Ngày 26/2, tại Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp, TANDTC tổng kết việc thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử của TAND qua 5 năm triển khai, đồng thời đề ra các giải pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Nhưỡng Hoàng
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC cho biết: Căn cứ các Nghị quyết, Chỉ thị và Kết luận của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp năm 2017, TANDTC đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị với thành phần tham dự gồm các đồng chí Chánh án Tòa án 4 cấp.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác xét xử, Hội nghị đã thảo luận và thông qua 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Qua hơn 5 năm triển khai, TANDTC tổng kết việc thực hiện các giải pháp nêu trên và đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới.
Theo đánh giá, trong hơn 5 năm qua, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý giải quyết hàng năm là rất lớn và có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng Tòa án đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện tốt các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử nên hoạt động của Tòa án tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và đã khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc của những năm trước đây.
Từ năm 2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 5 năm trước (2013-2017), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng 507.849 vụ; đã giải quyết tăng 487.903 vụ.
Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm mạnh qua từng năm và tính đến ngày 31/12/2022 chỉ còn 08 vụ.
Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Đặc biệt sau nhiều năm triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2022 công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và công tác giải quyết án hành chính đã đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Kết quả này chứng minh các giải pháp đã đề ra là đúng đắn; đồng thời là cơ sở để các Tòa án tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và triệt để hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng xét xử trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, các giải pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới gồm:
Một là, tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử đang được thực hiện. Trong đó, cần tập trung khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động của các Tòa án.
Tiếp tục đổi mới quy trình phát triển án lệ, thực hiện nghiêm chỉ tiêu đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ; triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư của Chánh án TANDTC về phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến và đổi mới, nâng cao chất lượng các buổi đối thoại của Hội đồng Thẩm phán với Thẩm phán Tòa án các cấp có sự tham dự của đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp; tổ chức kết hợp tốt giữa phương thức xét xử trực tiếp và trực tuyến.
Hai là, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất và trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND; đồng thời, có kế hoạch để triển khai thực hiện nghiêm túc Luật này khi được Quốc hội thông qua.
Ba là, thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án. Lãnh đạo Tòa án các cấp cần thường xuyên chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triến khai thi hành Luật; trong điều kiện hiện có cần ưu tiên bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải, đối thoại phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; chú trọng làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Bốn là, vận hành có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa vào sử dụng để tiết kiệm thời gian và tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Tòa án. Trong đó, cần tích cực vận hành phần mềm Trợ lý ảo để giúp Thẩm phán rút ngắn thời gian nghiên cứu vụ việc; phần mềm quản lý án và trung tâm tích hợp dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Năm là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp, trước hết là các đồng chí lãnh đạo Tòa án các cấp, các công chức có chức danh tư pháp nhằm củng cố và tạo niềm tin của người dân đối với Tòa án.
Để Tòa án thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án là một yêu cầu rất quan trọng, một việc làm thường xuyên của Tòa án các cấp, Chánh án TANDTC yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC và Chánh án TAND, Tòa án Quân sự các cấp cần quán triệt các giải pháp đã đề ra tới toàn thể cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và tổ chức thực hiện nghiêm túc tại địa phương, đơn vị mình.