Nhà nước. Tái khẳng định các ngạch Thẩm phán đều phải thông qua Chủ tịch nước bổ nhiệm và nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng có điều chỉnh, kể từ nhiệm kỳ thứ hai hoặc được nâng ngạch Thẩm phán thì nhiệm kỳ là 10 năm.

Góp phần quan trọng giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn

Trong những năm đầu sau giải phóng, TAND tỉnh Hậu Giang đã xét xử nhiều vụ án do các nhóm tàn quân chống phá cách mạng, các tổ chức phản động, âm mưu lật đổ chính quyền, các băng cướp khét tiếng, các vụ cướp tàu vượt biên… Qua đó góp phần củng cố chính quyền cách mạng. Sau này, mặc dù qua nhiều lần chia tách, tình hình cán bộ luôn thay đổi, thiếu hụt, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng TAND hai cấp tỉnh Cần Thơ, nay là thành phố Cần Thơ luôn tập trung đẩy mạnh công tác xét xử, giải quyết các loại án ngày càng tăng, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, hàn gắn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chỉ tính từ ngày tái lập tỉnh Cần Thơ năm 1992 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Cần Thơ, Tp. Cần Thơ đã thụ lý, giải quyết trên 150.000 vụ án các loại. Từ năm 1992 trở về sau này không có xét xử vụ án xâm phạm an ninh quốc gia nào nghiêm trọng, tuy nhiên các tội phạm khác từng lúc xảy ra nhiều và rất nghiêm trọng. TAND hai cấp đã xét xử nghiêm khắc những hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả lớn, khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội, biết ăn năn hối cải, đặc biệt là không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội nào.

Đối với án dân sự, hôn nhân gia đình mỗi năm đều tăng, chủ yếu là tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản. Thời gian gần đây phát sinh nhiều vụ ly hôn với người nước ngoài… cũng được các Tòa án giải quyết khá kịp thời và đã kiên trì hòa giải thành khối lượng lớn án dân sự, đạt tỉ lệ cao. Ngoài việc xét xử tại trụ sở, từ năm 2017 trở về trước các Tòa án còn tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Trong khoảng thời gian này, TAND tỉnh Cần Thơ, Tp. Cần Thơ còn tổ chức thi hành án tử hình hàng chục phạm nhân đảm bảo an toàn tuyệt đối và có tác dụng răn đe trong xã hội. Chính vì vậy, uy tín của Tòa án và hiệu quả công tác xét xử ngày được nâng cao, được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, đại bộ phận người dân tin tưởng hơn vào công lý tại Tòa án, xóa bỏ dần quan niệm “vô phúc đáo tụng đình”, dân chủ càng mở rộng nhiều loại việc người dân có quyền khởi kiện đến Tòa án để phân xử. Đây là thành quả quan trọng, sự trưởng thành vượt bậc về tổ chức bộ máy và hoạt động của TAND hai cấp thành phố sau hơn 44 năm thành lập, nhất là sau 16 năm Tp. Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

TAND Tp. Cần Thơ đã kế thừa truyền thống tốt đẹp đó và kế tục sự nghiệp của các bậc lão thành trong ngành, trải qua hơn 44 năm hoạt động. Đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, công chức Tòa án thành phố hôm nay luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngày càng đề cao ý thức “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” như Bác Hồ đã dạy, đoàn kết vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thẩm phán Thái Quang Hải, Chánh án TAND Tp. Cần Thơ cho biết, phát huy những thành quả đã đạt được hơn 44 năm qua, lãnh đạo, Thẩm phán, CBCC và người lao động TAND hai cấp Tp. Cần Thơ luôn trung thành với Hiến pháp, với Đảng và chế độ, giữ gìn đoàn kết thật tốt, phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, đề cao kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, liêm khiết, chí công vô tư, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt quyền tư pháp theo hiến định và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND TP. Cần Thơ - 44 năm xây dựng và trưởng thành