Tin vắn thế giới ngày 28/10: Nga tuyên bố sẽ trả đũa nếu EU tịch thu tài sản nhà nước

Bạch Dương| 28/10/2022 07:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nga tuyên bố sẽ trả đũa nếu EU tịch thu tài sản nhà nước; Venezuela, Nicaragua và Cuba lên án các lệnh cấm vận của Mỹ; Nam Phi bắt giữ cựu lãnh đạo Eskom vì tội tham nhũng… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Nga tuyên bố sẽ trả đũa nếu EU tịch thu tài sản nhà nước

Ngày 27/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố nước này sẽ trả đũa nếu Liên minh châu Âu (EU) tịch thu tài sản của nhà nước và công dân Nga.

Trả lời họp báo, bà Zakharova nhấn mạnh cơ quan tư pháp của EU không bảo vệ tài sản của người Nga và việc tịch thu các tài sản này sẽ hủy hoại danh tiếng của EU. Bà nhấn mạnh Nga sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa phù hợp.

nga-tuyen-bo-se-tra-dua-neu-eu-tich-thu-tai-san-nha-nuoc.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova

Bầu cử Mỹ: Ông Obama tham gia vận động tranh cử tại các bang chiến địa

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ và đảng Dân chủ đang đối mặt nguy cơ để mất quyền kiểm soát lưỡng viện, đảng này đã đề nghị cựu Tổng thống Barack Obama tham gia vận động tranh cử tại các bang chiến địa.

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí 'phá băng' quan hệ

Ngày 27/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết ông đã chỉ thị cho cấp dưới khởi động tiến trình nối lại quan hệ làm việc với Ankara sau khi gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tại Ankara trong chuyến thăm đầu tiên như vậy sau hơn một thập niên qua.

Quốc hội Iraq phê chuẩn chính phủ mới, chấm dứt bế tắc chính trị

Quốc hội Iraq ngày 27/10 đã phê chuẩn quyết định thành lập chính phủ mới, qua đó chấm dứt một năm bế tắc về chính trị tại quốc gia Trung Đông này, song Baghdad vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Thủ tướng Mohammed Shia Al-Sudani (52 tuổi) - từng là đảm nhiệm các chức vụ Bộ trưởng Nhân quyền cũng như Bộ trưởng Lao động và Xã hội - sẽ đứng đầu chính phủ mới. Danh sách 21 bộ trưởng do ông Al-Sudani lựa chọn đã được thông qua trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Iraq về nội các mới. Ông Al-Sudani đã bổ nhiệm người đứng đầu công ty khí đốt nhà nước South Gas Co. (SGC) Hayan Abdul Ghani làm Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq.

Venezuela, Nicaragua và Cuba lên án các lệnh cấm vận của Mỹ

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Venezuela, Nicaragua và Cuba vừa qua đã lên án các biện pháp phong tỏa, trừng phạt "tùy tiện" và "bất hợp pháp" mà Mỹ áp đặt đối với họ.

Đại diện ba nước đã đưa ra chỉ trích trên khi phát biểu tại phiên họp lần thứ 39 của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) ở Buenos Aires, Argentina. Họ cũng tố cáo việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cản trở nỗ lực “cứu sống nhiều người”.

latinh.jpg
Một phiên họp của Ủy ban Kinh tế châu Mỹ Latinh và Caribe. Ảnh: Anadolu

Nam Phi bắt giữ cựu lãnh đạo Eskom vì tội tham nhũng

Cục điều tra của Cơ quan công tố Nam Phi (NPA) vừa công bố việc bắt giữ cựu Giám đốc điều hành công ty điện lực Eskom Matshela Koko, vợ Mosima Koko và con gái riêng Koketso Choma của ông này vì tội danh tham nhũng.

Ông Koko bị bắt giữ với các cáo buộc liên quan đến hợp đồng trị giá hàng tỷ rand mà Eskom ký với công ty kỹ thuật Asea Brown Boveri (ABB) của Thụy Sĩ vào năm 2015 - thời điểm ông Koko là giám đốc điều hành cấp cao của Eskom.

Nga lần đầu tiên khảo sát rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc

Ngày 27/10, Hải quân Thụy Điển cho biết một tàu mang cờ Nga do công ty Nord Stream AG thuê đang tiến chuyến hành khảo sát lần đầu tiên trong khu vực.

Người phát ngôn của Hải quân Thụy Điển cho biết: “Chúng tôi đang chia sẻ không gian chung vào lúc này và liên lạc với nhau. Công ty Nord Stream AG từng thông báo rằng họ muốn điều tra hiện trường vụ nổ".

ECB lần thứ ba tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục để chống lạm phát

Ngày 27/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này.

