Những bất ngờ trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương

Mạnh Hùng| 18/05/2018 19:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 18/5, phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương trong sự cố chạy thận khiến nhiều người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

Theo đó, trong phiên tòa chiều nay, ông Hoàng Công Tình, bác sỹ phụ trách chung khoa Hồi sức tích cực và đơn nguyên Hồi sức cấp cứu của BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết, hệ thống lọc nước RO số 1 được lắp đặt vào năm 2009 để phục vụ lọc nước RO cho 5 máy chạy thận tại đơn nguyên Thận nhân tạo.

Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Danh Huế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK Hòa Bình, ông Hoàng Công Tình cho biết các máy chạy thận này thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn, theo sự hợp tác giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình (việc hợp tác theo mô hình xã hội hóa, Công ty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu từ việc chạy thận với đơn giá 7,7 USD/1 bệnh nhân/1 lần chạy thận).

Đến năm 2012, do lưu lượng nước của hệ thống RO số 1 không đủ đảm bảo cho hoạt động của 5 máy chạy thận, Phòng Vật tư - Thiết bị đã đề xuất trang bị thêm hệ thống lọc RO số 2 (hệ thống được sửa chữa và là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa ngày 29/5/2017). Sau khi lắp đặt hệ thống RO số 2, hệ thống RO số 1 được chuyển sang chuyên rửa màng lọc.

 Những bất ngờ trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương

Hội đồng xét xử

Tại thời thời điểm xảy ra sự cố, bệnh viện có 18 máy chạy thận nên nếu hệ thống RO số 2 mà ngừng hoạt động thì hệ thống RO số 1 không thể đảm bảo chạy được cho hệ thống 18 máy. Ông Tình nói: “Nguyên tắc chạy là phải chạy liên tục, nếu dừng lại chỉ 2 ngày là sẽ đọng lại các độc tố gây nguy hiểm cho bệnh nhân nên không có chuyện phải dừng hệ thống 14 ngày như đại diện của Công ty Thiên Sơn nói”.

Ông Tình khẳng định việc ông đưa ra nhận định hệ thống lọc RO số 1 không đủ lưu lượng nước là căn cứ vào quá trình bệnh viện chạy thận cho các bệnh nhân. Ông Tình cho biết: “Chúng tôi dựa vào lưu lượng nước để chạy thận cho bệnh nhân, vì lưu lượng nước không đảm bảo nên chúng tôi mới đề xuất bổ sung, sửa chữa. Còn những thông số kỹ thuật tôi không quan tâm, chúng tôi chỉ được hướng dẫn phải theo dõi lưu lượng nước và chỉ số hiển thị trên đồng hồ”.

Luật sư Huế đặt thêm câu hỏi đối với ông Tình về việc đại diện của Công ty Thiên Sơn nói tại tòa về việc bắt buộc phải có xét nghiệm AAMI sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO. Ông Tình cho biết, sau khi sự cố xảy ra, ông đã nghiên cứu và tham khảo các chuyên gia, được biết "xét nghiệm AAMI là xét nghiệm định kỳ được thực hiện 6 tháng đến 1 năm, đây là xét nghiệm độc lập với việc sửa chữa trang thiết bị".

Bên cạnh đó, ông Tình khẳng định, trong quá trình triển khai hoạt động sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, phía Công ty Thiên Sơn không cử bất cứ nhân viên nào đến giám sát việc sửa chữa.

Lời khai này được chính bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh - người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO số 2) xác nhận với luật sư Nguyễn Danh Huế. “Hôm qua, đại diện của Công ty Thiên Sơn nói có cử nhân viên đến giám sát việc sửa chữa là không đúng. Công ty Thiên Sơn chỉ để duy nhất một nhân viên là cô Tiên đến để đếm số lần chạy thận, cũng có thể hiểu là họ kiểm đếm để chống thất thoát lãng phí”, ông Hoàng Công Tình nói.

 Những bất ngờ trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Việc kiểm đếm này, theo luật sư Lê Văn Thiệp, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, chỉ là đến để “đếm tiền” chứ không phải có mặt để giám sát các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng.

Cũng trong buổi chiều nay, trả lời luật sư, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra, ông Đỗ Anh Tuấn (Công ty Thiên Sơn) đã yêu cầu bị cáo chạy lại hệ thống tuần hoàn. Mục đích chạy lại để làm gì thì bị cáo không nhớ.

Thông tin này khiến các luật sư đặt nghi vấn Thiên Sơn đã cố tình làm sai lệch hiện trường, có thể là để xả hết hóa chất tồn dư.

Bị cáo Quốc trả lời: “Theo bị cáo nghĩ thì không cần thiết phải chạy lại. Việc chạy lại không ảnh hưởng đến sự tồn dư hóa chất trong hệ thống RO vì hệ thống RO tách biệt hoàn toàn với hệ thống nước tuần hoàn. Bị cáo chỉ tiệt trùng lại hệ thống đường ống nước tuần hoàn. Sau khi chạy lại trong thời gian từ 1-2 tiếng thì có lệnh dừng tất cả mọi hoạt động. Bị cáo không nhớ lý do phải dừng lại nhưng anh Sơn bên vật tư (bị cáo Trần Văn Sơn) bảo dừng lại không chạy nữa”.

Bùi Mạnh Quốc cũng khai thêm trong lúc chạy lại hệ thống tuần hoàn, bị cáo đã quên không mở hai đầu van xả ở phòng số 2 và 3. Hai van này đặt trong Phòng Hành chính và từ trước đến khi xảy ra sự cố, bị cáo không biết 2 van đó nằm ở đâu.

