Sáng 26/12, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tiếp tục tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 50 mcg cho ba tình nguyện viên đầu tiên. Đây là giai đoạn 1b trong quá trình thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người tại Học viện Quân y.
Theo đó, trước khi tiêm thử vaccine Nano Covax nhóm liều 50 mcg, ba tình nguyện viên (trong tổng số 20 tình nguyện viên) được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng, lấy máu xét nghiệm, điện tim, chụp X-quang… đảm bảo đủ tiêu chuẩn sức khoẻ trước khi tiêm thử.
Ba người đầu tiên tiêm thử vaccine nhóm liều 50 mcg gồm 1 nam và 2 nữ, trong độ tuổi từ 20 - 25. Sau khi tiêm, ba tình nguyện viên được theo dõi trong phòng riêng tại Học viện Quân y trong 72 giờ đầu; sau khi xác định được tính an toàn của vaccine thì 17 tình nguyện viên còn lại sẽ được tiêm.
Trước đó, 20 tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax liều 25mcg. Sau tiêm đến nay, tất cả người tiêm thử nghiệm đều hoàn toàn khỏe mạnh, không gặp vấn đề gì bất thường. 17 người tiêm vaccine Nano Covax liều 25mcg ngày 22/12 đều trở về địa phương để tiếp tục theo dõi sức khỏe.
Liên quan tới việc tiêm nâng liều vắc xin Nano Covax lên gấp đôi, lãnh đạo Học viện Quân y cho biết, đây không phải vấn đề đáng lo ngại. Kết quả từ những người tiêm liều 25mcg cho thấy, mức liều 50mcg cũng sẽ đảm bảo an toàn. Các tình nguyện viên cũng hoàn toàn thoải mái khi tiêm ở mức liều này.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viên Quân y kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Y Dược Quân sự, cho biết, dự kiến, giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng sẽ kết thúc trong khoảng 1,5 tháng tới. Trong quá trình này Học viện Quân y tiếp tục tuyển chọn tình nguyện viên để thực hiện giai đoạn 2, nhằm đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19. Các tình nguyện viên tham gia tiêm thử ở giai đoạn 2 tập trung vào lứa tuổi 18 - 50, có thể mở rộng từ 12 - 75 tuổi.
Trước đó, sáng 17/12, các tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 25 mcg. Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện từ 18-50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm: nhóm 1a (20 người dùng mức liều 25 mcg), nhóm 1b (20 người dùng mức liều 50 mcg), nhóm 1c (20 người dùng mức liều 75 mcg).
Tất cả các tình nguyện viên ở giai đoạn 1 sẽ được tiêm vào bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm 28 ngày. Thời gian nghiên cứu đối với mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày và thời gian theo dõi là đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Dự kiến, tháng 3/2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 và tháng 8/2021 thử nghiệm giai đoạn 3 trên cơ thể 3.000-4.000 người hoặc mở rộng đến 10.000 người.
Hiện nay, ngoài vắc xin Nano Covax của Công ty Nanogen đang được thử nghiệm trên người, còn có 3 công ty IVAC, POLIVAC, VIBAOTEC đã và đang nghiên cứu, phát triển vắc xin. IVAC, VABIOTEC có lộ trình thử nghiệm vào 1/3/2021.
“Việc thử nghiệm cả hai miền Bắc và Nam để bảo đảm tính đại diện cho toàn quốc”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin. POLIVAC đang đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với các đối tác Trung Quốc, Nga để có vắc xin.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh theo ước tính và dự báo, cũng như các bằng chứng khoa học, đến nay chưa có vắc-xin nào chứng minh có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Chủ động nguồn vắc xin cho người dân là rất quan trọng nên phải tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin.
“Bộ Y tế đang nỗ lực đảm bảo các cơ chế, đàm phán với các công ty để sớm nhất có vắc xin cho Việt Nam. Nhưng chúng ta không trông chờ vào vắc xin, kể cả trong bối cảnh có vắc xin vẫn phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, đặc biệt hiện nay càng phải triển khai quyết liệt hơn với phòng chống COVID-19”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.