Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, vào dịp Tết Ất Mùi, thành phố Hà Nội dành hơn 200 tỷ đồng lo Tết cho người có công. Đối với các hộ nghèo, mức hỗ trợ có thể bằng tiền hoặc gạo.
Người nghèo được hỗ trợ tiền, gạo
Trong trương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối 25/1, trả lời câu hỏi của một người dân về chủ trương tặng quà Tết đến các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đối với người có công đã được Chủ tịch nước quyết định tặng quà Tết với 2 mức, một mức là 400.000 đồng và 200.000 đồng tùy từng đối tượng.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
“Chúng tôi có hướng dẫn tới các địa phương và các địa phương có kế hoạch kinh phí đã bố trí ngay từ đầu năm. Trong tháng 1 này thì nhiều đơn vị đã bắt đầu triển khai để tặng quà đến các đơn vị được sớm cùng với việc từ ngân sách nhà nước thì chúng tôi cũng đã huy động, vận động các nguồn lực như Quỹ đền ơn đáp nghĩa từ Mặt trận Tổ quốc và Hội chữ thập đỏ, các tổ chức quốc tế cũng dành những nguồn lực nhất định để chăm sóc cho đối tượng người có công”. Bộ trưởng Chuyền nói.
Theo Bộ trưởng Chuyền, một số địa phương đến nay đã có phương án về mức tặng quà, trong đó, Hà Nội là trên 200 tỷ đồng dành để lo Tết cho người có công.
Đối với các đối tượng nghèo thì trước mắt Chính phủ chỉ đạo giao cho các địa phương rà soát nắm các đối tượng, phân loại và đảm bảo cho tất cả các người dân phải có Tết. Có 2 mức hỗ trợ: hỗ trợ bằng tiền và hỗ trợ bằng gạo.
Để thực hiện vấn đề trên thì ngành lao động đã chỉ đạo các địa phương rà soát, phân loại đối tượng, lập danh sách và báo cáo với lãnh đạo địa phương để quyết định mức hỗ trợ. Trên cơ sở đó, cũng huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tham gia chương trình hỗ trợ.
Về phía Bộ, chúng tôi đã có thông báo gửi các địa phương nắm chính sách, đề xuất và đến nay một số địa phương đã có đề nghị hỗ trợ gạo và chúng tôi đã trình Thủ tướng để ký và hỗ trợ kịp thời trước Tết. Riêng khoản hỗ trợ đối với người nghèo thì kể cả trong Tết và sau Tết một số hộ còn khó khăn thì một số địa phương cũng đề nghị và chúng tôi đã xem xét để trình Chính phủ hỗ trợ các địa phương trên.
Thưởng Tết không phải là một khoản bắt buộc
Giải đáp thắc mắc thưởng Tết của một nhóm công nhân ở Bình Dương sau một năm làm việc nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông tin về thưởng tết, Bộ trưởng Chuyền nhấn mạnh, về thưởng Tết thì trong luật không phải là một khoản bắt buộc, đây là khoản khuyến khích. Nhưng tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp khi họ làm ăn được thì họ đều có phương án cụ thể là trong hợp đồng với người lao động là có phương án lương, thưởng. Trong đó người lao động có quyền giám sát việc thực hiện phương án đó và phương án đó được công khai tại nơi sản xuất.
Trong trường hợp một nhóm người lao động ở Bình Dương nếu thấy đến thời điểm này chưa có thông báo thưởng Tết thì trước tiên kiểm tra lại xem khi hợp đồng đầu năm đó thì doanh nghiệp có khoản thưởng với người lao động không, khoản thưởng đó có công khai ở nơi làm việc không. Nếu có mà chưa thực hiện thì cần phản ảnh với công đoàn để công đoàn đôn đốc với chủ doanh nghiệp để thực hiện. Nếu chủ doanh nghiệp khi đã có trong quy chế từ đầu năm rồi mà không thực hiện thì báo cáo với Sở Lao động hoặc Phòng Lao động ở địa phương doanh nghiệp đóng đó để có điều kiện can thiệp để thực hiện đúng quy chế của doanh nghiệp về vấn đề lương thưởng trong hợp đồng với người lao động.
“Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực tiền lương đến thời điểm này qua kiểm tra giám sát cũng như báo cáo các địa phương, phía Bộ chỉ đến được các đơn vị ở các khu công nghiệp, còn trên cơ sở báo cáo của các địa phương thì trên 80% các doanh nghiệp đã có thưởng Tết Dương lịch cho người lao động ở mức khoảng 1,5 triệu cho một người”. Bộ trưởng Chuyền khẳng định.