Vừa qua, Tiến sĩ Hán nôm Cung Khắc Lược vừa cho ra đời bộ lịch Địa Thiên Thái lấy cảm hứng từ mã văn hóa gà và triết dịch học của Đông Phương để đón chào năm mới Đinh Dậu 2017.
Bộ lịch độc đáo có một không hai này khi được giới thiệu tại hiên trà Trường Xuân, 11 Ngô Tất Tố, Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, trong đó có cả những du khách nước ngoài.
Tiến sĩ Cung Khắc Lược giới thiệu bộ lịch Gà
Tiến Sĩ Cung Khắc Lược cho biết, bộ lịch Địa- Thiên-Thái được lấy cảm hứng từ mã văn hóa gà và triết học dịch của Đông phương. Gà là sự thịnh vượng và sinh sôi trong khi kết hợp với quẻ Thái của kinh dịch sẽ đưa đến một năm Đinh Dậu đầy hào hứng và thăng hoa nhưng vẫn đủ sự trân trọng cho các giá trị gia đình và nền tảng sâu sắc của tâm hồn và trí tuệ.
Bộ lịch đi từ sự hình thành của muôn loài đến sự hình thành tình yêu và hạnh phúc qua câu chuyện của loài gà. Chữ trong bộ lịch, là hệ thống chữ Gà cổ xưa nhất của Việt Nam.
Hình ảnh trong bộ lịch gà độc đáo
Trang bìa bộ lịch thư pháp tranh gà Địa Thiên Thái chính là chữ Đinh trong Đinh Dậu, đã được Tiến sỹ Cung Khắc Lược tượng thành con gà vàng trong thành ngữ Gà vàng Hiến ngọc.
Trang 1: Âm Dương – Chữ Gà cổ với những vòng xoáy và tượng âm dương biểu thị sự hình thành vạn vật từ khởi thủy.
Trang 2: Trưởng thành - Chữ Gà trống cổ biểu thị sự thịnh vượng trong hệ thống mã văn hóa của Việt.
Trang 3: Dậy thì - Cô gà mái với chiếc mỏ dẩu lên và thân hình sẵn sàng dâng hiến đang đi theo chú gà trống. (Chú gà trống được TS. Cung Khắc Lược tượng thành chữ Gà cổ).
Trang 4: Địa Thiên Thái – Gà âm dương và mặt trời được đặt bên dưới, quẻ đẹp nhất trong 64 quẻ dịch.
Trang 5: Quý tử - Tượng quý tử của năm gà, quả trứng vẫn còn hồng hào ấm áp bình yên trong tử cung.
Trang 6: Mái ấm – Gà mẹ và đàn con được bao bọc quanh chữ gà trống được tách làm đôi.
Tiến sỹ Hán Nôm Cung Khắc Lược, là nhân vật quan trọng nhất của ngành Hán Nôm thời kỳ cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21, khiến Hán Nôm được phần nào phục hưng sau một thời gian dài chìm trong bóng tối của lãng quên.
Mặc dù là một tiến sỹ nhưng ông tự mang mình ra vỉa hè Văn Miếu ngồi cho chữ mỗi dịp đầu xuân từ những năm 1998, tạo nên truyền thống của căn phố, biến nó thành một trong những địa điểm được nhiều người thăm viếng nhất Hà Nội mỗi dịp Tết về.
Tiến sỹ Cung Khắc Lược duy trì được sự sâu sắc trong văn hóa cho chữ khi luôn tìm cách hiểu người xin chữ bằng những phương pháp làm việc khác nhau và có lẽ một phần do đó thư pháp của ông rất thiêng. Có ngồi bên cạnh khi ông cho chữ mới thấy rất nhiều người đã xin chữ từ những năm trước quay lại tạ ơn và nói rằng những điều mang tính dự báo trong thư pháp của ông đã thành hiện thực.