Tiền lương và biên chế

Trung Nguyễn| 19/10/2017 07:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội nghị Trung ương 6 khoá XII đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả và nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp công.

Tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một nghị quyết về cải cách tiền lương.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, mỗi lần Chính phủ trình Đề án cải cách tiền lương để Trung ương Đảng thảo luận thì vấn đề quan trọng là nguồn để cải cách tiền lương. Qua thảo luận, Trung ương thấy rằng cải cách tiền lương không phải chỉ có việc tạo nguồn mà phải dựa vào cả sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế…

Tiền lương và biên chế

Hình minh hoạ

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay là chưa làm người lao động gắn bó với công việc, mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu. Quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều quan hệ tiền lương trên thị trường lao động. Hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, mở rộng đối tượng và các loại phụ cấp tạo bất cập cho các cơ quan, có rất nhiều các loại phụ cấp. Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập. Tiền lương của lãnh đạo DNNN quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối với người lao động, nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Đối tượng tham gia BHXH tuy có tăng lên nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn rất lớn. Tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp..

Nguyên nhân của thực trạng này là đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp (tính tới nay là hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách). Chậm cụ thể hoá quan điểm chi tiền lương là chi đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng công chức; Chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương; Chưa khắc phục bất cập quản lý DNNN, đơn vị sự nghiệp công...

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, cần phải trả lương theo vị trí việc làm. Còn về nguồn kinh phí để cải cách tiền lương, ông Cường cho rằng phải tinh giản biên chế, nếu không sẽ rất khó thực hiện được.

Qua khảo sát cho thấy, hiện chỉ có 51,3% người lao động vừa đủ trang trải đời sống, 20,6% phải chi tiêu tằn tiện kham khổ, 12% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% có thể tích luỹ từ tiền thu nhập.

Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị sớm nghiên cứu, ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, trước mắt là hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu nêu trong Bộ luật Lao động. Hội đồng Tiền lương cần công bố lộ trình đến năm 2019, tiền lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền lương và biên chế