Đến nay, niềm tự hào Điện Biên Phủ mãi lan tỏa trong mạch sống nhân dân Thanh Hóa và là một hồi ức không bao giờ quên của những con người đã trực tiếp tham gia chiến đấu.
Một thời máu và lửa của những chiến sĩ, dân công hỏa tiến, thanh niên xung phong ngày ấy đã đi qua, bây giờ những con người làm nên lịch sử đó, người vĩnh viễn ra đi, người còn sống thì tuổi đã cao. Nhưng, mỗi khi nhắc đến chiến thắng vẻ vang đó, họ vẫn nhớ như in từng trận đánh...
Kỳ 2: Điện Biên Phủ qua ký ức của những người lính tham gia chiến trận
“56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”
Lịch sử đã ghi dấu và không bao giờ lặp lại, chiến thắng vĩ đại ngày đó là niềm tự hào của biết bao thế hệ trẻ hôm nay. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp tìm về những nhân chứng sống lịch sử ngày nào, những người con Thanh Hóa đã góp sức làm nên chiến thắng vẻ vang. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Minh Châu ở xã Hoàng Lương, huyện Hoằng Hóa năm nay đã ở tuổi 84, sức khỏe đã giảm sút, những nếp nhăn của thời gian phủ đầy trên khuôn mặt ông. Nhưng, khi hỏi về kỷ niệm chiến dịch Điện Biên Phủ, ông vẫn nhớ như in từng trận đánh mà ông đã tham gia. Ông bảo, “tôi có thể quên chuyện khác, chứ thời đào hầm, chờ ngày tấn công trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì không bao giờ quên chú à”.
Câu chuyện khiến chúng tôi ấn tượng nhất là trận đánh đồn Him Lam mở màn chiến dịch. Ông Châu tự hào là người đầu tiên đánh ống bộc phá của chiến dịch lịch sử. Bên chén trà mời khách, ông say sưa kể từng chi tiết nhỏ trong những trận đánh, để khẳng định ký ức Điện Biên những ai đã từng tham gia thì không bao giờ quên được.
Ông Thắng nhiều lần vinh dự được chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người ngoài cùng, bên phải)
Quả bộc phá mở màn
Tuổi nhỏ, ông Châu đã mồ côi cha mẹ nên không được đến trường học. Năm 1951, ông tình nguyện gia nhập quân ngũ, được biên chế về Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 142, Đại đoàn 312 (sau đổi thành Sư đoàn 312), đã tham gia nhiều trận đánh ở vùng Tây Bắc.
Ông kể: “Đầu năm 1954, đồng chí Trần Độ, Chính ủy sư đoàn trực tiếp xuống đơn vị tôi giao nhiệm vụ đánh chiếm đồn Him Lam, mở màn chiến dịch. Khi đó, đơn vị tôi được chọn làm nhiệm vụ quan trọng là đánh những quả bộc phá đầu tiên mở hàng rào đột phá khẩu”. Nhận biết được tầm quan trọng của nhiệm vụ, Tiểu đội ông cùng cán bộ đơn vị trực tiếp đi trinh sát địa hình và nhận mình là người sẽ đánh bộc phá đầu tiên. Chiến sự ác liệt, anh em xác định cảm tử quân, sẵn sàng hy sinh thân mình cho chiến thắng chung. Vì đã xác định từ trước nên trước khi có lệnh của cấp trên, mọi người trong đơn vị đã nắm chặt tay quyết tâm lao lên, nếu ai đó may mắn sống sót sẽ làm thay bổn phận chăm sóc cha, mẹ già của người khác.
“Đến giờ ấn định (17 giờ ngày 13/3/1954), chúng tôi đã áp sát hàng rào địch đặt ống bộc phá, giật nụ xòe và nhanh chóng rút êm. Đây được coi là trận quyết định nên địch phòng thủ rất nghiêm ngặt, chỉ cần tiếng động nhẹ là đạn bắn ra như mưa. Vì thế, quân ta phải vô cùng cẩn thận, làm thật nhanh, gọn, không để lộ thiên cơ. Một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả vùng, phá vỡ hàng rào thép gai quân địch. Tiếp đó, một chiến sĩ thuộc Tiểu đội tôi, tiến lên đặt ống bộc phá nhưng đồng chí này đã bị thương nên không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được. Không chần chừ, tôi vội ôm bộc phá của đồng đội và lợi dụng địa hình để tránh không bị đạn địch bắn trúng tiến nhanh đến hàng rào địch đánh quả thứ hai. Một tiếng nổ lại vang lên phá tan hàng rào địch, cùng lúc là tiếng hô xung phong của đồng đội vang lên. Tôi cũng lao lên phía trên, nhưng đạn địch xả ra liên tục, nhất là từ các ụ súng máy. Tôi bị trúng đạn vào phía sau gục xuống, may mắn được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị. Khi biết tin trận đó ta thắng lớn, đồn Him Lam cùng với đồn Độc Lập đã do ta kiểm soát, tôi mừng quá hoan hô Bác Hồ, hoan hô Tướng Giáp, quên cả cả đau đớn”, ông Châu kể.
