Thương hiệu quốc gia Việt Nam -chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Gắn với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh", lần công bố năm nay là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (chương trình) đã đạt những thành tựu đáng kể, thu hút sự quan tâm và tạo dựng uy tín lớn với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Chương trình không chỉ tôn vinh những thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, cùng năng lực cạnh tranh ngày càng cải thiện trên thị trường quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông nên đã có trên 1.000 doanh nghiệp trong cả nước quan tâm đăng ký tham gia.
Sau hơn 9 tháng phát động, ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
"So với lần xét chọn trước, năm nay cả nước có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa", ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Đáng chú ý, sản phẩm được xét chọn thương hiệu quốc gia năm nay ngày càng thể hiện rõ nét giá trị cốt lõi của chương trình là “Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong”; tiếp cận gần hơn với các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường và người tiêu dùng quốc tế. Năm nay xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo; chế biến thực phẩm; thương mại và dịch vụ...
Là doanh nghiệp có 3 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutricare Nguyễn Đức Minh cho biết, việc được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam giúp doanh nghiệp tiếp tục củng cố nội lực, tăng cao niềm tin của người tiêu dùng trong nước, cũng như có nhiều thuận lợi trong tiếp cận thị trường nước ngoài.
Còn theo Trưởng ban Kế hoạch thị trường (Tổng Công ty Thép Việt Nam) Lê Minh Tú, doanh nghiệp có 2 sản phẩm thép xây dựng được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với hàng chục triệu tấn đã được cung cấp ra thị trường, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. "Chúng tôi cam kết sẽ không ngừng phát triển để kiến tạo các giá trị tốt hơn cho khách hàng, xã hội và cộng đồng, tích cực bảo vệ và cải thiện môi trường thông qua sản xuất xanh. Chúng tôi cam kết sẽ kiên trì theo đuổi các giá trị của chương trình Thương hiệu quốc gia và tiếp tục đầu tư vào đổi mới, sáng tạo, chất lượng sản phẩm, năng lực tiên phong để xứng đáng với chứng nhận thương hiệu quốc gia năm 2024“, ông Lê Minh Tú nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho hay, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng thương hiệu quốc gia nói chung và tham gia vào chương trình thương hiệu quốc gia tăng lên rõ rệt. Không những thế, vấn đề xanh hóa, phát triển bền vững cũng được các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn trong xây dựng thương hiệu của mình.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh", Ban tổ chức lễ công bố sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 (diễn ra tối 4-11-2024) mong muốn gửi gắm thông điệp về sự phát triển gắn tăng trưởng với bền vững. Trên hành trình nâng tầm thương hiệu Việt để "sánh vai với các cường quốc năm châu", chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam không chỉ đại diện cho chất lượng và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn cho thấy sự cam kết mạnh mẽ hướng tới phát triển xanh. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đó là xu thế tiêu dùng đang thay đổi rõ nét. Ngoài chất lượng, người tiêu dùng và thị trường nhập khẩu còn đặt ra các yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững, chống phá rừng, giảm phát thải, sử dụng lao động đúng độ tuổi…