Kinh tế

Tín dụng chính sách xã hội: Thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội

PV 17/10/2023 - 21:12

Mới đây, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”.

Tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội là hoạt động có nhiều ý nghĩa góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Đặc biệt, hội thảo còn nhằm phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH).

nguyen-xuan-thang(1).jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng

Nhìn lại hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hơn 20 năm qua, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH, cho thấy đã cho thấy sự đổi mới tư duy, nhận thức mạnh mẽ, thể hiện định hướng lãnh đạo của Đảng về thúc đẩy TDCSXH phát triển phù hợp với thực tiễn thay đổi trong từng giai đoạn của tiến trình đổi mới.

Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, hàng năm, NHCSXH đã chủ động, linh hoạt huy động có hiệu quả hàng chục ngàn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường... bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để cung cấp tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”. Tính đến ngày 31/9/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 310 nghìn tỷ đồng, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%.

Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Đồng thời, góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

duong-quyet-thang(1).jpg
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò tập hợp lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tốc thiểu số (DTTS) và các đối tượng chính sách khác; Tập trung huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình TDCSXH, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức, triển khai thực hiện TDCSXH.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phân tích, đánh giá TDCSXH là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Trong tổng dư nợ TDCSXH, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào DTTS (DTTS) và miền núi gần 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào DTTS trên 75 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

“Qua đánh giá tại các địa phương thực hiện CTMTQG DTTS, vốn TDCSXH đã từng bước thay đổi tư duy nhận thức của người dân thông qua thiết kế chính sách dần từng bước chuyển từ cho không sang cho vay, người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào các DTTS như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất; ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào DTT, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực.

Từ góc độ tham mưu, giúp việc cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cũng chỉ ra một yếu tố quan trọng giúp tín dụng chính sách phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong 10 năm qua đó là việc triển khai Chỉ thị 40-CT/TW song hành với công tác giám sát thường xuyên. Chính từ sự giám sát này và kết quả sơ kết 05 năm triển khai cho thấy một số hạn chế, khó khăn trong triển khai Ban Kinh tế Trung ương đã kiến nghị Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong đó chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần xác định công tác TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Kết quả là Trung ương, địa phương đã quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực ngày càng tăng để thực hiện TDCSXH. Đến 31/9/2023, tổng nguồn vốn TDCSXH đạt 333 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%; trong đó ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đến nay đạt trên 35.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn TDCSXH đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho gần 3,3 triệu lao động, trong đó gần 42.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 514.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 11,6 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng gần 139.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, trên 38.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...

Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiệu quả TDCSXH khác với ngân hàng thương mại không phải vì lợi nhuận mà là lợi ích xã hội với việc thực hiện giảm nghèo; thu hẹp khoảng cách nông thôn thành thị, đảm bảo tối thiểu quyền con nguời. Cao hơn là hiệu quả chính trị, khẳng định đuờng lối đúng đắn của Đảng và nhà nuớc, niềm tin nguời nghèo yếu thế khó khăn vào đường lối chính sách của Đảng và cả niềm tin nguời không nghèo về chế độ tươi đẹp của chúng ta.

Trong hơn 20 năm qua, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho 6,2 triệu lao động; hỗ trợ 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng chính sách xã hội: Thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội