Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của cải cách tư pháp, phải xây dựng nền tư pháp vì dân, bảo vệ quyền uy tư pháp.
Chiều nay 26/2, Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW/2022 của Trung ương do TANDTC tổ chức sẽ chính thức khai mạc.
Hội nghị với nhiều nội dung lớn quan trọng, trong đó có sơ kết, thảo luận công tác nâng cao chất lượng xét xử; định hướng sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án.
Mục tiêu đảm bảo sự độc lập của Tòa án
Nghị quyết số 27-NQ/TW/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án đến 2030 phải hoàn thiện về vấn đề này.
Nghị quyết số 27 nêu rõ: Mục tiêu trọng tâm đến 2030 là đẩy mạnh CCTP, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Để thực hiện mục tiêu này, những năm tới phải hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Nghị quyết nêu nội dung cốt lõi mà Tòa án phải thực hiện đến năm 2030 đó là: Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp. Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án; Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, hội thẩm khi xét xử.
Nghị quyết cũng quán triệt rõ, các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án: Phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý; Ðổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán.
Nền tư pháp vì dân, bảo vệ quyền uy tư pháp
Với mục tiêu mà Nghị quyết 27 đề ra như trên, Ban lãnh đạo TANDTC đánh giá đây là nhiệm vụ rất quan trọng và để thực hiện thành công công cuộc CCTP này.
Tại hội nghị tập huấn chuyên đề vừa diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới rất quan trọng, và CCTP là một phần trong xây dựng nhà nước pháp quyền.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Thực hiện nhiệm vụ CCTP, phải xây dựng nền tư pháp vì dân, bảo vệ quyền uy tư pháp.
Chúng ta đã trải qua lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị từ năm 2008 đến nay, lần này nâng cấp trở thành Nghị quyết Trung ương, và CCTP là một phần trong Nghị quyết số 27 về xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Chánh án cho biết Nghị quyết 27 có 6 mục tiêu quan trọng, trong đó có xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết 27 cũng xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, nhiệm vụ thứ ba là CCTP, xây dựng nền tư pháp độc lập theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghị quyết 27 có 10 nhiệm vụ chính, trong đó nhiệm vụ thứ 7 là về xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ này cần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. “Những gì hợp lý rồi chúng ta phát huy, Luật nào chưa hợp lý chúng ta rà soát, sửa đổi; những gì thiếu phải bổ sung”. Ngoài ra, một số Bộ luật về tố tụng cũng có những điểm chưa hợp lý cần phải sửa đổi, Chánh án TANDTC nêu rõ.
Chánh án TANDTC cũng đề cập đến một số nội dung cần phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 27 đó là: Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. “Nguyên tắc độc lập của Toà án được xem là nguyên tắc căn cốt của nhân loại. Chúng ta cũng hướng đến mục tiêu này nhưng trên thực tế cũng có những việc chưa làm được và phải thực hiện trong thời gian tới, Chánh án nhấn mạnh.
Tiếp đến là xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử làm trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận; Tăng cường áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án;
Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, việc xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự tái thẩm, giám đốc thẩm; Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; Phát triển nguồn nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý; Ðổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán; Xây dựng Tòa án điện tử…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của CCTP, phải xây dựng nền tư pháp vì dân, bảo vệ quyền uy tư pháp. Giải pháp mà TAND hướng đến là phải nâng cao chất lượng xét xử, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; nâng cao niềm tin của người dân đối với nền tư pháp.
“Phục vụ nhân dân là phải bảo vệ được quyền lợi của người dân, phải xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chất lượng xét xử chính là thước đo việc phục vụ người dân của nền tư pháp; chính là bảo vệ được quyền con người, quyền công dân”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng để thực hiện CCTP là bàn về đổi mới Luật tổ chức TAND 2014. Theo Chánh án, Luật TAND 2014 đã phát huy tác dụng nhất định nhưng sau gần 10 năm thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều điểm không hợp lý, phải thay đổi.
Đây là cơ hội để hệ thống Tòa án bổ sung, thay đổi Luật này. Qua đó, phát huy tác dụng tốt nhất, cũng như nâng cao chất lượng công tác đối với các công việc trong toàn hệ thống Tòa án. Tất cả mọi giải pháp đều xoay quanh vấn đề tổ chức, con người và phương thức hoạt động. “Nếu không nắm bắt, tận dụng cơ hội này thì chúng ta đã bỏ lỡ một dịp rất quan trọng để biến đổi chất lượng công tác của ngành”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.