Công tác xét xử các vụ án tham nhũng của Tòa án thời gian qua đã góp phần ổn định tình hình chính trị; ngăn chặn, phòng ngừa và dần đẩy lùi hành vi phạm tội tham nhũng.
Với nhiệm vụ được Hiến pháp quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC thường xuyên chỉ đạo TAND các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Công tác xét xử các vụ án tham nhũng của Tòa án thời gian qua đã góp phần ổn định tình hình chính trị; ngăn chặn, phòng ngừa và dần đẩy lùi hành vi phạm tội tham nhũng; từng bước đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện nghiêm các quy định về xét xử tội phạm tham nhũng
Ngay sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các Tòa án đã xét xử hàng chục vụ án tham nhũng, tiêu biểu là vụ án Đại tá Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha quân nhu Bộ Quốc phòng, đã phạm tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến. Ngày 5/9/1950, Tòa án binh tối cao đã tuyên phạt bị cáo Trần Dụ Châu tử hình. Thời kỳ chống đế quốc Mỹ, các Tòa án xét xử kịp thời nhiều vụ án về tham nhũng, điển hình là vụ án Trần Văn Di ở Hà Tĩnh, phạm tội tham ô nhiều tấn gạo, bị Tòa án phạt tù chung thân…
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đến Đại hội VI (1986), Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh. Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong các Văn kiện Đại hội, Đảng ta đã chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp. Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tặng Bằng khen cho các Thẩm phán đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, với nhiệm vụ chính trị được giao là bảo vệ công lý, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC thường xuyên chỉ đạo TAND các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Tòa án các cấp coi công tác xét xử tội phạm tham nhũng là trọng tâm của hoạt động phòng, chống tham nhũng. Các Tòa án đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị và tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đảm bảo đúng nguyên tắc xử lý tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Chủ động phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng
Tòa án đã chủ động phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tòa án kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ đối với bất kỳ ai, dù ở cương vị nào mà phạm tội. Đối với những vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng, các Tòa án đều cử Thẩm phán tham gia phối hợp ngay từ quá trình điều tra, truy tố để nắm chắc các tình tiết khách quan của vụ án, đảm bảo cho việc xét xử đúng pháp luật, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nghe tuyên án
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát chuyến sang, lãnh đạo các Tòa án khẩn trương phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, bố trí lịch xét xử để sớm đưa vụ án ra xét xử kịp thời. Đối với những vụ án tham nhũng có quy mô lớn, số người tham gia tố tụng nhiều, các Tòa án đều thành lập các tổ công tác bao gồm nhiều Thẩm phán, cán bộ có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án và thực hiện các công tác có liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Trong những năm qua, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Tòa án các cấp đã giải quyết hàng trăm vụ án về tội tham nhũng với hàng nghìn bị cáo. Các bị cáo bị xét xử về tội tham nhũng chủ yếu là: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để vụ lợi… Các Tòa án đã áp dụng phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với hàng trăm bị cáo; còn lại là các hình phạt khác tùy theo tính chất phạm tội. Ngoài các hình phạt chính, Tòa án còn áp dụng các hình phạt bổ sung, buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm với tổng số tiền rất lớn.
Những vụ án lớn, trọng điểm mà dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trong thời gian qua như: vụ án Nguyễn Văn Tuyên cùng đồng phạm, phạm tội “Tham ô tài sản”. Vụ án Nguyễn Đình Thản phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ở Công ty cổ phần Vinaconex 10 Đà Nẵng. Vụ án Phạm Trọng Thi cùng đồng phạm, phạm các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ở Công ty cổ phần Công nghiệp rừng Tây nguyên. Vụ án Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phạm các tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”… Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng điển hình là vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội; vụ án Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB); vụ án Hà Văn Thắm tại OceanBank… đều được xét xử kịp thời. Đặc biệt, vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Tham ô tài sản”; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”… được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Đây không chỉ là vụ án mà mức độ thiệt hại kinh tế do hành vi phạm tội của các bị cáo gây rất lớn, mà còn bởi hầu hết các bị cáo đều từng giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, thậm chí có bị cáo từng là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng được xét xử nghiêm minh.
Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bị xét xử về tội cố ý làm trái và tham ô tài sản
Mặt khác, một số Hội đồng xét xử đã ra Quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa vì phát hiện tình tiết, dấu hiệu của tội phạm mới. Việc khởi tố ngay tại phiên tòa đã thể hiện sự cương quyết trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của Tòa án nhân dân trong việc thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhất là đối với những vụ án tham nhũng trọng điểm. Quá trình xét xử những vụ án tham nhũng theo đúng các quy định của Bộ luật TTHS, Bộ Luật Hình sự. Các Tòa án đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 (tháng 11/2017) đó là: Đối với tội tham nhũng, cần phải tập trung làm tích cực, quyết liệt hơn, xét xử công minh, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật; đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội; áp dụng mức hình phạt nghiêm đối với các bị cáo nhất là kẻ chủ mưu, cầm đầu, bị cáo có vai trò tích cực; khoan hồng với những đối với bị các phạm tội do bị lôi kéo, nên có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Sau khi Hội đồng xét xử tuyên án đối với các vụ án tham nhũng thì đều được dư luận đánh giá là những phiên tòa nghiêm minh, mẫu mực, có nhiều đổi mới theo đúng tinh thần cải cách tư pháp và các quy định của pháp luật. Bản án tuyên đảm bảo nghiêm khắc, công bằng, thể hiện sự tiến bộ của thiết chế Tòa án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, các Tòa án rất quan tâm đến các biện pháp phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại. Thực tiễn cho thấy công tác xét xử các vụ án tham nhũng của Tòa án thời gian qua đã đạt được những kết quả cao; góp phần ổn định tình hình chính trị; ngăn chặn, phòng ngừa và dần đẩy lùi hành vi phạm tội tham nhũng.
Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC cho biết, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng như các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trong thời gian tới TANDTC tập trung xét xử kịp thời, nghiêm minh đối với những bị cáo phạm tội tham nhũng. Các Tòa án luôn thượng tôn pháp luật, không có “vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào việc thực thi pháp luật để bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; từng bước đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.