Hội chẩn trực tuyến cứu quân nhân bị hôn mê ở Trường Sa; xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết; cháu bé bị tử vong vì ăn trứng cóc… là những tin tức sức khỏe nổi bật ngày 6/8.
Hội chẩn trực tuyến cứu quân nhân bị hôn mê ở Trường Sa
Chiều 6/8, Bệnh viện Quân y 175 TP. HCM đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với các y bác sĩ trên tàu HQ561 về trường hợp quân nhân Trần Công Kỳ Hiếu (21 tuổi, Lữ đoàn 83 Công Binh, quê Đà Nẵng) bị hôn mê, bất tỉnh khi đang làm nhiệm vụ canh gác trên đảo Sinh Tồn Đông (thuộc quần đảo Trường Sa).
Chủ trì cuộc hội chẩn là Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BV 175; Đại tá TS Trần Quốc Việt, Phó giám đốc BV 175 cùng các chuyên gia tim mạch, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, chấn thương…
Hội chẩn trực tuyến cho quân nhân Trần Công Kỳ Hiếu tại TP.HCM. Ảnh: Dân Việt
Sau khi chỉ đạo các kỹ thuật khám, hội chẩn qua mạng, nhận định của các BS chuyên khoa tim mạch, thần kinh, chấn thương chỉnh hình... Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BV Quân y 175 kết luận loại trừ bệnh nhân bị các bệnh truyền nhiễm, tim mạch, tác động môi trường, độc chất... Các chức năng sống ổn.
Như vậy bệnh nhân hôn mê đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, hướng xử trí sau cuộc họp được đưa ra là tiếp tục nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường tĩnh mạch, điều trị các triệu chứng, theo dõi sát tình trạng tim mạch, hô hấp. Đồng thời, phía BV Quân y 175 TP.HCM cũng đề nghị Quân chủng Hải quân nhanh chóng đưa bệnh nhân vào đất liền để có những biện pháp chẩn đoán, điều trị cao hơn.
Xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết
Tại buổi giao ban giữa Sở Y tế với các quận huyện, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đỉnh dịch sốt xuất huyết trong năm đã bắt đầu.
Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết bắt đầu tăng cao từ giữa tháng 7. So với năm 2014 mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn 9 tuần. Bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng lan rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch.
Trong tháng 7/2015, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong TP.HCM là 948 ca, tăng 63% so với tháng 6 (583 ca). Trong bảy tháng đầu năm 2015, TP.HCM có 6.033 ca sốt xuất huyết, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2014.
Đắk Lắk: Bé 2 tuổi tử vong vì ngộ độc khi ăn trứng cóc
Ngày 6/8, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết trong số 3 cháu bé (trú tại buôn Cư Knia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) được đưa vào bệnh viện cấp cứu chiều 5/8 do bị ngộ độc thịt và trứng cóc, một cháu bé tên là H’Tuyết Niê (2 tuổi) đã tử vong.
Hiện, bệnh viện đang tích cực điều trị cho hai cháu còn lại. Đến ngày 6/8, hai cháu đã hết nôn, ăn uống được, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi và điều trị cho các cháu.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt khuyến cáo người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc. Tuy thịt cóc chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng độc tố của cóc có rất nhiều ở nội tạng, trứng, da, nếu chế biến không cẩn thận rất dễ bị nhiễm độc.
Gắp giun dài 12cm ra khỏi mắt bệnh nhân
Đây là một trong những ca phẫu thuật hiếm gặp tại Ấn Độ. Các bác sĩ đã gắp một con giun có chiều dài 12cm ra từ mí mắt bệnh nhân.
Theo đó, bệnh nhân là một phụ nữ 55 tuổi, tên Vineeta M, đã đến bệnh viện Aster sau khi có dấu hiệu sưng mí mắt kèm theo cảm giác đau đớn. Sau một loại xét nghiệm, bác sĩ Vikram Mohindra (BV Aster, Ấn Độ) chẩn đoán bà bị nhiễm ký sinh trùng, nguyên nhân có thể do bị muỗi cắn trước đó.
Gắp con giun dài 12cm ra khỏi mắt bệnh nhân
Đứng đầu kíp phẫu thuật là bác sĩ Mohindra. Ông đã tiến hành gắp con giun có chiều dài 12cm ra khỏi mí mắt bệnh nhân.
Hiện tại, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, đây được đánh giá là một trong những ca bệnh lạ tại bệnh viện Aster trong năm nay.
Bất lợi khi làm cha sớm
Theo một khảo sát mới đây từ các nhà khoa học Phần Lan, những người làm cha khi chưa qua 25 tuổi có tỉ lệ tử vong ở độ tuổi trung niên cao hơn so với người làm cha trên 25 tuổi.
Đây là kết quả phân tích dữ liệu từ những người được sinh ra trong khoảng thời gian 1940 - 1950. Nguy cơ tử vong cao hơn từ 63 - 73% tùy theo độ tuổi, càng trẻ nguy cơ càng cao. Khoảng 5% "cha trẻ” đã tử vong ở độ tuổi trung niên với nguyên nhân hầu hết do bệnh tim mạch và những bệnh lý liên quan đến rượu.
Theo khảo sát này, việc đảm nhận vai trò người cha quá sớm trong khi chưa chuẩn bị về mặt tâm lý, kinh tế đã dẫn đến tình trạng căng thẳng kéo dài, những hành vi tiêu cực như uống rượu và hút thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe.