Tòa án đã áp dụng, thi hành pháp luật hiệu quả

Mai Thoa| 03/12/2015 22:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 3/12, Bộ Tư pháp và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (Nghị định 59) về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Cơ quan Tòa án thi hành pháp luật hiệu quả

Hội nghị nhằm đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện tình hình thi hành pháp luật, những hạn chế, tồn tại… từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, công tác quán triệt triển khai thực hiện Nghị định số 59 được thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về theo dõi tình hình thi hành pháp luật từng bước được thực hiện. Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm tháng 8/2015, có 5/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành; 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy chế phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; 8/63 tỉnh, thành tiến hành xây dựng hoặc lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong việc xây dựng quy chế theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố…

Tòa án đã áp dụng, thi hành pháp luật hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị

Về tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền, qua phân tích, đánh giá cho thấy: Ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của ngành Thanh tra, năm 2015 đã tiến hành trên 6.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 116.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị thu hồi trên 52 tỷ đồng và 1.788ha đất. Ngành Thanh tra cũng đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 40,7 tỷ đồng…

Về tình hình thi hành pháp luật tại Tòa án, báo cáo đánh giá cũng nhận định, nhìn chung, công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, trọng điểm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của các bị cáo. Việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ về cơ bản đảm bảo có căn cứ pháp luật. Các tội phạm về tham nhũng đều được xét xử nghiêm minh, đặc biệt đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo chỉ chiếm 12% trong tổng số các bị cáo đã xét xử, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước.

Đa dạng các hình thức vi phạm

Cũng theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, nhìn chung tình hình vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền làm giảm hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước; gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của của Đảng và Nhà nước, tác động tiêu cực đến phục hồi tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá, tình trạng cơ quan nhà nước và người có Thẩm quyền chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi công vụ xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan như hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều khiếm khuyết, bât cập, nhiều quy định mâu thuẫn chồng chéo, chưa đảm bảo thống nhất đồng bộ, khả thi; việc phổ biến tập trung chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp thực thi công vụ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn hình thức, hiệu quả chưa cao…

Việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân, công dân cho thấy tình hình vi phạm pháp luật trong những năm qua tiếp tục diễn biên phức tạp. Tính chất, mức độ vi phạm pháp luật ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, nhất là nhóm hành vi vi phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các tội phạm về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nhìn chung diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng tăng cả về số vụ và số bị can. Tội phạm về lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, có cả tình trạng tham nhũng vặt trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, các hành vi tiêu cực để được việc khi giao dịch với cơ quan công quyền diễn ra phổ biến nhưng khó phát hiện xử lý.

Nguyên nhân của tình hình trên, một phần là do các yếu tố khách quan, như tác động của những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; tình hình kinh tế khó khăn do sản xuất suy giảm, thất nghiệp gia tăng; sự xuống cấp về đạo đức xã hội, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, làm ăn chụp giật... nhưng chủ yếu vẫn là do những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội.

Với thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát đối với những lĩnh vực “nóng”, có nhiều vi phạm pháp luật nổi lên trong thời gian qua như buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn giao thông, khai thác khoáng sản;  Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác phối hợp với Chính phủ, các cơ quan có liên quan tham gia ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, ban hành Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án đã áp dụng, thi hành pháp luật hiệu quả