Sáng nay (29/5), phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Công Lương trong sự cố chạy thận xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 11, HĐXX trở lại phần xét hỏi.
Theo đó, phần xét hỏi được quay trở lại sau khi luật sư Ngô Thị Thu Hằng nộp cho HĐXX vi bằng do ông Hoàng Công Tình, Phụ trách khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cung cấp.
Đó là nội dung ghi âm cuộc gọi điện giữa ông Hoàng Công Tình và ông Đinh Tiến Công, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực. Trong đó, ông Công thừa nhận với ông Tình về việc ghi thêm vào sổ giao ban năm 2015 với nội dung phân công bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo.
Trả lời HĐXX về nguồn gốc vi bằng nói trên, ông Hoàng Công Tình cho biết, trên đường từ trại giam đón bác sỹ Lương về sau 13 ngày tạm giam, Hoàng Công Lương hỏi ông Tình về nguồn gốc cuốn sổ mà điều tra viên cho Lương xem qua ảnh chụp trên điện thoại.
Sau đó, ông Tình đã gọi điện hỏi ông Đinh Tiến Công và được ông Công thừa nhận đã được bổ sung sau sự cố.
Ông Hoàng Công Tình tại phiên tòa xét xử
“Lúc đó tinh thần bác sỹ Lương hoảng loạn nên tôi có ghi âm lại cuộc gọi và cho Lương nghe lại”, ông Hoàng Công Tình nói. “Sau này, Cáo trạng nêu bác sỹ Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo nên tôi nghĩ cuộc ghi âm đó có thể chứng minh việc bác sỹ Lương không được giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo và là chứng cứ để HĐXX xem xét, chính vì thế tôi đã lập vi bằng đó qua văn phòng Thừa phát lại”.
Ông Hoàng Công Tình cho biết thêm, trước đó không biết việc ghi bổ sung này. Chỉ đến ngày 12/7/2017, khi sang làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra mới được cho xem quyển sổ giao ban đó.
Theo nội dung ông Đinh Tiến Công khai tại tòa trước đó, việc ông Công trực tiếp ghi bổ sung là có sự bàn bạc của lãnh đạo Khoa gồm ông Hoàng Đình Khiếu (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) và ông Tình (thời điểm đó là Phó khoa).
Tuy nhiên, ông Tình khẳng định không được bàn bạc với Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu về việc ghi thêm nội dung vào sổ giao ban. Cuộc họp giao ban năm 2016 ông cũng ký với tư cách chủ tọa, nhưng không có phần phân công nhiệm vụ. Ông này nói: “Tôi nghĩ anh Công ghi như vậy không đúng với sự thật khách quan. Cuộc họp giao ban cuối năm 2016 là buổi bình xét hàng năm, tôi là chủ tọa nên tôi ký cũng là điều bình thường”.
Trong phiên tòa sáng hôm nay, ông Đinh Tiến Công tiếp tục khẳng định việc ghi thêm này có sự thống nhất của lãnh đạo Khoa. Sau khi hoàn thiện thì lãnh đạo Khoa mới ký.
Nói về nội dung cuộc ghi âm nói trên, ông Công cho biết không nhớ về cuộc gọi đó vì thời gian diễn ra đã gần 1 năm. Nhưng ông Công khẳng định chắc chắn không nhận được quyết định nào phân công nhiệm vụ bác sỹ Lương.
Tiếp đến, HĐXX hỏi bà Tới, Phó phòng Tổ chức cán bộ, bà Tới là người được nhắc đến trong nội dung cuộc gọi nói trên.
Ông Đinh Tiến Công tại phiên tòa xét xử
Bà Tới khẳng định từ năm 2015 khi bác sỹ Tiến chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, đến thời điểm này không có quyết định nào giao bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Phòng Tổ chức cán bộ không ban hành Quyết định nào về việc này. Bà Tới nói: “Phòng Tổ chức chỉ có Quyết định phân công nhiệm vụ với bác sỹ Tiến nhưng bác sỹ Tiến đã chuyển lên khoa Hồi sức tích cực từ năm 2015”.
Bà Tới cũng khẳng định không có việc lập quyết định sau khi sự cố y khoa xảy ra. Mọi việc liên quan đến nhân sự do bà Tới là người trực tiếp tham mưu trình lãnh đạo ký.
