Chính trị

Tổ chức phiên tòa trực tuyến hiện đang thiếu cơ sở vật chất để vận hành

Mai Thoa 20/03/2023 13:30

Tổ chức phiên tòa trực tuyến và phát triển án lệ là hai trong nhiều nội dung quan trọng mà các ĐBQH chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, vào sáng 20/3.

chanh-an(1).jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Đang khó khăn về cơ sở vật chất

Chất vấn Chánh TANDTC Nguyễn Hòa Bình về phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) nêu vấn đề: Theo báo cáo của Chánh án TANDTC, tính đến hết tháng 2/2023, cả nước đã đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến hơn 5.400 vụ. Tuy nhiên, so với tổng số vụ việc các cấp đã giải quyết trong thời gian qua, tỉ lệ xét xử trực tuyến chiếm tỉ lệ không cao.

Qua nghiên cứu báo cáo và thực tế tại cơ sở, áp lực rất lớn cho Tòa án ở địa phương hiện nay là thiếu nguồn kinh phí để đầu tư và kỹ năng xét xử trực tuyến và trình độ chuyên môn, đặc biệt ứng dụng CNTT trong hoạt động xét xử chưa đáp ứng yêu cầu. Đại biểu Song đề nghị Chánh án TANDTC cho biết nguyên nhân và các giải pháp cơ bản để giải quyết bất cập, hạn chế nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nâng cao chất lượng xét xử bằng hình thức trực tuyến.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Phiên tòa trực tuyến hiện nay còn hạn chế do thiếu cơ sở vật chất. Hiện, đã có các phiên tòa mẫu cho các địa phương tham khảo và trên thực tế những ngày đầu còn lúng túng nhưng giờ đã thành thạo hơn.

Về xét xử trực tuyến, Chánh án TANDTC đề nghị Quốc hội sớm phê duyệt các chương trình liên quan để có nguồn lực đầu tư vào các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc xét xử trực tuyến, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các phiên tòa này.

Về hình thành phương thức tố tụng điện tử, Tòa án điện tử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, Nghị quyết 33 của Quốc hội chỉ giới hạn ở trong chừng mực nhất định về các vụ án cần xét xử chứ chưa đặt ra câu chuyện phải có tố tụng trực tuyến ngay. Các nước có luật riêng về tố tụng điện tử. Khi chúng ta hình thành nền tố tụng điện tử chuyên nghiệp thì mới cần, còn giờ đang thận trọng triển khai từng bước, Chánh án cho hay.

Theo báo cáo của TANDTC, tính đến hết tháng 02/2023, có tổng cộng 647 Tòa án (03 TAND cấp cao; 63 TAND cấp tỉnh và 581 TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án (hình sự 4.379 vụ, dân sự 220 vụ, hành chính 342 vụ, hôn nhân và gia đình 97 vụ, lao động, kinh doanh thương mại 13 vụ, các loại vụ việc khác 353 vụ).

Áp chỉ tiêu ban hành án lệ cho các Tòa án

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề cập thông tin trung tâm hoà giải được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Đề nghị Chánh án cho biết hiệu quả trên thực tế của việc thực hiện hoà giải đối thoại ngoài Tòa án ra sao?

200320230917-nguyen-hoang-bao-tran-binh-duong.jpg
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) chất vấn Chánh án TANDTC.

Trả lời câu hỏi trên, Chánh án TAND Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiều nước coi luật hòa giải như đột phá thay thế xét xử. Tất cả tranh chấp trong xã hội nếu được hòa giải sẽ có nhiều tác dụng. Các xung đột được thỏa thuận, giải quyết thân thiện sẽ giúp giảm chi phí mở phiên tòa hay chi phí thi hành án, bởi bản án của Tòa tuyên xong vẫn còn chi phí thi hành án, và nhiều khi còn tiếp tục phát sinh mâu thuẫn.

Từ đó, Chánh án khẳng định hòa giải là thiết chế giải quyết xung đột xã hội một cách hòa thuận, hàn gắn. Thực tế những năm qua, tỷ lệ hòa giải có khoảng 72.000 vụ trong tổng số 600.000 vụ phải giải quyết. Con số này không cao, song giúp giảm đáng kể số vụ Tòa án phải xử, giúp cho giải quyết áp lực khi “việc nhiều, Thẩm phán ít” như hiện nay. Hòa giải là phương cách giải quyết được xung đột một cách thân thiện nên rất có tác dụng, Chánh án khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương nêu thực tế, hiện nay số án lệ so với các vụ án quá ít ỏi, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh xã hội phát triển, hội nhập, số hóa phát sinh nhiều tranh chấp và tình tiết mới, cho phép giải quyết các vụ việc chưa được các quy định của pháp luật điều chỉnh…

Đại biểu đề nghị Chánh án nêu rõ có những giải pháp để phát triển án lệ trong thời gian tới, làm cơ sở pháp luật giải quyết các vụ việc tương tự.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, một trong những nội dung của cải cách tư pháp là phát triển án lệ. Thế giới có hàng trăm năm rồi nhưng giờ chúng ta mới có.

Chánh án khẳng định cả thế giới cần án lệ. Theo ông, Luật chỉ quy định vấn đề chung, không thể bao gồm hết diễn biến cuộc sống. Vì nhiều nên có nhận thức khác nhau, cần phát triển án lệ. Án lệ được xem như nguồn bổ sung, giải quyết thực tiễn trong áp dụng pháp luật.

Án lệ chỉ là chi tiết của vụ án. Với Việt Nam cũng có án lệ được thế giới đánh giá cao, ví dụ như quy định “vũ khí nguy hiểm tấn công vào vùng nguy hiểm nhưng không chết người thì được coi là tội giết người chứ không phải là cố ý gây thương tích", Chánh án nêu dẫn chứng và cho biết, hiện chúng ta ban hành án lệ ít vì, năm 2017 mới tiến hành ban hành án lệ, kinh nghiệm chưa nhiều nên phải thận trọng. Quy trình ban hành án lệ của Tòa án được làm rất chặt chẽ.

200320230921-nguyen-thi-viet-nga-hai-duong.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị VIệt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

"TANDTC cũng đã có nhiều biện pháp khuyến khích Tòa án các cấp ban hành án lệ như nâng lương, khen thưởng,… Bắt đầu từ năm 2023, TANDTC đã ra quy định tất cả Tòa án tỉnh phải có ít nhất một bản án tạo ra chuẩn mực pháp lý mới, tạo thành án lệ”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Báo cáo trước đó TANDTC gửi đến UBTVQH cũng nêu rõ, đến nay Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua và ban hành 63 án lệ (hình sự có 14 án lệ; dân sự có 29 án lệ; hôn nhân và gia đình có 05 án lệ; kinh doanh thương mại có 10 án lệ; hành chính có 04 án lệ; Lao động có 01 án lệ); đồng thời vận hành có hiệu quả Trang tin điện tử về Án lệ.

Tính đến ngày 01/3/2023, đã có 1.437 bản án, quyết định của các Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ, trong đó án lệ được áp dụng nhiều nhất là Án lệ số 08/2016/AL, với gần 1.000 bản án, quyết định áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức phiên tòa trực tuyến hiện đang thiếu cơ sở vật chất để vận hành