Chiều 20/8 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất rất dễ xảy ra. Chính quyền các địa phương bên cạnh tập trung khắc phục sau mưa lũ cũng triển khai các phương án để ứng phó với diễn biến mới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và giáo mùa Tây Nam mạnh, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra, do nước thượng nguồn đổ về, nên các sông trên địa bàn tỉnh, nhất là sông Chu, sông Mã, sông Bưởi, đã xảy ra một đợt lũ từ báo động I, báo động II, có nơi trên báo động II.
Mưa lũ đã ngập nhiều nhà ở của dân, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản. Từ tối ngày 18/8, trên địa bàn tỉnh mưa đã giảm, ngày 19/8 trời bắt đầu nắng và nước trên các sông đang xuống; nhiều hộ dân bị ngập lụt phải di dời đã và đang trở về nhà dọn dẹp vệ sinh, sớm ổn định đời sống…
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại Cẩm Thủy
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, bão số 4 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, nhà ở bị sập 5 nhà, ngập 1.243 nhà, 3.511 ha cây trồng các loại bị thiệt hại, có 3.753 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; 124,5 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn.
Về thủy lợi, đê điều có 1 đập dâng bị sạt lở, hư hỏng, 4 cống bị cuốn trôi, hư hỏng…,110 m kênh mương bị sạt lở, 51 guồng nước bị cuốn trôi…Ngoài ra, còn nhiều tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường tuần tra biên giới bị sạt lở, hư hỏng.
Các đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự số về giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực, gác bão lũ, làm rà chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực, điểm, bị ngập, sạt lở.
Đến cuối ngày 19/8, các điểm sạt lở Quốc lộ 15 đã khắc phục xong, giao thông đi lại bình thường, Quốc lộ 16 còn vướng mắc 3 vị trí, Quốc lộ 217 còn vướng mắc 2 vị trí, Quốc lộ 217B còn vướng mắc 1 vị trí, tuyến Quốc lộ 15C từ xã Trung Lý đi thị trấn Mường Lát vẫn bị chia cắt do các điểm sạt lở vẫn chưa được khắc phục xong. Tập trung chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục các điểm bị sạt lở để thông xe trước ngày 21/8.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý giao thông, chính quyền các địa phương cũng đang huy động lực lượng, xe, máy khắc phục các điểm bị sạt lở trên các tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn và phấn đấu thông xe trong thời gian sớm nhất.
Sạt lở đất nghiêm trọng tại các vùng miền núi
Để bảo vệ diện tích cây trồng, ngay từ khi xuất hiện mưa, Công ty TNHH một thành viên sông Chu đã chỉ đạo các chi nhánh thủy nông mở các cống tiêu, vận hành một số trạm bơm ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt để tiêu nước. Những ngày xảy ra mưa, công ty đã chỉ đạo các đơn vị tập trung vận hành các máy bơm tiêu đối với diện tích lúa bị ngập; cao điểm vào ngày 17/8, công ty đã chỉ đạo vận hành 37/41 trạm bơm tiêu để thực hiện việc tiêu thoát lũ cho diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tính đến trưa ngày 19/8, diện tích lúa bị ngập trắng chỉ còn 408 ha, tập trung ở các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn. Hiện, trên cơ sở nắm bắt, theo dõi tình hình thời tiết, căn cứ vào mực nước, công ty đang tiếp tục chỉ đạo việc vận hành các trạm bơm.
Báo cáo của UBND các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, đến sáng 19/8, toàn bộ các hộ dân phải tạm di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, bị ngập úng đã trở về nơi ở. Các địa phương cũng đã triển khai các phương án ổn định đời sống cho nhân dân, kịp thời hỗ trợ dựng lại nhà, bố trí nơi ở đối với các hộ nhà bị sập, hư hỏng nặng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con.
Các địa phương cũng khẩn trương rà soát, xác định mức độ thiệt hại về nông nghiệp, kịp thời có sự hỗ trợ để bà con nhân dân khôi phục sản xuất; đồng thời, tiếp tục kiểm tra, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ. Các địa phương cũng gấp rút triển khai thu dọn vệ sinh môi trường, tổ chức phun thuốc khử trùng, phòng dịch sau mưa lũ.
Cán bộ ngành y tế Thanh Hóa hướng dẫn người dân xử lý nước sau lũ
Ngày 20/8, lãnh đạo Sở Y tế đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường sau mưa lũ tại các địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng sau bão số 4. TP Thanh Hóa có 10 phường, xã bị ảnh hưởng với 2.851 hộ bị ngập lụt, 1.879 hộ phải di dời, 1.519 giếng nước và công trình cấp nước hộ gia đình, 1.996 công trình vệ sinh hộ gia đình, 601 chuồng gia súc hộ gia đình bị ngập lụt.
Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa đã chủ động trong triển khai công tác phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão, nhất là sau ngập lụt. Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ xuống các phường, xã bị ngập lụt, phối hợp với các trạm y tế xử lý vệ sinh môi trường, tổ chức phân công trực 24/24h; cấp hóa chất, vật tư trước, trong và sau bão số 4 gồm: 11 cơ số thuốc, 200 kg CloraminB, 10 chiếc áo phao.
Với tinh thần nước rút đến đâu xử lý vệ sinh môi trường đến đó, đến thời điểm này đã có 662 giếng nước và công trình cấp nước hộ gia đình, 800 công trình vệ sinh hộ gia đình, 238 chuồng gia súc hộ gia đình đã được xử lý; các bệnh thường gặp sau bão lụt (bệnh đường tiêu hóa, bệnh về mắt, bệnh ngoài da) đã có bệnh nhân mắc (6 ca bệnh về đường tiêu hóa, 15 ca bệnh về mắt, 36 ca bệnh ngoài da) nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa cũng đã đề xuất với tỉnh hỗ trợ thêm các cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hóa chất, vật tư, thuốc men phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.
Tới chiều tối ngày 20/8 tại Thanh Hóa lại xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân nên đề phòng diễn biến phức tạp của thời tiết để chủ động tránh, trú, di chuyển kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.