“Tất cả đều phải qua kiểm soát của tôi...Thực tế tôi chưa từng nghe nói đến việc phân công nhiệm vụ bác sỹ Lương, chúng tôi chỉ hàm ý rằng bác sỹ Lương có trình độ cao nhất nên phụ trách đơn nguyên thôi”, bà Tới nói.
Cũng tại phiên tòa xét xử sáng nay, khi trả lời HĐXX, ông Hoàng Đình Khiếu cho biết sau khi sự cố xảy ra ông có nói trong cuộc họp giao ban là phải hoàn thiện thủ tục hành chính về sổ sách cũng như các vấn đề khác. Ông này nói: “Việc anh Công ghi lúc nào tôi hoàn toàn không biết. Tôi cũng không chỉ đạo ghi nội dung cụ thể gì. Có một số cái anh Công đã nắm được rồi nên thiếu cái gì anh ấy sẽ ghi. Cuộc họp giao ban năm 2015 tôi đã ký trong năm 2015, nhưng ký ngay tại cuộc họp hay không thì tôi không nhớ”.
Cũng tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Hoàng Trung, luật sư đại diện cho 9 gia đình nạn nhân đã viện dẫn những quy định của pháp luật để đề nghị HĐXX buộc BVĐK tỉnh Hòa Bình là đơn vị duy nhất phải có trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Luật sư này cho rằng, 3 tháng sau khi sự cố xảy ra, bệnh viện đã ý thức được trách nhiệm của mình và đã đàm phán với các gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, do sự thiếu thiện chí của bệnh viện nên thỏa thuận chưa được thực hiện.
Tòa đã xác định BVĐK tỉnh Hòa Bình là bị đơn dân sự trong vụ án. Có 2 quy định cụ thể của pháp luật để chỉ rõ trách nhiệm bồi thường thuộc về bệnh viện gồm:
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị đơn dân sự là các cá nhân, cơ quan, tổ chức pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong vụ án này BVĐK tỉnh Hòa Bình là bị đơn dân sự duy nhất nên phải có trách nhiệm bồi thường; Điều 76 Luật Khám chữa bệnh quy định trường hợp cơ sở khám chữa bệnh chưa mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thì phải tự bồi thường cho nạn nhân.
Trước đó, luật sư Nguyễn Danh Huế, Luật sư của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đề nghị HĐXX tuyên công ty Thiên Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thay cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong trường hợp HĐXX tuyên bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hoàng Trung lại có quan điểm ngược lại:
“Sự việc xảy ra, các bệnh nhân không biết được quy trình nội bộ như thế nào. Họ giao toàn bộ tính mạng cho bệnh viện. Họ không thể biết rằng thiết bị y tế là do bên nào cung cấp. Tất cả những việc ấy là trách nhiệm của bệnh viện. Pháp luật đã quy định rõ ràng, do vậy không thể phủ nhận trách nhiệm bồi thường của bệnh viện”.
Đối với quan điểm của Viện Kiểm sát đề nghị bệnh viện liên đới cùng công ty Thiên Sơn phải bồi thường, luật sư Trung không đồng tình và cho rằng việc này chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Luật sư Trung nói: “Quan hệ giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và công ty Thiên Sơn là quan hệ riêng, không liên quan đến các bệnh nhân. Các bệnh nhân vào bệnh viện chỉ có giao dịch với bệnh viện và họ không cần biết Thiên Sơn là đơn vị nào”.
Đối với số tiền bồi thường, trong phần luận tội Viện Kiểm sát đã chấp nhận các chi phí thực tế tại địa phương, việc đòi hỏi hóa đơn chứng từ là không thể thực hiện được. Do đó, luật sư Trung cho rằng việc bệnh viện yêu cầu phải có hóa đơn là thiếu thiện chí.
Bên cạnh đó, luật sư Trung cũng kê khai các mức yêu cầu bồi thường của gia đình 9 nạn nhân với 3 khoản gồm: Chi phí mai táng ban đầu; Chi phí mai táng vĩnh viễn 148,750 triệu đồng/nạn nhân (9 nạn nhân mua đất xây mộ tập thể tại một nghĩa trang lớn của tỉnh Hòa Bình); và mức bồi thường tổn thất tinh thần, mỗi gia đình nạn nhân yêu cầu mức bồi thường tối đa theo quy định của pháp luât là 130 tháng lương cơ bản, tương đương 130 triệu đồng.