Trước đó, trong phiên tòa sáng nay, luật sư Nguyễn Ngọc Trung (đại diện cho gia đình các nạn nhân tại sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã công bố con số thiệt hại chính thức.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Trung, số nạn nhân tử vong sau chạy thận là 9 người chứ không phải là 8 nạn nhân như đã công bố. Luật sư Trung cho biết đã xin ý kiến HĐXX cho ông được đại diện cho gia đình 9 nạn nhân và HĐXX đã đồng ý.

Trước đó, cũng trong buổi sáng 18/5, bác sỹ Hoàng Công Lương đã phản bác lại lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình (thời điểm xảy ra sự cố y khoa, ông Khiếu kiêm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Hồi sức tích cực) về việc ai là người nhận bàn giao vật tư thì sẽ phải báo cáo với Trưởng khoa (tức ông Khiếu).

 Những bất ngờ trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Hoàng Công Lương cho rằng bị cáo không phải là người nhận trang thiết bị vào ngày 28 và 29/5, ngày sửa chữa hệ thống lọc RO số 2 và ngày xảy ra sự cố y khoa nên không có trách nhiệm phải báo cáo lại với ông Khiếu.

Tại thời điểm đầu giờ sáng 29/5, hai điều dưỡng Đỗ Thị Điệp và Nguyễn Thu Hằng báo các chỉ số trong hệ thống lọc RO đều an toàn, đủ điều kiện để tiến hành chạy thận cho bệnh nhân. Bị cáo Lương nói: “Khi tất cả các chỉ số bình thường, không có bất thường nào xảy ra và cũng không có gì vượt quá khả năng của bị cáo thì bị cáo không cần phải báo cáo với Trưởng khoa. Bị cáo không đồng ý với kết luận của VKS là bị cáo đã không báo cáo Trưởng khoa trước khi ra y lệnh”.

Trước đó, phong phiên tòa xét xử ngày (17/5), trả lời câu hỏi từ phía các luật sư, ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cho biết bệnh viện bắt đầu thực hiện việc xã hội hóa (liên kết kinh doanh) trong chạy thận vào năm 2010.

Vị Phó Giám đốc này cũng nói chỉ nắm được chủ trương chứ không nắm được tỷ lệ phần trăm ăn chia. Khi đó, luật sư công bố nội dung ghi trong hồ sơ giữa Bệnh viện và Công ty Thiên Sơn như sau: Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hằng tháng, Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật… Tỷ lệ bên Thiên Sơn sẽ nhận 7,7 USD/ca chạy thận.

Quá trình quản lý các hoạt động của bệnh viện theo QĐ 1895, ngoài quy chế được Bộ Y tế quy định, riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình còn có quy chế riêng về nhân lực, quản lý đào tạo, chi tiêu nội bộ… Quy chế của bệnh viện cũng quy định chức trách, nhiệm vụ chung đối với từng khoa - phòng, không có quy chế riêng cho từng khoa - phòng.

Nghe xong nội dung, ông Vận khẳng định không được ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) nói và chưa nghe bao giờ. Theo ông Vận, tất cả vật tư trang thiết bị hằng năm đều có kế hoạch sửa chữa, dự toán mua sắm. Trên cơ sở đó các phòng khoa gửi lên Phòng Vật tư, sau khi mua, Phòng Vật tư sẽ quản lý, trong khoa bao giờ cũng phân công 1 người phụ trách phòng máy làm công tác bảo quản máy móc. Khi có sự cố về máy móc, điều dưỡng viên sẽ báo với người phụ trách phòng máy và báo lên lãnh đạo Phòng Vật tư.

Trước đó, trả lời VKS, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) cho biết công ty được thành lập trước khi xảy ra sự cố y khoa (ngày 29.5.2017) đúng 6 tháng. Công ty Trâm Anh không trực tiếp ký hợp đồng thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO với BVĐK tỉnh Hòa Bình mà thỏa thuận với Công ty Thiên Sơn. Có thể hiểu, BVĐK tỉnh Hòa Bình là bên A, Thiên Sơn là bên B, còn Trâm Anh là bên B’.

Tiếp tục làm rõ nội dung này, một luật sư đặt câu hỏi với đại diện của Công ty Thiên Sơn về việc tại sao khi trúng thầu lại ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh, “ngồi giữa ăn tiền”? Liệu việc này có vi phạm luật đấu thầu? Đại diện Công ty Thiên Sơn cho rằng việc ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh là nhằm thực hiện các công việc tại BVĐK Hòa Bình, có cán bộ làm việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình…

Cũng trong phiên tòa xét xử sáng 17/5, luật sư Nguyễn Chiến, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đề nghị HĐXX cho phép một bác sĩ từ TP HCM được nói rõ về nguyên lý hoạt động của hệ thống lọc nước RO trong chạy thận.

Theo đó, người mà luật sư Chiến đề xuất với HĐXX là ông Bùi Nghĩa Thịnh, bác sỹ công tác tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM).
Bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh liên tục có mặt theo dõi diễn biến tòa ngay từ ngày đầu xét xử (15/5) đến hôm nay. Theo lời giới thiệu của luật sư, ông Bùi Nghĩa Thịnh là một chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận và đã có nghiên cứu về máy lọc RO, đặc biệt là vấn đề về “Xét nghiệm kiểm tra sinh hóa theo tiêu chuẩn AAMI”.

Tuy nhiên, HĐXX cho biết qua kiểm tra lý lịch của bác sỹ Thịnh, HĐXX thấy rằng việc ông Thịnh trả lời là không cần thiết nên đã không chấp nhận đề nghị của luật sư Nguyễn Chiến trong lúc này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bất ngờ trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương