Tỉnh Kon Tum kiến nghị không cấp phép khai thác khoáng sản gần di tích lịch sử

Văn Hà| 09/03/2021 07:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến việc doanh nghiệp mở đường khoan thăm dò khoáng sản gần di tích lịch sử (DTLS), mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đi kiểm tra tình hình thăm dò khoáng sản đá quarzit làm vật liệu xây dựng xã Pô Kô, huyện Đăk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Sau khi kiểm tra, Sở TNMT đã đề nghị doanh nghiệp dừng mọi hoạt động thăm dò.

Nguồn gốc thăm dò khoáng sản

Theo báo cáo cụ thể của Sở TNMT tỉnh Kon Tum, liên quan đến khu vực này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014 và thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam.

Tuy nhiên đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 tại khu vực này với diện tích 110,9ha.

anh-1..jpg
Trước đó doanh nghiệp khoan thăm dò khoáng sản gần DTLS điểm cao 1015

Với diện tích 110,9ha này, năm 2019 có một số Doanh nghiệp đề xuất lập đề án thăm dò. Sau khi phối hợp lấy ý kiến của các Sở, ngành, địa phương liên quan, Sở TNMT tỉnh Kon Tum đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, đồng thời đã trả lời doanh nghiệp bằng văn bản. 

Đến năm 2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến của địa phương về khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản và hiện trạng về rừng tại khu vực đề nghị cấp phép thăm dò đá quarzit làm vật liệu xây dựng xã Pô Kô, huyện Đăk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Về sự việc trên, UBND tỉnh Kon Tum đã cung cấp thông tin về hiện trạng tại khu vực để Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ TNMT xem xét giải quyết theo quy định. Trong đó, đề án thăm dò đã cắt bỏ 59,9 ha (trong tổng số 110,9ha - PV) do liên quan đến DTLS văn hoá, còn lại khoanh làm 2 khu, khu I và khu II, với diện tích 51 ha. Đồng thời qua kiểm tra, liên ngành đã loại tiếp 3 ha, khu vực thăm dò của đề án còn lại 48 ha.

Ngày 21 tháng 9 năm 2020, Bộ trưởng Bộ TNMT ban hành Giấy phép thăm dò khoáng sản số 172/GP-BTNMT (Giấy phép số 172/GP-BTNMT) cho phép Công ty cổ phần Khoáng sản Lộc Thiên Phú thăm dò đá quarzit làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát tại xã Pô Kô, huyện Đăk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, với diện tích 48 ha. Mục đích thăm dò là đánh giá làm rõ tiềm năng, nguồn lực khoáng sản trên địa bàn để định hướng cho công tác quản lý tiếp theo.

Kiến nghị không cấp phép khai thác khoáng sản

Theo báo cáo của Công ty thì đơn vị này đã hoàn thành khối lượng thi công ngoại nghiệp (thực địa), các đơn vị tư vấn thăm dò, đơn vị giám sát (được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lựa chọn) đã di chuyển toàn bộ máy móc và con người ra khỏi khu vực. Hiện nay, đơn vị tư vấn thăm dò đang tổng hợp tài liệu lập Báo cáo kết quả thăm dò để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định theo quy định.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế ngày 01/3/2021, Công ty chỉ mới di chuyển thiết bị, máy móc ra xa điểm di tích (nằm khuất dưới chân đồi Sạc Ly). Tại buổi kiểm tra, Công ty giải trình do trong dịp cận Tết Nguyên đán  Tân Sửu nên chưa kịp di chuyển toàn bộ ra khỏi địa bàn như kế hoạch đã đề ra.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành không phát hiện việc khai thác khoáng sản trái phép, Công ty thực hiện công tác thăm dò theo đúng quy định, các hoạt động trên không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ di tích Điểm cao 1015.

Tuy nhiên, Đoàn đã đề nghị Công ty san lấp các hố nước, thu dọn vật tư, thiết bị, dọn vệ sinh... tại các khu vực thi công, nhất là tại khu vực gần đỉnh đồi có Điểm di tích 1015. Dừng mọi hoạt động thăm dò, di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi địa bàn khu vực thăm dò và Công ty đã cam kết chấp hành đề nghị của Đoàn kiểm tra và ý kiến chỉ đạo của các cấp, ngành liên quan.

anh-2..jpg
Doanh nghiệp mở nhiều con đường “băm” núi gây mất mỹ quan.

Về phía UBND tỉnh Kon Tum, sau khi xem xét báo cáo của UBND huyện Sa Thầy và Sở TNMT, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 739/UBND-NNTN về việc thăm dò khoáng sản tại đồi Sạc Ly nêu rõ: “Quan điểm của UBND tỉnh Kon Tum là yêu cầu tổ chức cá nhân có hoạt động thăm dò khoáng sản di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị phục vụ công tác thăm dò ra khỏi khu vực, thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường khu vực. Kiến nghị Bộ TNMT không cấp phép khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng đến Khu di tích lịch sử Điểm cao 1015 (dù cho dự án có hiệu quả về kinh tế)".

Trước đó, Báo Công lý đã có bài viết “Kon Tum: Doanh nghiệp mở đường, khoan thăm dò khoáng sản gần di tích lịch sử” phản ánh về việc doanh nghiệp mở đường, khoan thăm dò khoáng sản gần DTLS điểm cao 1015 thuộc địa phận xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum gây lo ngại, bức xúc trong nhân dân.

anh-3.jpg
Hình ảnh các cựu chiến binh Sư đoàn 320 về thăm DTLS điểm cao 1015

Theo tìm hiểu của PV, điểm cao 1015 (Charlie, đồi Sạc Ly) ở xã Rờ Kơi và điểm cao 1049 ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là DTLS cấp tỉnh và đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ đề nghị Chính phủ, Bộ VHTTDL xem xét, bổ sung vào quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Kon Tum kiến nghị không cấp phép khai thác khoáng sản gần di tích lịch sử