Thị trường thuốc và thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang xuất hiện nhiều bất cập. Công tác quản lý, sản xuất và phân phối khá lỏng lẻo dẫn đến thị trường này phát triển tràn lan và thiếu minh bạch… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thực trạng thị trường thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng bùng nổ tại thị trường Việt Nam trong khoảng hơn chục năm trở lại đây với hàng chục ngàn sản phẩm đã và đang được lưu hành. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, cả nước có chưa đầy 50 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thì nay đã có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hàng vạn sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành theo nhiều kênh phân phối.
Sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng như quảng bá. Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử phạt, cấm lưu hành hàng loạt sản phẩm thực phẩm kém chất lượng hoặc tiêu chuẩn chất lượng không phù hợp với công bố.
Mới đây nhất, ngày 30/8, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng nghi làm giả tại Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, trong kho đang có nhiều thùng sản phẩm thành phẩm gồm gần 20 loại sản phẩm là thực phẩm chức năng, trong đó có các nhãn hiệu đang được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Các hộp thực phẩm này đã được đóng gói hoàn chỉnh và dán tem nhập khẩu, ghi sản phẩm chính hãng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng ngàn nhãn mác sản phẩm, trong đó chủ yếu ghi thông tin sản phẩm có xuất xứ tại Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cần sự minh bạch từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và người tiêu dùng
Bên cạnh sản phẩm thực phẩm chức năng bị làm giả, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng theo kiểu thổi phồng công dụng cũng thường xuyên xảy ra. Hồi giữa tháng 8/2016, Cục An toàn thực phẩm đã công khai danh sách 25 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm thì có đến 15 công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng.
Khoảng trống trong quản lý thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng là nhóm nằm ở ranh giới giữa thuốc và thực phẩm. Điều này đã được PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định lại tại Tọa đàm “Thuốc và thực phẩm chức năng - Minh bạch để phát triển” được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng ý thức được điều này khi công dụng của thực phẩm chức năng đôi khi được nhà sản xuất và cả phân phối thổi phồng một cách quá mức. Điều đó dễ dẫn đến nhầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc chữa nhiều bệnh. Vậy vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng làm gì để minh bạch được thuốc và thực phẩm chức năng?
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, hiện nay, việc quản lý thuốc và thực phẩm chức năng cần có sự kết hợp nhưng khó phân định ranh giới. Nếu các cơ quan chức năng không phối hợp với nhau thì sẽ xuất hiện nhiều khoảng trống về pháp lý và quản lý. Nguyên Thứ trưởng chỉ rõ hai vấn đề trong công tác quản lý. Đó là về thể chế, với cách xây dựng các bộ luật riêng như hiện nay thì giữa các bộ luật sẽ có một khoảng trống. Hiện ở Việt Nam đã xây dựng pháp luật chuyên ngành khá tốt nhưng tất cả vẫn xây dựng theo từng lĩnh vực và nếu có những sản phẩm nằm giữa thì đó là khoảng trống. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều nước chỉ xây dựng một bộ luật duy nhất quản lý tất cả các vấn đề về thuốc hay sức khỏe dưới sự chỉ huy của một tổng cục trưởng, nhờ đó không có chuyện doanh nghiệp đi vào những khe hở để “lách luật”. Vấn đề thứ hai là về cơ quan thực thi, hiện có sự phân chia các cơ quan chuyên trách nhưng lại xuất hiện những cơ quan ở giữa không biết trách nhiệm, quyền hạn của mình ở đâu nên đã tạo ra những khe hở cho doanh nghiệp “lách luật” gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế lại cho rằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng không phải là khoảng trống mà là giao thoa cho nên ở trong phần chồng lấn thì người này hiểu là thuốc, người kia hiểu là thực phẩm chức năng. Đối với quản lý thực phẩm chức năng, Bộ Y tế ban hành Thông tư 43, trong đó có quy định trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ về công dụng với sức khỏe, phải chứng minh là nó có tác dụng. Nếu sản phẩm mới thì phải chứng minh được quá trình thử nghiệm có tác dụng. Tránh trường hợp sản phẩm nào cũng ghi là hỗ trợ dẫn đến gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và người tiêu dùng bị thiệt hại.
Mặc dù quy định khá rõ ràng, nhưng một trong những vấn đề bức xúc gần đây lại chính là việc quảng cáo thực phẩm chức năng điều trị được nhiều bệnh. Về nguyên tắc, quảng cáo đó phải được cơ quan chức năng phê duyệt và phù hợp với nội dung công bố nhưng các doanh nghiệp vẫn đang lách bằng quảng cáo qua mạng thông tin, xã hội.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để giải quyết sự nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng, tránh cho người tiêu dùng bị thiệt hại và cũng để cho ngành thực phẩm chức năng phát triển, bên cạnh việc siết chặt quản lý bằng luật và văn bản dưới luật thì rất cần tiêu chí minh bạch từ cơ chế chính sách, thông tin sản phẩm, nguyên liệu đến quy trình sản xuất. Nói như bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco, hạn chế của cơ quan chức năng là lực lượng mỏng nên quản lý chưa chặt, còn trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp. Cho nên doanh nghiệp cần phải hướng tới sự minh bạch, còn các cơ quan chức năng nên xây dựng thể chế luật pháp chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, để tránh sự nhập nhằng, các doanh nghiệp chân chính nên tích cực truyền thông để người dân nhận biết được sản phẩm nào đáng tin cậy hay chưa đáng tin cậy.
TS Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cũng đồng quan điểm khi cho rằng cần minh bạch với sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng. Và để minh bạch thì đầu tiên phải là sự minh bạch từ cơ quan quản lý, sau đó đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đại diện của Cục Quản lý dược cũng khẳng định đã có chế tài đầy đủ, qua đó giám sát thị trường để thuốc phải là thuốc, thực phẩm phải là thực phẩm, mỹ phẩm phải là mỹ phẩm chứ không thể nhầm lẫn được.
Như vậy, trong thời gian tới, với những chế tài, quy định về thuốc và thực phẩm chức năng đã được ban hành, cùng với quyết tâm làm minh bạch thị trường thực phẩm chức năng của cơ quan quản lý và doanh nghiệp, có thể người tiêu dùng Việt sẽ không còn phải trả giá đắt cho sức khỏe, thậm chí là chính mạng sống của mình bởi những sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ ràng.