Chuyển động

Tiêm kích F-35 tối tân suýt bị bắn hạ bởi tên lửa của Houthi

Ngọc An 15/05/2025 - 10:17

Mỹ suýt chút nữa thì mất chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II tối tân đầu tiên trong chiến dịch quân sự mang tên Operation Rough Rider nếu không nhờ vào tài năng của phi công.

Điều đáng nói, lực lượng suýt làm cho Mỹ phải ôm hận không phải là đất nước có hệ thống phòng không siêu tinh vi như Nga mà là lực lượng vũ trang Houthi tại Yemen.

f-35.jpg
Tiêm kích tối tân F-35 của Hoa Kỳ

Vụ việc xảy ra trong đợt oanh kích bắt đầu từ ngày 15/3/2025 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đây là lần đầu tiên được ghi nhận chính thức một chiếc F-35 bị đe dọa trực tiếp bởi hệ thống phòng không của lực lượng Houthi.

Một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận trên The War Zone rằng chiếc tiêm kích đã ở vào tình thế cực kỳ nguy hiểm đến mức “phải thực hiện thao tác cơ động để tránh bị trúng đạn”.

Tờ The New York Times xác thực trước đó, cho thấy năng lực phòng không bất ngờ và tinh vi của lực lượng Houthi

Chiến dịch Rough Rider là một chiến dịch không kích quy mô lớn nhắm vào các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của nhóm này và ngăn chặn các cuộc tấn công của họ vào tàu thuyền trong khu vực cũng như các mục tiêu của Israel.

Chiến dịch sử dụng nhiều loại khí tài của Mỹ, bao gồm F-35, F-16 và máy bay không người lái MQ-9 Reaper – trong đó, MQ-9 đã chịu tổn thất nặng nề.

tand.png
Chiếc F-35 thực hiện động tác né tránh tên lửa phóng tới trong gang tấc

Theo The New York Times, trong 30 ngày đầu của chiến dịch, lực lượng Houthi đã bắn hạ bảy chiếc MQ-9 – mỗi chiếc trị giá khoảng 30 triệu USD – làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giám sát và tấn công chính xác của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM).

Bản tin cũng ghi nhận rằng phòng không Houthi suýt bắn trúng nhiều chiếc F-16 và một chiếc F-35, làm tăng nguy cơ thương vong cho quân nhân Mỹ.

F-35 Lightning II là dòng tiêm kích đa năng, tàng hình, một động cơ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Với giá hơn 100 triệu USD cho biến thể F-35A, nó được xem là xương sống của không quân Mỹ.

Máy bay được trang bị radar quét điện tử AN/APG-81, hệ thống cảm biến hồng ngoại toàn cảnh DAS, hệ thống tác chiến điện tử Barracuda, và nhiều công nghệ giúp tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường.

Thiết kế tàng hình của F-35 giúp nó khó bị phát hiện trên radar, trong khi động cơ F135 cho phép đạt tốc độ Mach 1.6 và tầm chiến đấu hơn 600 dặm (khoảng 965 km).

Máy bay có ba biến thể: F-35A cho Không quân, F-35B cho khả năng cất/hạ cánh ngắn và thẳng đứng, F-35C dành cho tàu sân bay. Trong chiến dịch tại Yemen, các F-35A từ căn cứ Hill và F-35C từ tàu sân bay USS Carl Vinson đã được triển khai.

Tên lửa đất đối không của Houthi được cho là thuộc mạng lưới phòng không có khả năng hoạt động bền bỉ đáng ngạc nhiên. Lực lượng này, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Iran, đã phát triển một số hệ thống phòng không nội địa và cải tiến, bao gồm Barq-1 và Barq-2 – có nguồn gốc từ các hệ thống Liên Xô như 2K12 Kub và 9K37 Buk, với tầm bắn từ 30–70 km và trần bay lên đến 20 km, đủ để đe dọa máy bay bay thấp.

Houthi cũng sử dụng tên lửa Saqr (hay còn gọi là 358) – một loại tên lửa tầm thấp dẫn đường hồng ngoại, có khả năng tránh né các biện pháp phòng vệ truyền thống.

Hệ thống radar như P-18 do Nga sản xuất và Meraj-4 của Iran cung cấp dữ liệu cảnh báo sớm và dẫn bắn, dù không hiện đại bằng hệ thống S-400 hay HQ-9 của các cường quốc.

Việc lực lượng Houthi có thể bắn hạ đến 7 chiếc MQ-9 cho thấy họ đã khéo léo kết hợp radar, tên lửa và chiến thuật du kích để khai thác điểm yếu trong các hoạt động không quân của Mỹ.

Trong khi S-400 của Nga hay HQ-9 của Trung Quốc là những hệ thống phòng không hiện đại, thì mạng lưới của Houthi sử dụng các công nghệ cũ, được cải tiến nhờ Iran. Chiến thuật phi đối xứng giúp họ duy trì mối đe dọa thường trực với lực lượng không quân phương Tây.

Vụ việc này còn khiến giới chức Mỹ phải nhìn lại chiến lược quân sự và phát triển công nghệ. Sự mong manh của MQ-9 cho thấy cần thiết phải phát triển thế hệ máy bay không người lái có khả năng tàng hình và tự vệ cao hơn. F-35 dù sống sót nhưng có thể cần cải tiến thêm hệ thống đối phó để chống lại các tên lửa như Saqr.

ten_lua_houthi.jpg
Tên lửa hành trình của lực lượng Houthi

Chương trình F-35 đến nay đã tiêu tốn hơn 428 tỷ USD, khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả chi phí khi sử dụng trong chiến tranh chống lại các nhóm phi nhà nước.

Lầu Năm Góc đã và đang phát triển các khái niệm tác chiến mới như Next Generation Air Dominance (NGAD) nhằm tích hợp giữa máy bay có người lái và không người lái trong môi trường tác chiến hiện đại.

Một lệnh ngừng bắn do Tổng thống Trump công bố ngày 6/5/2025 – với vai trò trung gian của Oman – đã tạm thời dừng các cuộc tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, các đòn tấn công tiếp tục của Houthi vào Israel cho thấy cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc.

Về mặt công nghệ, việc một chiếc F-35 bị nhắm bắn bởi tên lửa của lực lượng dân quân như Houthi là lời cảnh tỉnh: ngay cả những hệ thống phòng không tạm bợ, khi được vận hành linh hoạt và có sự hỗ trợ kỹ thuật, vẫn có thể gây tổn thất cho siêu cường quân sự như Mỹ.

Bài học từ Yemen chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cách mà Mỹ hoạch định chiến lược tác chiến trên không trong tương lai.

Theo War Zone, Bulgarianmilitary
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm kích F-35 tối tân suýt bị bắn hạ bởi tên lửa của Houthi