Để tăng số người nhiễm HIV được điều trị, Hà Nội có chính sách khuyến khích người dân trong việc đưa người nhiễm HIV đến cơ sở y tế điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV).
Đó là thông tin được TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (7/5).
Năm 2017, Hà Nội phát hiện 800 trường hợp nhiễm HIV. Năm 2018, nhờ đẩy mạnh xét nghiệm, số trường hợp này tăng lên 1.290 người. Trong 3 tháng đầu năm 2019, có 400 trường hợp đã được xét nghiệm dương tính với HIV (tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018).
Tính đến tháng 3/2019 có 13.500 người HIV đang điều trị, hiện vẫn còn gần 5.000 người nhiễm không được điều trị, đây là nguồn có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Có những trường hợp biết đích danh nhiễm nhưng từ chối điều trị hoặc có những người khai tên địa chỉ khác xong đi nơi khác do họ tự kỳ thị.
TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin tại buổi giao ban
Theo bà Lan, điều đáng nói là lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng mạnh và trở thành phương thức lây truyền chủ yếu trong thời gian gần đây (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018 tại Hà Nội), vì vậy, đòi hỏi phải có những giải pháp và hành động, can thiệp dự phòng phù hợp hạn chế sự lây lan HIV.
Cho đến nay, lĩnh vực điều trị HIV đã đạt được rất nhiều thành tựu và tiến bộ to lớn. Thuốc kháng HIV, còn gọi là ARV đã được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Các phác đồ điều trị ARV gồm 3-4 thuốc phối hợp cho hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.
Bà Lan cũng cho biết, Hà Nội kỳ vọng sẽ phát hiện 3.000 trường hợp trong năm 2019 để đưa vào điều trị. Để tăng số người nhiễm HIV vào điều trị thuốc ARV, Chương trình phòng chống AIDS Hà Nội đã áp dụng các mức thưởng cho bất kỳ ai đưa được người nhiễm HIV vào điều trị ARV. Tùy theo nguồn hỗ trợ, các mức thưởng có thể khác nhau. Nhưng, mức cao nhất lên đến 1,8 triệu đồng cho 1 người đưa được người nhiễm HIV vào điều trị.
Trước đó Hà Nội cũng khởi động cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Đây là biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng cách uống thuốc Truvada đều đặn vào mỗi ngày.
Cùng với sử dụng bao cao su, PrEP là một trong những giải pháp tránh để tránh HIV qua đường tình dục. Đối tượng sử dụng PrEP là nam có quan hệ đồng giới, nam nữ quan hệ tình dục hay nhứng người tiêm chích ma túy. Việc mở rộng PrEP là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trước mắt, PrEP sẽ được cung cấp miễn phí tại một số cơ sở: Trung tâm Y tế Quận Đồng Đa; Trung tâm Y tế Quận Long Biên; Trường Đại học Y Hà Nội.