Chiều 10/4, tại Hải Phòng, Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hải Phòng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2024.
Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan ngoại giao; lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Về phía thành phố Hải Phòng có các ông: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố.
Chủ đề của Diễn đàn Vietnam Connect 2024 là “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp” được đánh giá không chỉ là chủ đề của một hội nghị mà chính là cam kết, là quyết tâm của cả Chính phủ, các địa phương lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu chào mừng diễn đàn, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết: Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm, thành phố luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của đất nước, trở thành một ‘thành phố xanh" dựa trên cơ sở một nền "kinh tế xanh, bền vững". Đồng thời, triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh của thành phố trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu của một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cùng chia sẻ về tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững của quốc gia và địa phương. Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư một số lĩnh vực thúc đẩy chuyển đổi xanh như năng lượng tái tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, phát triển vật liệu mới, chíp, bán dẫn, phát triển kinh tế số, chính phủ số, chính quyền số, chuyển đổi xanh trong giao thông, phát triển đô thị thông minh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, Chính phủ luôn kỳ vọng các địa phương và doanh nghiệp sẽ chính là những chủ thể năng động, tích cực, đi tìm những sáng kiến, giải pháp đột phá cho đất nước thông qua những lối nghĩ, cách làm mới.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế net zero; đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Tham gia diễn đàn, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng trình bày tham luận “Hải Phòng chủ động và tiên phong chuyển đổi xanh”. Theo đó, Hải Phòng đang tập trung chiến lược tăng tốc chuyển đổi xanh với các định hướng lớn đã được đề cập trong các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gồm: Xanh về Khu công nghiệp, Khu kinh tế; xanh về cảng biển - logistics; xanh về công nghiệp - dịch vụ tổng hợp.
Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, Hải Phòng sẽ tập trung hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư; hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh; xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Thành phố sẽ nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh; nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp.
Cũng tại diễn đàn đã diễn ra phiên thảo luận của với sự tham gia của 3 nhóm chủ thể chính, gồm: đại diện cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, ngành; lãnh đạo địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp. Các đại biểu đã cùng trao đổi, phản hồi và thảo luận về các nhóm vấn đề chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh như: các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam về vấn đề chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, hướng tới net zero và phát triển bền vững; đánh giá khả năng huy động và tiếp cận các nguồn lực tài chính xanh, tài chính khí hậu, net zero; đánh giá năng lực, nội lực của các địa phương, doanh nghiệp (FDI và Việt Nam) trong việc thực thi chuyển đổi xanh; đề xuất, khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi hơn nữa, tốc độ chuyển động chính sách thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, góp phần quan trọng đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã công bố và vinh danh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) lần thứ 23, gồm: 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 6 nhóm ngành (công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ số & dịch vụ số; dịch vụ tài chính và bảo hiểm; phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; giáo dục và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống); 10 thương hiệu xuất sắc được vinh danh Golden Dragon Awards là Samsung, LG Display, Intel, Qualcomm, Heineken, HSBC, Lego, SCG, UOB, Coca-Cola.