Sau COVID-19 sẽ là “nạn dịch” rác thải y tế; Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 mới… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Sau COVID-19 sẽ là ‘nạn dịch’ rác thải y tế
Thế giới đang vận lộn với sự lây lan của một vấn nạn y tế khác được tạo ra từ đại dịch COVID-19, nạn tràn ngập rác thải nguy hại. Rác thải y tế tại Vũ Hán đã tăng tới 500% trong thời điểm đại dịch COVID-19 đạt đỉnh. Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, trong thời kỳ đại dịch đạt đỉnh ở Vũ Hán, nơi khởi phát virus SARS-CoV-2, lượng rác thải y tế trung bình một ngày lên đến 240 tấn, gấp 6 lần mức bình thường.
Còn theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thủ đô Manila của Philippines cũng tạo ra lượng rác thải y tế tăng thêm là 280 tấn. Con số này ở thủ đô là 212 tấn/ngày. Có rất ít nước có đủ năng lực để xử lý lượng rác thải bổ sung này, ADB nhận định.
"Nạn dịch” rác thải y tế nối gót đại dịch COVID-19
Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 mới
Nhà chức trách thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 24/6 cho biết đợt bùng phát mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ảnh hưởng tới 256 người ở thủ đô từ đầu tháng 6, hiện đã được kiểm soát tuy nhiên vẫn còn lo ngại về nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Các bác sĩ hàng đầu Anh gửi thư ngỏ cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 thứ hai
Các bác sĩ hàng đầu của Anh đã gửi thư ngỏ tới lãnh đạo các chính đảng ở nước này, trong đó cảnh báo về nguy cơ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trở lại, nhấn mạnh đây là một mối đe dọa thực sự.
Trong thư, các bác sĩ nhấn mạnh rằng hiện có những bằng chứng cho thấy dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tại các địa phương ngày càng tăng và làn sóng dịch bệnh thứ hai là một mối đe dọa thực sự.
Ấn-Trung nhất trí các biện pháp hạ nhiệt tình hình
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết cuộc họp lần thứ 15 của Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc (WMCC) đã diễn ra ngày 24/6 theo hình thức trực tuyến.
Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận chi tiết về các diễn biến ở khu vực biên giới chung, đặc biệt là tình hình ở Đông Ladakh. Hai bên nhất trí cần tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt Đường kiểm soát thực tế (LAC). Hai bên cũng lưu ý đến cuộc đàm phán thứ hai của chỉ huy cấp cao hôm 22/6 và nhất trí sẽ duy trì liên lạc cả ở cấp ngoại giao và quân sự, kể cả trong khuôn khổ WMCC, để giải quyết tình hình hiện tại một cách hòa bình.
Tòa án Kenya tuyên bố hợp đồng đường sắt với Trung Quốc là trái phép
Ngày 19/6 vừa qua, Tòa Phúc thẩm Kenya phán quyết rằng hợp đồng đường sắt giữa Kenya và Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) là trái phép. Tòa Phúc thẩm Kenya cho biết Tập đoàn Đường sắt Kenya đã vi phạm luật quốc gia “trong quá trình quản lý Dự án Khổ đường sắt chuẩn (SGR)”.
Mỹ cân nhắc áp thuế với khối lượng hàng hóa châu Âu trị giá 3,1 tỷ USD
Mỹ đang xem xét áp thuế bổ sung với khối lượng hàng hóa trị giá 3,1 tỷ USD các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu trong bối cảnh hai bên vẫn chưa tháo gỡ được mâu thuẫn xung quanh vấn đề trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus.
IMF: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 4,9% năm 2020
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 do tác động đại dịch COVID-19 gây ra đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với ước đoán hai tháng trước đây.
Theo Báo cáo cập nhật của IMF công bố ngày 24/6, kinh tế toàn cầu ước giảm 4,9% trong năm nay, mức giảm mạnh hơn so với dự báo tăng trưởng âm 3% được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 4. Đây là mức suy giảm tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Lũ lụt nghiêm trọng tại Ukraine làm 3 người thiệt mạng, 5.000 căn nhà bị phá hủy
Ngày 24/6, nhà chức trách Ukraine cho biết 3 người đã thiệt mạng và hàng trăm người phải rời bỏ nhà cửa ở miền Tây nước này sau đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ trở lại đây.
Bộ Nội vụ Ukraine xác nhận các trận lũ lụt do mưa lớn từ đầu tuần này đã ảnh hưởng tới 200 ngôi làng, phá hủy 5.000 căn nhà và đẩy 800 người vào cảnh phải đi sơ tán. Vùng chịu tác động nặng nề nhất là Ivano-Frankivsk nằm trên khu vực biên giới giáp Romania.
Trên 1.000 nghị sĩ châu Âu kêu gọi ngăn chặn kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel
Ngày 24/6, trên 1.000 nghị sĩ thuộc 25 quốc gia châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo can thiệp và ngăn chặn Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây bị chiếm đóng.
Trong thư gửi tới ngoại trưởng các nước châu Âu và được đăng tải trên các tờ báo, 1.080 nghị sĩ đã bày tỏ "đặc biệt lo ngại" kế hoạch của Israel, nếu được hiện thực hóa, sẽ tạo tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế. Bức thư cho rằng châu Âu phải đi đầu trong việc vận động các nước đoàn kết cùng nhau ngăn chặn kế hoạch sáp nhập của Israel.
Israel sẽ chưa sáp nhập thung lũng Jordan
Kênh truyền thông công chúng Israel (Kan) ngày 24/6 dẫn phát biểu của Ngoại trưởng nước này Gabi Ashkenazi nói rằng Israel sẽ chưa sáp nhập thung lũng Jordan và rằng ông chỉ ủng hộ “bước đi có trách nhiệm” được phối hợp với Mỹ và các nước láng giềng.
Thêm một lái xe hầu tòa vụ 39 thi thể người Việt tại Anh
Phóng viên TTXVN tại Anh cho biết đã có thêm một lái xe tải phải ra hầu tòa trong vụ phát hiện 39 thi thể người Việt tại Anh gây rúng động hồi cuối năm ngoái. Bị cáo tên Ronan Hughes, 40 tuổi, người Ireland, bị cáo buộc tội ngộ sát.
Hughes bị dẫn độ từ Ireland và bị luận tội bằng hình thức trực tuyến từ một đồn cảnh sát tới tòa án Southend Magistrates Court, phía Đông thủ đô London (Anh), ngày 24/6. Phán quyết cuối cùng về tội danh của Hughes sẽ được đưa ra tại một tòa án hình sự ở London vào ngày 22/7.