Qua 2 lần cưỡng chế bến đò Quơn Long-Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), cùng với sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Bé Nam, chủ bến đò.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã lắng nghe ý kiến của các ban ngành có liên quan đến việc tranh chấp bến đò Quơn Long-Bình Phục Nhứt gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Cụ thể việc UBND xã Quơn Long lấy bền đò trên giao cho doanh nghiệp khác khai thác mà không thông qua hình thức đấu thầu công khai. Vụ việc trên đã kéo dài nhiều năm gây bức xúc trong dư luận.
Theo trình bày của ông Trần Văn Bé Nam, chủ bến đò: "Cuối năm 2014, UBND huyện Chợ Gạo công khai là thu hồi bến đò Quơn Long-Bình Phục Nhứt về và tổ chức đấu thầu. Sau đó, huyện Chợ Gạo lại “âm thầm” tổ chức đấu thầu và chỉ định thầu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Phi Vân (Quận 11, Tp. Hồ Chí Minh) mà không thông báo cho gia đình tôi cũng như người dân địa phương khác biết để cùng tham gia đấu thầu. Do đó, khi huyện, xã yêu cầu tôi giao trả bến đò này thì chúng tôi không đồng ý và có đơn khiếu nại việc thu hồi bến đò và tổ chức chỉ định thầu không hợp tình, hợp lý nhưng không được chấp thuận. Mọi hồ sơ kêu gọi đầu tư, tờ trình xin chấp nhận nhà thầu và các văn bản có liên quan đến công tác đấu thầu bến phà đều do ông Phạm Văn Tiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo ký. Đến ngày 26/6/2014, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ký chấp thuận nhà thầu do UBND huyện Chợ Gạo và Giám đốc Sở Kế hoạch Tiền Giang tham mưu".
Ông Năm trao đổi với phóng viên
Điều đáng nói, qua 2 lần chính quyền huyện Chợ Gạo cùng các ban, ngành tiến hành cưỡng chế bến đò nhưng bất thành. Tại buổi cưỡng chế có gần 500 người dân, tăng, ni, phật tử… phản đối việc cưỡng chế bến đò không thông qua hình thức đấu thầu. Người dân cho rằng UBND huyện Chợ Gạo có dấu hiệu “ưu ái” với doanh nghiệp nên đã cưỡng chế giao cho bến cho doanh nghiệp khai thác mà không thông qua hình thức đấu thầu công khai là trái với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau 2 lần cưỡng chế bất thành đó, chính quyền huyện Chợ Gạo đã cố tình làm báo cáo không trung thực lên UBND tỉnh Tiền Giang với mục đích bóp méo sự thật, bao che cho hành vi vi phạm của mình.
Sau khi nghe các ý kiến, tâm tư của ông Trần Văn Bé Năm cùng với các ban ngành, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý theo đúng pháp luật việc khai thác, vận chuyển khách tại bến đò Quơn Long, nghiên cứu các phương án để đấu thầu nâng cấp, mở rộng bến theo đúng quy định của pháp luật.
Ông cũng chỉ đạo rõ UBND huyện Chợ Gạo tiếp tục xem xét và thực hiện các thủ tục theo quy định đối với quyền khai thác bến trong thời gian còn lại của năm 2017.
Biên bản tiếp dân có ý kiến chỉ đạo của ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang
Được biết bến đò Quơn Long-Bình Phục Nhứt đã được gia đình ông Năm khai thác gần 40 năm, qua nhiều thế hệ (từ ngày còn là bến đò chèo vắng khách) để sinh sống. Trong quá trình khai thác bến đò này gia đình ông Năm đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt mức thu phí qua đò rất thấp so với các bến đò khác. Mỗi ngày, bến đò đưa đón hàng trăm lượt học sinh, cán bộ, công chức, nhà tu, người già, trẻ em, người bán vé số, hộ nghèo…khi qua đò đều được miễn phí hoàn toàn. Do đó, nguồn thu phí qua phà không nhiều chỉ đủ nuôi sống hơn 10 thành viên trong gia đình.
Bến đò Quơn Long-Bình Phục Nhứt phục vụ người dân qua lại
Ông Năm cho rằng, việc chính quyền thu hồi bến đò để nâng cấp khai thác phục vụ người dân qua lại là không sai. Tuy nhiên, để công khai minh bạch thì chính quyền huyện Chợ Gạo phải tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật để chọn những doanh nghiệp có đầy đủ năng lực cạnh tranh cùng tham gia khai thác bến bãi.
Lần này, ông Năm hi vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang sẽ mang lại công lý cho gia đình ông cũng như được đồng thuận của người dân nơi đây.