Nhà Trắng kêu gọi khôi phục trật tự và luật pháp trên toàn nước Mỹ; Trung Quốc chỉ trích Mỹ cắt đứt quan hệ với WHO; Các nhà khoa học “săn” ổ dịch COVID-19 để thử nghiệm vaccine… là một số tin tức thế giới đáng chú ý.
Nhà Trắng kêu gọi khôi phục trật tự và luật pháp trên toàn nước Mỹ
Ngày 1/6, Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi khôi phục trật tự và luật pháp trên toàn nước Mỹ, đồng thời chỉ trích những phần tử quá khích tiến hành các vụ biểu tình bạo loạn trong đêm thứ 6 liên tiếp ở nhiều địa phương của Mỹ.
Trả lời hãng tin Fox News, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Kayleigh McEnany khẳng định: "Chúng tôi cần trật tự và luật pháp ở đất nước này". Bà cáo buộc Antifa - một nhóm chống phát xít, đứng đằng sau các vụ bạo lực này. Tổng thống Donald Trump ngày 31/5 đã liệt nhóm này vào danh sách tổ chức khủng bố.
Tổng thống Donald Trump
Vụ George Floyd: Washington D.C, New York duy trì lệnh giới nghiêm để ngăn chặn biểu tình
Ngày 1/6, Thị trưởng Washington D.C. Muriel Bowser đã thông báo về việc tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm kể từ 19 giờ tới sáng 2/6 theo giờ địa phương, sau khi bùng nổ các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn quốc.
Trong khi đó, Thị trưởng New York (Mỹ) Bill de Blasio ngày 1/6 đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố này từ 23h hôm trước đến 5h sáng hôm sau trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đôi khi biến thành bạo lực đang lan rộng khắp cả nước.
Nga và Zimbabwe bác cáo buộc liên quan tới các vụ bạo loạn ở Mỹ
Ngày 1/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các cuộc biểu tình bạo loạn đang diễn ra ở Mỹ là vấn đề nội bộ của Washington, đồng thời khẳng định Moskva không can dự vào những sự kiện này.
Cùng ngày, chính phủ Zimbabwe thông báo đã triệu Đại sứ Mỹ Brian Nichols liên quan đến phát biểu của một quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc quốc gia châu Phi này kích động cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc liên quan cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd.
Cảnh sát bang New South Wales kêu gọi cộng đồng chung tay chống phân biệt chủng tộc
Trước xu hướng phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng đáng báo động, cảnh sát bang New South Wales (NSW) của Australia vừa đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền hợp pháp của họ, đồng thời kêu gọi người dân trình báo nếu phát hiện các hành vi phân biệt chủng tộc.
Chiến dịch mang tên "Stop Public Threats" (Ngăn chặn những lời đe dọa nhằm vào cộng đồng) truyền tải thông điệp rằng, theo luật pháp bang NSW, bất kỳ ai có hành vi bạo lực nhằm vào người khác vì lý do chủng tộc hoặc tôn giáo đều có thể bị điều tra hình sự và đối mặt với mức án lên đến 3 năm tù giam. Các hành vi bạo lực này có thể bao gồm tấn công trực tiếp, ở nhà riêng, nơi công cộng hoặc thậm chí trên mạng xã hội.
Trung Quốc chỉ trích Mỹ cắt đứt quan hệ với WHO
Trong cuộc họp báo ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ cộng đồng quốc tế nhìn chung đều bất bình đối với những hành động ích kỷ, lảng tránh trách nhiệm và làm xói mòn sự hợp tác quốc tế của Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông Triệu Lập Kiên khẳng định WHO không thể phục vụ một nước duy nhất và không thể đáp ứng nguyện vọng của quốc gia có đóng góp tài chính lớn nhất cho cơ quan này.
Các nhà khoa học “săn” ổ dịch COVID-19 để thử nghiệm vaccine
Làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất đã đến giai đoạn thuyên giảm nhưng đối với các nhà sản xuất vắc-xin, đây có thể là tình huống khó. Do vậy, họ đang ra sức tìm kiếm các ổ dịch để thử nghiệm vaccine phòng COVID-19.
