Luật sư của bác sỹ Hoàng Công Lương đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế

Mạnh Hùng| 28/05/2018 12:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (28/5), phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương trong sự cố chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến nhiều ngươi tử vong đã bước sang ngày làm việc thứ 10, tiếp tục diễn ra ở phần tranh tụng.

Theo đó, trong phiên tòa sáng nay (28/5), tiếp tục phần bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Trần Hồng Phúc đã nhắc đến bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương trên báo chí.

Trong bài báo, GS. Nguyễn Anh Trí nói: “Bác sĩ Lương có trách nhiệm khám chữa bệnh, không có trách nhiệm cũng như khả năng biết hệ thống lọc nước đã đạt yêu cầu, không tồn dư hóa chất. Nếu tôi trong trường hợp của Lương, khi biết hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong, tôi cũng sẽ làm như anh ấy là chạy thận cho bệnh nhân!”

Do đó, luật sư Trần Hồng Phúc mong HĐXX cân nhắc về những phân tích của GS. Trí và của các chuyên gia trong ngành.

Luật sư của bác sỹ Hoàng Công Lương đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế

Luật sư Trần Hồng Phúc trong phiên tòa sáng nay

Cùng trong phần bào chữa của mình sáng nay, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng Công văn 4342 của Bộ Y tế gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã có “lỗi đánh máy” về việc có cần thiết phải xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống lọc RO hay không, dẫn đến hiểu nhầm tai hại.

Xét nghiệm AAMI là xét nghiệm cho 25 chỉ số lý hóa đối với hệ thống máy lọc thận. Luật sư Trần Hồng Phúc nói: “Bộ Y tế đã gửi công văn cho Cơ quan điều tra tự ý đưa tiêu chuẩn AAMI của Hoa Kỳ vào công văn, rất dễ gây nhầm lẫn là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không. Bản thân Bộ Y tế cũng chưa trả lời được là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không”.

Cũng theo lời luật sư Phúc, Công văn của Bộ Y tế đã nhầm lẫn, trả lời không đúng với Cơ quan điều tra và tự ý biên tập lại câu hỏi của Cơ quan điều tra.

Sau đó, chính Bộ Y tế đã trả lời công văn của Văn phòng luật sư và vẫn cố gắng buộc tội các bị cáo với nội dung khẳng định “đây là hai câu hỏi khác nhau” (trong câu hỏi của Cơ quan Cảnh sát điều tra và câu hỏi của Văn phòng Luật sư).

Tuy nhiên nữ luật sư này cho rằng đây là hai câu hỏi hoàn toàn giống nhau, cùng nội dung, cùng có 34 chữ, không khác nhau cả dấu chấm, dấu phẩy.

“Họ đưa hướng trả lời sang ý khác để tránh trách nhiệm lỗi đánh máy trong công văn của Bộ Y tế trả lời Cơ quan điều tra. Bộ Y tế trả lời rằng “nếu không nghiên cứu kỹ sẽ gây nhầm lẫn”, nhưng chúng tôi nghiên cứu kỹ mới phát hiện ra sự nhầm lẫn của Bộ Y tế”.

Đến đây, luật sư Trần Hồng Phúc bày tỏ: “Bộ Y tế trả lời bắt buộc phải xét nghiệm tồn dư hóa chất, nhưng nghiên cứu tiêu chuẩn AAMI của Hoa Kỳ chúng tôi thấy rằng Bộ Y tế vẫn chưa hiểu gì về tiêu chuẩn này. Xét nghiệm AAMI là xét nghiệm cho 25 chỉ số lý hóa, để đưa vào xét nghiệm này, hợp đồng giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn chưa cụ thể là xét nghiệm cái gì trong số 25 chỉ số”.

Luật sư của bác sỹ Hoàng Công Lương đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Bộ Y tế cũng khuyến cáo thêm 2 xét nghiệm vi khuẩn nhưng nó là chỉ số cuối, như vậy Bộ Y tế đã bỏ qua 23 tiêu chuẩn ban đầu và chỉ khuyến cáo xét nghiệm 2 chỉ số vi sinh. Vậy 23 chỉ số lý hóa có cần thiết phải xét nghiệm hay không? Bộ Y tế cũng chỉ khuyến cáo chứ không bắt buộc.

Luật sư Phúc cho rằng Bộ Y tế cần có sự hiểu chính xác hơn, và những thông tin đưa ra nói trên không phải để cáo buộc Bộ Y tế mà bởi vì sự cần thiết để hiểu đúng và làm đúng cho ngành Y tế.

Tại phiên tòa, ông Đỗ Đình Vận - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoài Bình và bác sỹ Hoàng Công Tình (Phụ trách khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) đều khẳng định không cần thiết phải xét nghiệm AAMI vì phải dừng máy trong 10 -15 ngày. Trong thời gian chờ đợi đó sẽ lại phát sinh vi khuẩn trên hệ thống và lại phải xét nghiệm tiếp. Do đó, chỉ cần xét nghiệm tồn dư hóa chất ngay tại chỗ.

Xét nghiệm tồn dư hóa chất là xét nghiệm độc lập với AAMI sau sửa chữa, nhưng chỉ đơn giản bằng que thử và chỉ mất vài phút. Luật sư Phúc cho rằng chính sự “non yếu về mặt kiến thức” của Bộ Y tế đã dẫn đến việc không hiểu cái gì là bắt buộc, cái gì là khuyến cáo. Do đó, nhà thầu và bệnh viện đã không có sự ràng buộc trong hợp đồng. Luật sư Phúc nói: "Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận giá trị của AAMI, đó là tiêu chuẩn 5 sao cho hành trình dẫn nước RO vào cơ thể người bệnh. Nhưng ở thời điểm xảy ra sự cố, chúng ta mới bừng tỉnh và bắt đầu tìm hiểu về tiêu chuẩn AAMI".

Cũng tại phiên tòa, trong phần bào chữa cho bị cáo, các luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương đã đề nghị đại diện của Viện Kiểm sát đối đáp 12 vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề làm rõ trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc không cấm xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Cũng trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh bị đau bụng và được lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp đưa ra phòng riêng trong suốt thời gian diễn ra phiên xét xử.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng do bị cáo Bùi Mạnh Quốc không đủ sức khỏe để tiếp tục việc xét xử, đồng thời cũng là để tạo điều kiện để các luật sư giao nộp các chứng cứ, vi bằng cho Thư ký phiên tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư của bác sỹ Hoàng Công Lương đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế