Thượng đỉnh Trump-Kim: Từ Hà Nội “vì hòa bình” đến làng đình chiến Panmunjom

Ý Thơ| 02/07/2019 22:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên diễn ra chớp nhoáng, đầy bất ngờ. Đặc biệt, xét về yếu tố địa điểm tổ chức cuộc gặp này, các chuyên gia nhận thấy có nhiều điểm khá lý thú.

Khoảng 13h55 ngày 30/6/2019 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp và bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới hai miền Triều Tiên. Ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên.

Thượng đỉnh Trump-Kim: Từ Hà Nội “vì hòa bình” đến làng đình chiến Panmunjom

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Tòa nhà Tự do ở phía nam làng đình chiến Panmunjom, ngày 30/6/2019. 

Khoảnh khắc lịch sử

Đây là cuộc gặp trực tiếp lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim diễn ra trong 50 phút.

Tổng thống Mỹ cho biết ông đã nhất trí với lãnh đạo Triều Tiên về việc khởi động lại đàm phán hạt nhân, tiến trình bị ngưng trệ từ đầu năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định ông không vội đi đến một thoả thuận. Ông cũng sẵn lòng mời nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Mỹ "vào thời điểm phù hợp".

Sau khi cuộc gặp kết thúc, hai nhà lãnh đạo cùng rời khỏi Tòa nhà Tự do ở phía nam làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), trở lại đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ. Tổng thống Trump cho biết: “Chúng tôi vừa có một cuộc gặp rất tốt đẹp với Chủ tịch Kim”. Ông nói thêm, “hôm nay (30/6) là một ngày đi vào huyền thoại và lịch sử”.

Viết về sự kiện này, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết: Ông Trump bước khoảng 20 bước sang lãnh thổ Triều Tiên rồi quay lại, cho rằng “việc bước qua ranh giới là vinh dự lớn”. Tổng thống Mỹ “cảm ơn ông Kim về cuộc gặp”. Hai nhà lãnh đạo bắt tay, ca ngợi nhau trước báo giới, rồi vào họp kín trong Nhà Tự do nằm ở phía Hàn Quốc trong DMZ. Theo KCNA, Chủ tịch Kim đã chào đón Tổng thống Trump bằng tiếng Anh là nhắc rằng ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Triều Tiên, mô tả đây là “khoảnh khắc lịch sử” và “một hành động rất kiên quyết, can đảm”.

 

Thượng đỉnh Trump-Kim: Từ Hà Nội “vì hòa bình” đến làng đình chiến Panmunjom

Tổng thống Trump bước chân sang lãnh thổ Triều Tiên

Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần thể hiện thiện chí muốn tiếp tục đàm phán để giải quyết vấn đề Triều Tiên vốn chưa đạt được kết quả từ sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua. Và chỉ ngay trước cuộc gặp lịch sử nói trên chỉ có một ngày, ông chủ Nhà Trắng nêu ý tưởng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại DMZ trên Twitter cá nhân vào sáng 29/6, khi dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Nhật Bản và chuẩn bị tới Hàn Quốc gặp Tổng thống Moon Jae-in. Nội dung dòng tweet nêu rõ: “Trong thời gian tôi ở đó, nếu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhìn thấy dòng tweet này, tôi sẵn sàng gặp ông ấy ở biên giới Hàn - Triều, chỉ để bắt tay và chào hỏi”.

Niềm tin hòa bình

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra chớp nhoáng, đầy bất ngờ, nhất là đối với giới quan sát và cánh truyền thông, dù trước đó có khá nhiều đồn đoán cho rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim chắc chắn sẽ có cuộc gặp lần thứ ba để bàn về vấn đề Triều Tiên, nhưng không ai có thể nghĩ rằng nó đã diễn ra chỉ sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội vừa tròn 4 tháng và sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore được hơn một năm.

Thậm chí, ái nữ Nhà Trump - Ivanka Trump đã dùng từ "siêu thực" để mô tả khoảnh khắc cha mình - Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Cùng với chồng mình là Jared Kushner, Ivanka Trump đã tháp tùng cha cô trong chuyến đi tới khu phi quân sự vừa qua để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cố vấn của ông Trump cho biết cô sẵn lòng đặt chân lên Triều Tiên nếu được mời. Ivanka cũng cho rằng, cần phải tiếp tục đối thoại để làm việc với thiện chí để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, và cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên lần này là “một bước đi nữa theo hướng này”. 

Thượng đỉnh Trump-Kim: Từ Hà Nội “vì hòa bình” đến làng đình chiến Panmunjom

Ivanka Trump cùng chồng Jared Kushner tại khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên hôm 30/6, cả hai người là cố vấn chính thức của Nhà Trắng

KCNA viết: “Việc các lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ có những cái bắt tay lịch sử tại Panmunjom là một sự kiện đáng kinh ngạc”. “Quyết định táo bạo, dũng cảm" của hai lãnh đạo đã dẫn đến cuộc gặp lịch sử "tạo ra niềm tin chưa từng có giữa hai nước”. Theo KCNA, chính mối quan hệ cá nhân tốt giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump – như lời nhà lãnh đạo Triều Tiên nói – đã khiến cuộc gặp có thể diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Trump “ngỏ lời” trên Twitter. Chủ tịch Kim cũng bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ với nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp tục tạo ra kết quả tốt và giúp hai bên vượt qua những khó khăn và trở ngại trong tương lai.

Xét về yếu tố địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, các chuyên gia nhận thấy có nhiều điểm khá lý thú.

Quay trở lại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tổ chức ở Hà Nội, GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) từng cho rằng điều thú vị chính là “một hội nghị về hoà bình được tổ chức ngay tại thành phố vì hoà bình”. “20 năm trước, Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất của cả châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu này. Hơn 20 năm qua, thành phố giờ không những phát huy được những giá trị văn hoá truyền thống, mà còn trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hoà bình, ổn định và phát triển”, ông nói.  

Và nay, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên bất ngờ quyết định gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm), một lần nữa giới phân tích cho rằng đây là một điều hết sức thú vị và mang tính biểu tượng cao, trước hết giúp cho việc thúc đẩy tiến trình giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Cần phải nói thêm rằng, Panmunjom là giới tuyến phân cách hai miền Triều Tiên, chính tại nơi đây, vào năm 1953, Hiệp định ngừng Chiến tranh Triều Tiên được ký kết. Cũng tại đây, hơn một năm về trước vào ngày 27/4/2018, Tuyên bố Panmunjom về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất Bán đảo Triều Tiên được thông qua giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đúng như tuyên bố của Tổng thống Moon tại cuộc họp nội các ngày 2/7, khi đánh giá cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, ông đã cho rằng, cuộc gặp này đồng nghĩa với việc hai đất nước Mỹ và Triều Tiên tuyên bố "chấm dứt quan hệ thù địch" và "khởi đầu thời kỳ hòa bình".

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thượng đỉnh Trump-Kim: Từ Hà Nội “vì hòa bình” đến làng đình chiến Panmunjom