Reuters cho biết các nhà khoa học tại châu Âu và Mỹ giải thích rằng chính sách phong tỏa và giãn cách xã hội đạt hiệu quả tại nhiều quốc gia đồng nghĩa với việc tỷ lệ lây lan virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) giảm, do vậy không đủ để thử nghiệm vaccine. Hiện tại, các nhà khoa học đang hướng tới những điểm nóng mới của dịch COVID-19 ở châu Phi và Mỹ Latinh.
Các nhà khoa học Mỹ và châu Âu đang tìm những điểm nóng dịch COVID-19 mới để thử nghiệm vaccine. Ảnh: Getty Images
Australia nỗ lực tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả nhất
Các nhà khoa học tại Đại học Monash, thành phố Melbourne của Australia, đang đi đầu trong việc thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của hơn 200 đơn vị chăm sóc y tế tích cực (ICU) trên khắp thế giới nhằm tìm ra phương pháp điều trị nhanh nhất và hiệu quả nhất đối với bệnh nhân mắc bệnh COVID-19.
Thử nghiệm trên có tên gọi REMAP-CAP, sử dụng thông tin thu thập từ các bệnh nhân COVID-19 tại các khu điều trị tích cực được chọn ngẫu nhiên và đang được điều trị bằng một loạt liệu pháp, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, huyết tương điều trị, liệu pháp steroid và liệu pháp miễn dịch để xác định sự kết hợp an toàn và hiệu quả nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Nauy mở cửa trở lại nhà hàng, quán rượu
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/6 đã mở cửa trở lại các nhà hàng, tiệm cà phê và khu chợ Grand Bazaar mang tính biểu tượng có từ thế kỷ 15.
Trong khi đó, Phần Lan và Nauy theo dự kiến cũng mở cửa các quán rượu trong ngày 1/6 sau đợt đóng cửa kéo dài phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, chủ các cơ sở kinh doanh này phải đảm bảo tuân thủ các quy định giãn cách và thời gian mở cửa được rút ngắn lại.
Thủ đô Manila của Philippines mở cửa trở lại
Ngày 1/6, hàng triệu người dân thủ đô Manila đã đi làm trở lại trong bối cảnh nhà chức trách Philippines quyết định nới lỏng một trong những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để phục hồi kinh tế.
Sau gần 3 tháng áp dụng phong tỏa, các phương tiện giao thông công cộng tại Philippines được phép hoạt động trở lại nhưng với quy mô hạn chế, khiến nhiều khách phải xếp hàng đợi trong nhiều giờ. Philippines đã cho phép phần lớn các doanh nghiệp mở lại hoạt động và người dân có thể rời nhà mà không cần giấy phép. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, nhà hàng vẫn phải đóng cửa. Hiện cả trẻ em và người lớn tuổi ở Philippines vẫn phải ở nhà trừ khi cần ra ngoài mua nhu yếu phẩm.
Pháo hoa thắp sáng bầu trời Nhật Bản để cổ vũ tinh thần chống dịch COVID-19
Tối 1/6, pháo hoa ở thủ đô Tokyo và nhiều khu vực trên khắp Nhật Bản đã đồng loạt được bắn lên rực rỡ thắp sáng bầu trời đêm. Đây là sự kiện trong khuôn khổ một dự án do các công ty sản xuất pháo hoa trên khắp Nhật Bản khởi xướng. Ngoài việc trình diễn pháo hóa không có khán giả, mỗi màn bắn pháo hoa sẽ chỉ diễn ra trong 5 phút, thay vì ít nhất 60 phút như trong hầu hết các lễ hội pháo hoa ở Nhật Bản trước đây.
Vụ rơi máy bay chở khách ở Pakistan: Hộp đen được đưa tới Pháp
Ngày 1/6, giới chức hàng không Pakistan cho biết các nhà điều tra đang trên đường từ Pakistan tới Pháp với hai hộp đen của máy bay Airbus A320 gặp nạn ở thành phố cảng Karachi của nước này vào tháng trước.
Chuyến bay đặc biệt của Airbus mang theo thiết bị nói trên dự kiến sẽ hạ cánh xuống Le Bourget, gần thủ đô Paris vào chiều 1/6. Tại đây, Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không của Pháp (BEA) sẽ tiếp nhận và mở hộp đen. BEA tham gia vào cuộc điều tra vụ tai nạn là do máy bay A320 được hãng chế tạo máy bay Airbus của Pháp thiết kế và cơ quan này có thiết bị tối tân để giải mã hộp đen.