Tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang: Bài học vượt khó trong đại dịch Covid-19

Hoàng Kim Truyền| 27/06/2021 20:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh Bắc Giang không những đã vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 mà còn tiêu thụ hết nông sản của người dân.

Tiêu thụ nông sản truyền thống có lỗi thời?

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vào đầu tháng 5 có diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn tỉnh, đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và sản xuất của ngành nông nghiệp nói riêng, trong đó khâu thu mua, lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Bộ NN&PTNN, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, địa phương, bà con nông dân, doanh nghiệp triển khai thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 15/1/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1 của Chính phủ để xây dựng các phương án, kịch bản chỉ đạo sản xuất thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.

giang2.jpg
Ông Dương Thanh Tùng (GĐ sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang)

“Nhờ sự chủ động, sớm có kế hoạch và với sự chung tay của các cấp chính quyền nhiều địa phương, sự hỗ trợ tiêu thụ của người dân thì đến hiện tại tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về cơ bản đã bán hết”, ông Dương Thanh Tùng (Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang) cho biết.

Về công việc được triển khai cụ thể trong ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, ông Dương Thanh Tùng (GĐ sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang) nhấn mạnh: “Tỉnh quyết định thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất; Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản; các kế hoạch sản xuất, gắn với xuất khẩu vải thiều năm 2021; phương án sản xuất trong tình hình dịch Covid-19… Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con nông dân các giải pháp phòng, chống dịch; tập trung hỗ trợ cho người nông dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn”.

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều hoạt động đời sống phải tạm dừng (lễ hội, cưới hỏi, du lịch…) và khó khăn trong việc buôn bán, lưu thông hàng hóa. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ nông sản giảm mạnh và việc tiêu thụ nông sản truyền thống không có tín hiệu khả quan buộc phải tìm một hướng đi mới để kết nối cung - cầu. Thị trường thương mại điện tử được đẩy mạnh mang lại thành công ngoài sức mong đợi của người dân và chính quyền tỉnh Bắc Giang. Cũng theo ông Tùng là do trước kia quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, giờ mở rộng thị trường nội địa (như trước kia vải thiều tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu, năm nay trên 60% là tiêu thụ nội địa).

Thị trường nội địa được quan tâm mở rộng, bên cạnh việc phát triển thị trường thương mại điện tử là hướng đi mới đầy tín hiệu lạc quan nhưng việc tập trung nâng cao chất lượng nông sản phải được đặt lên hàng đầu.

Nông dân Bắc Giang phấn khởi vì nông sản đã bán hết

Theo báo cáo kết quả sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh Bắc Giang về trồng trọt (tháng 6/2021) ước tính vụ Đông xuân của Cục thống kê tỉnh, tổng diện tích gieo trồng cây đạt 91.254 ha, bằng 98,2% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, cây lúa với tổng diện tích gieo cấy ước đạt 48.4888 ha, diện tích ngô ước đạt 7.782 ha, cây rau và cây công nghiệp ngắn ngày diện tích ước đạt 27.067 ha, cây ăn quả với tổng diện tích ước đạt hơn 51.105 ha.

Các loại cây trồng được phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn nên khi dịch Covid-19 bùng phát, đúng vào dịp nhiều loại nông sản của tỉnh cần thu hoạch như: Vải, dưa hấu, dưa các loại, dứa, lúa đến vụ gặt…làm người nông dân thật sự lo lắng về tình hình tiêu thụ, lo lắng về một vụ mùa thất thiệt.

giang3.jpg
giang4.jpg

Nông sản Bắc Giang được mang đi tiêu thụ

“Nhờ có sự chung tay của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của tất cả người dân và các đoàn thể cùng chung sức, đồng lòng để tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt là các địa phương khác, tạo điều kiện để lưu thông, tạo điều kiện để kết nối cung cầu. Đẩy mạnh thương mại điện tử trên sàn thương mại, trên mạng xã hội nên nông sản nói chung bán tốt, tuy giá có hơi giảm so với cùng kì. Nhưng người nông dân rất phấn khởi vì trước đó họ nghĩ không tiêu thụ được do dịch Covid, giờ thì đã bán hết và bán vẫn có lãi dù ít.”- ông Tùng hào hứng cho biết.

Việc kết nối cung cầu, thông tin giữa người bán và người mua rất quan trọng nhưng tình hình tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Giang vẫn nằm trong tình hình kiểm soát được, không phải là đang bán đổ, bán tháo… nên không thể gọi là “ giải cứu”. Vì vậy UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để đề nghị các cơ quan truyền thông không dùng từ “giải cứu” nông sản Bắc Giang mà chỉ nên dùng từ “ hỗ trợ”.

Tin vui nữa là nông sản Bắc Giang đã chứng minh được mình là thương hiệu “nông sản sạch” dù bị dịch và đang được các thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Nhật Bản… tin dùng, chính vì thế nông dân cần phải nâng cao hơn nữa về chất lượng nông sản. Trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình nông sản nói chung sẽ tiêu thụ chậm hơn nhưng nếu có sự điều chỉnh quy mô sản xuất cho phù hợp thì người nông dân hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn trong thời dịch Covid.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang: Bài học vượt khó trong đại dịch Covid-19