Thủ tướng hai nước Ấn Độ và Anh điện đàm, mong sớm ký kết hiệp định thương mại tự do

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 27/10 đã điện đàm và nhất trí về tầm quan trọng của việc sớm ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương toàn diện và cân bằng.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Anh đang tiếp tục tổ chức những cuộc đàm phán để hoàn tất FTA trước năm 2023.  

Ngân hàng Thế giới: G7 không đủ quyền lực để quyết định giá dầu của Nga

Theo đài RT (Nga), trong báo cáo triển vọng thị trường dầu ban hành hôm 26/10, WB đã nêu bật những rủi ro liên quan đến đề xuất áp trần giá dầu Nga. Ngân hàng này cho biết rủi ro của việc áp giá trần sẽ bị chi phối bởi các vấn đề nguồn cung, bao gồm mức độ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Nga bởi biện pháp giao dịch mới.

“Đề xuất áp trần giá dầu của G7 có thể ảnh hưởng đến dòng chảy dầu từ Nga. Tuy nhiên, đây là cơ chế chưa từng được thử nghiệm và cần có sự tham gia của các thị trường lớn mới nổi, cùng các nền kinh tế đang phát triển, để đạt được mục tiêu này”, báo cáo cho biết.

2710-dau.jpg
Các tàu chở dầu tại cảng Sheskharis ở Novorossiysk, Nga. Ảnh: AP

Tập đoàn năng lượng Đức phá hủy tuabin điện gió để khai thác mỏ than

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Đức đã gây áp lực buộc nhà cung cấp điện địa phương phải phá bỏ một số tuabin gió để nhường chỗ cho việc mở rộng một mỏ than lộ thiên.

Theo RT, quyết định đầy nghịch lý này đi ngược lại với chính sách xanh của Đức. Với 1 tuabin đã ngừng hoạt động, chính quyền địa phương đã thúc giục Công ty Năng lượng RWE đảo ngược kế hoạch loại bỏ 2 tuabin nữa.

EU thông qua luật cấm bán ô tô sử dụng năng lượng hóa thạch từ năm 2035

Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/10 đã đạt được thỏa thuận về luật cấm bán ô tô chạy xăng và dầu diesel từ năm 2035 nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ chuyển sang sử dụng xe điện và khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận cũng bao gồm mục tiêu cắt giảm 55% lượng phát thải khí CO2 đối với những chiếc xe mới được bán ra kể từ năm 2030, so với các mức được xác định trong năm 2021 và cao hơn rất nhiều mục tiêu hiện nay là 37,5 %.

EU đẩy nhanh tiến độ chuyển sang sử dụng xe điện Sulupress

Thủ tướng Đức tới Hy Lạp thảo luận về xung đột ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu

Ngày 27/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thực hiện chuyến thăm chính thức Hy Lạp. Tại Athens, nhà lãnh đạo Đức đã có cuộc thảo luận cởi mở và nhất trí về nhiều chủ đề với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.

Nhiễm COVID-19 là nguyên nhân chính gây tử vong tại Malaysia năm 2021

Cục Thống kê Malaysia (DOSM) cho biết, nhiễm COVID-19 là nguyên nhân chính gây tử vong tại Malaysia với 31.063 ca trong tổng số 157.251 ca tử vong trong năm 2021.

Theo DOSM, thiếu máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai với 13,7%, tiếp theo là viêm phổi (11,1%), bệnh mạch máu não (6,5%) và tai nạn giao thông (1,9%).

LHQ: Nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 2,8 độ C vào cuối thế kỷ 21

Theo báo cáo do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố ngày 27/10, nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng đến 2,8 độ C so với thời kỷ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ 21, kể cả khi chính phủ và doanh nghiệp đã đưa ra hàng loạt cam kết cắt giảm khí thải. Mức tăng này nằm ngoài mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ là 2 độ C, lý tưởng nhất là 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.

TTK LHQ: Trái Đất đang nóng lên ở mức có thể phá hủy những thành quả kinh tế

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 27/10 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên mọi mặt trận, cảnh báo rằng cánh cửa để thế giới có thể kiểm soát tình trạng nhiệt độ nóng lên trên toàn cầu đang khép dần.

Người đứng đầu LHQ đã đưa ra lời kêu gọi trên trong bài phát biểu trực tuyến tại buổi ra mắt báo cáo về thực trạng kiểm soát khí thải của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP). Báo cáo nêu rõ với cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính hiện tại của các quốc gia, thế giới sẽ nóng lên thêm 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 28/10: Nga tuyên bố sẽ trả đũa nếu EU tịch thu tài sản nhà nước