Sau gần 7 năm kể từ ngày khởi tố, vụ án sai phạm tại Công ty Xây dựng 78 đã qua 5 lần kết luận điều tra, 4 lần VKSTC trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, 2 lần xét xử sơ thẩm, 1 lần cấp phúc thẩm TANDTC tuyên hủy bản án sơ thẩm yêu cầu điều tra lại.
Ngày 30/6/2015, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Xây dựng 78 thuộc Tổng Công ty Xây dựng miền Trung.
Theo đó, 5 bị cáo tiếp tục hầu tòa lần này gồm Lê Chơn (SN 1945, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí và xây dựng Quang Trung (Công ty EC5); Nguyễn Khắc Thương (SN 1952, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí và xây dựng Quang Trung, cả hai cùng trú tại Quy Nhơn, Bình Định); Đặng Ngọc Thành (SN 1958, nguyên Trưởng ban quản lý dự án nhà máy gỗ MDF); Lê Văn Xưởng (SN 1953, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần xây dựng 78); Hồ Sỹ Quảng (SN 1957, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần gỗ MDF, cả ba đều trú tại TP.Đông Hà, Quảng Trị).
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2008, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 10 bị can. Quá trình điều tra sau đó, cơ quan chức năng đã có quyết định đình chỉ điều tra 3 bị can, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó có Trần Xuân Đính, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng miền Trung. Tổng công ty xây dựng miền Trung, hiện nay là Tổng công ty Miền Trung (TCTMT) là doanh nghiệp nhà nước có chức năng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh xây dựng theo kế hoạch phát triển của ngành xây dựng. Trong đó, Dự án nhà máy gỗ ván MDF – Cosevco tỉnh Quảng Trị do Công ty xây dựng 78 thuộc TCTMT làm chủ đầu tư, có công suất 30.000m3 sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư là hơn 224 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng dự án, đã 4 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 457 tỷ đồng. Dự án gồm 25 gói thầu khởi công từ tháng 8/2001 đến tháng 9/2005 thì hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình được TCTMT quyết toán với tổng giá trị là hơn 439 tỷ đồng bằng vốn vay ưu đãi tại Ngân hàng phát triển, vốn vay của ngân hàng thương mại và các nguồn khác. Đến ngày 2/4/2007, nhà máy được chuyển giao cho Công ty cổ phấn gỗ MDF- Geruco Quảng Trị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ ván MDF – Cosevco đã xảy ra nhiều sai phạm, các bị can trên đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong việc tổ chức đấu thầu, thi công, thanh quyết toán công trình.
Cụ thể, Hoàng Công Uyên, Đặng Ngọc Thành và Lê Văn Xưởng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chủ trương, chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Trị làm trái quy định của nhà nước về quản lý sử dụng vốn đầu tư, vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng và nguyên tắc quản lý vốn, ngân sách nhà nước gây thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhằm để hợp thức hóa việc ký hợp đồng với Công ty cổ phần cơ khí Quang Trung (EC5) thi công gói thầu 2A và 2B mà không tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Các bị cáo Uyên, Thành, Xưởng, Lê Chơn, Thương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là chủ đầu tư và nhà thầu thi công làm trái nhiều điều khoản. Chủ đầu tư đã đồng ý cho Công ty EC5 thi công gói thầu trước khi có dự toán, thiết kế được duyệt. Sau đó, thực hiện nghiệm thu thanh toán theo dự toán không đúng với khối lượng thực tế đã thi công gây thiệt hại hơn 339 triệu đồng. Trong quá trình tổ chức đấu thầu và thanh toán, chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu, thông thầu, hợp thức hóa việc Công ty EC5 đã thi công trước và thỏa thuận với bên thi công nhận 2% giá trị khối lượng khi thanh toán. Chơn đã chỉ đạo Thương đưa cho Uyên và Quảng 50 triệu đồng.
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa
Ngoài ra, các bị cáo Uyên, Thành, Quảng, Xưởng còn làm trái quy định của nhà nước về tài chính kế toán trong việc ký duyệt chi các mục chi phí khác trong đầu tư dự án nhà máy gỗ ván MDF gây thiệt hại hơn 2,6 tỷ đồng. Quá trình tổ chức đấu thầu lại gói thầu 8A, Uyên, Thành và Xưởng đã làm trái các quy định về đấu thầu. Các bị cáo đã làm trái quy định của nhà nước, nghiệm thu thanh toán, quyết toán theo dự toán không căn cứ vào khối lượng giá trị thực tế thi công gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Ngày 24/10/2012, TAND tỉnh Quảng Trị đã đưa Hoàng Công Uyên (SN 1954, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng 78); Hoàng Xuân Thuận (SN 1952, nguyên Kế toán trưởng Tổng Cty xây dựng miền Trung) và 5 bị cáo trên ra xét xử. Trong đó, các bị cáo Uyên, Thành, Quảng, Xưởng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; các bị cáo Thuận, Chơn và Thương bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Riêng đối với bị can Hoàng Công Uyên, trong quá trình giải quyết vụ án lâm bệnh hiểm nghèo nên ngày 3/9/2013, TAND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với Uyên. Những sai phạm của y sẽ được xem xét xử lý sau.
Đến ngày 25/9/2013, TAND tỉnh Quảng Trị đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm và tuyên phạt Đặng Ngọc Thành, Lê Văn Xưởng mỗi bị cáo 3 năm tù treo; Hồ Sỹ Quảng 2 năm tù treo, cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Lê Chơn, Nguyễn Khắc Thương mỗi bị cáo 2 năm tù treo, Hoàng Xuân Thuận 1 năm cải tạo không giam giữ, đều về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đến ngày 19/3/2014, Thành và Xưởng bị bắt tạm giam theo lệnh của TANDTC nhằm đảm bảo cho quá trình xét xử.
Do có kháng nghị tăng mức hình phạt đối với một số bị cáo và kháng cáo kêu oan đối với bản án này, nên ngày 16 và 17/7/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng tiếp tục đưa vụ án trên ra xét xử. Tại phiên tòa lần này, tất cả các bị cáo đều kêu oan và cho rằng hành vi của mình có sai nhưng chưa cấu thành tội phạm và họ chỉ thực hiện mệnh lệnh theo quyết định của cấp trên. Cuối cùng, trải qua 3 lần nghị án, cấp phúc thẩm quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Trong phiên tòa ngày 30/6/2015, sau khi nghe vị đại diện VKS trình bày bản cáo trạng thì đồng loạt cả 5 bị cáo đều tỏ ra thắc mắc một số tình tiết trong vụ án.
Xét thấy, tại bản cáo trạng ngày 9/3/2015 của VKSNDTC có ghi: VKSNDTC đã có công văn yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển số tiền tạm giữ hơn 244 triệu đồng đến tài khoản tạm giữ của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị để giải quyết theo vụ án.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án chưa có văn bản nào và tại phiên tòa lần này cũng không có tài liệu gì thể hiện số tiền trên. Vì thế, chưa đủ căn cứ để xử lý số tiền nói trên nên HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung thêm theo hướng: xác định số tiền hơn 244 triệu đồng hiện đang ở đâu?.
Như vậy, vụ án sai phạm tại Công ty Xây dựng 78 đã qua nhiều phiên xét xử, kéo dài nhiều năm liền song vẫn chưa hề có phán quyết cuối cùng.