Ông Hoàng Minh Châu phấn chấn khi nhớ lại chiến dịch Điện Biên
Đánh chiếm Mường Thanh, bắt Đờ Cát
Cũng là lính trẻ, vượt chặng đường dài đến với Tây Bắc, ông Nguyễn Xuân Thắng (SN 1936), đang trú tại số nhà 06/351 đường Hàm Nghi, phường Đông Hương, Tp Thanh Hóa, vẫn còn in đậm dấu ấn một thời với chiến dịch lịch sử này. Ông tham gia Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 (năm 1952), trực tiếp đánh các trận đánh lớn của chiến dịch. Ông Thắng nhớ lại: “Sau trận thắng ròn rã đồn Him Lam, mặt trận ta được mở rộng, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ vừa đào hầm, vừa chiến đấu gần cứ điểm đồi A1. Tin chiến thắng các mặt trận cứ liên tục được thông báo tới các chiến sĩ, tạo niềm tin cho chúng tôi gắng sức làm nhiệm vụ”.
Cứ điểm đồi A1 là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất, hai bên giành nhau từng tấc đất. Nhưng, với khí thế toàn thắng, ta siết chặt vòng vây buộc địch phải co cụm, không thể mở rộng. Chiến dịch kéo dài, lương thực tiếp bằng máy bay của địch bị pháo cao xạ của ta khống chế, buộc chúng phải bay cao, thả lương thực xuống bằng dù. Nhưng, do mặt trận của chúng bị thu hẹp nên lương thực tiếp tế của chúng chủ yếu rơi xuống cứ điểm của ta, làm chúng thiếu thốn và hoang mang. Trong thời gian này, ông và một đồng đội nữa trong đơn vị, nhận được lệnh đến nơi tập trung để nghe phổ biến kế hoạch chiến đấu, chuẩn bị cho một trận tổng công kích. Sau buổi tập trung, không khí chuẩn bị của đơn vị cũng như cá nhân càng khẩn trương, từ vũ khí đến quân tư trang nhỏ nhất. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh xuất quân.
Ông Nguyễn Xuân Thắng giữa đời thường
Ông Thắng kể: “Sáng 6/5/1954, đơn vị tôi được lệnh di chuyển đến địa điểm mới cùng các đơn vị khác. Lúc này, tất cả anh em chiến sĩ đều nhận được lời động viên, nhắc nhở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mặt động viên chiến sỹ toàn quân cùng với lá thư, món quà, khăn mặt, thuốc lá… của hậu phương gửi đến, ai nấy đều phấn khởi trước trận đánh lớn. Đến 18 giờ, tất cả như im lặng, hồi hộp tập trung chờ lệnh. Trong không gian yên tĩnh, bỗng có tia chớp từ mặt đất kèm theo tiếng nổ rền vang, tiếp theo là pháo binh ta liên tiếp đánh phá, khống chế hỏa lực của địch, để bộ binh lao lên chiếm lĩnh trận địa. Lúc này, hỏa lực của địch ở cứ điểm Hồng Cúm đáp trả mãnh liệt, giữa ta và địch công kích, tạo nên một bầu trời lửa sáng rực như ban ngày”.
Nhấp chén trà, ông Thắng kể tiếp: “Làn đạn dày đặc của địch bắn xối xả hòng ngăn cản bước tiến công của ta, nhưng dưới sự yểm trợ của pháo binh đơn vị tôi cũng như các đơn vị khác cùng khí thế “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân địch bị tổn thất nặng nề, buộc phải lui về co cụm ở Mường Thanh. Giữa trưa ngày 7/5, các mũi tấn công của ta liên tiếp áp sát, siết chặt vòng vây, tiến sâu vào tận sào huyệt của chúng, buộc chúng phải quy hàng, bắt sống tướng Đờ Cát, chỉ huy của địch. Vậy là, kết thúc 56 ngày đêm đào hầm chiến đấu, làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ vẻ vang năm châu, chấn động địa cầu”.