Những năm qua công tác chăm sóc người có công với cách mạng (NCC) luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chú trọng, quan tâm. Hiện cả nước có hơn 9,2 triệu NCC, trong đó có 1,4 triệu người đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần NCC đã được triển khai với nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa góp phần nâng cao mức sống của NCC.
Truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc
Trong suốt 73 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng,” quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội.
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ được triển khai tích cực.
Đời sống của người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều đồng chí đã có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang ở chiến trường, nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, trong đó có những thương binh nặng, trở về với cuộc sống đời thường, đã phát huy phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ,” ra sức khắc phục khó khăn, gương mẫu đi đầu trong công tác, chiến đấu, lao động, học tập, tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể quần chúng và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Nhiều đồng chí năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và xã hội, đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn,” giúp đỡ đồng chí, đồng đội, gia đình chính sách còn gặp khó khăn.
Đặc biệt, có những đồng chí cựu chiến binh anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, nay nêu gương sáng trong trận chiến chống đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân, nhiều thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, gia đình, không ngừng phấn đấu vươn lên, lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động, học tập.
Một số đồng chí đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Xuất hiện nhiều tấm gương vợ liệt sỹ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con cái trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cán bộ hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhưng vẫn bất khuất, một lòng trung kiên với cách mạng... đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nay tiếp tục tích cực chăm lo, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Quan tâm chăm lo hơn nữa cho người có công với cách mạng
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả.
Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào chăm sóc người có công với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa tiếp tục được duy trì, phát huy, có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn sâu sắc.
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để góp phần quan tâm chăm lo cho người có công với cách mạng tốt hơn trong thời gian tới, ông Đào Ngọc Lợi – Cục trưởng Cục Người có công cho rằng: Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước, trong suốt quá trình phát triển tăng cường kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội hội.
Bên cạnh đó, các địa phương cần giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm cho tất cả NCC được thụ hưởng chế độ đúng quy định. Trong đó, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cần nghiên cứu, đề xuất chính sách với các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho từng đối tượng cụ thể. Ngoài ra, cần hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo có thành viên thuộc diện người có công thông qua các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên vay vốn; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc huy động sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư nơi cư trú để hỗ trợ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ con em của gia đình người có công khởi nghiệp, lập nghiệp bằng việc tổ chức các lớp đào tạo về khởi nghiệp, tổ chức tham quan mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương khác…