Sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật, công nghệ thông tin đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành truyền thông. Xuất bản được coi là một ngành công nghiệp với việc tạo ra các sản phẩm truyền thông xuất bản có giá trị về tư tưởng, văn hóa, giáo dục, kinh tế.
Trước sự thay đổi mạnh mẽ đó, ngành xuất bản Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt vấn đề nguồn lực và đào tạo nhân lực cho ngành trở nên quan trọng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Hà Huy Phượng - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.
PV: Có ý kiến cho rằng, xuất bản điện tử đã và đang là vấn đề nóng đối với ngành xuất bản nói chung, với thị trường sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm nói riêng. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
PGS, TS. Hà Huy Phượng: Trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, xuất bản nói chung, lĩnh vực xuất bản điện tử trở thành ngành công nghiệp truyền thông, hàng năm đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn. Ngành xuất bản thế giới tiếp cận nhanh và tận dụng được những ưu việt của công nghệ để thay đổi các kỹ năng, phương thức hoạt động xuất bản truyền thống. Mục tiêu lớn nhất là để đáp ứng nhu cầu người dùng, đồng thời cũng là để nắm bắt, khai thác một thị trường sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm mới mẻ, dễ đem lại những lợi nhuận khổng lồ.
PGS, TS. Hà Huy Phượng - Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Lâm Bình
PV: Làm thế nào để ngành xuất bản khẳng định được vị trí và vai trò, đáp ứng tốt, có hiệu quả và thiết thực hơn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, thưa ông?
PGS, TS. Hà Huy Phượng: Ngành xuất bản trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình, góp phần phát triển xã hội, nhất là trên “mặt trận” tri thức, văn hóa - tư tưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ truyền thông như hiện nay, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành xuất bản cần tận dụng tối đa việc ứng dụng kỹ thuật - công nghệ truyền thông hiện đại, tạo ra các xuất bản phẩm có chất lượng cao để phục vụ công chúng. Với bề dày lịch sử phát triển, ngành xuất bản Việt Nam đã, đang có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển đất nước trên “mặt trận” văn hoá - tư tưởng và cả về kinh tế, giáo dục, giải trí...
Để ngành xuất bản Việt Nam phát triển và trở thành ngành công nghiệp trong tương lai, cần đổi mới tư duy hoạt động xuất bản, tạo ra sự đa dạng xuất bản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dùng trong sự phát triển cạnh tranh khốc liệt của các loại hình, sản phẩm truyền thông mới. Mặt khác, trong thời đại số, nếu ngành xuất bản Việt Nam đứng ngoài cuộc, không hoặc chưa làm chủ được kỹ thuật - công nghệ truyền thông số để tạo ra các sản phẩm xuất bản hiện đại thì sẽ khó có thể phát triển được chứ chưa nói đến việc trở thành một ngành công nghiệp.
PV: Xuất bản công nghiệp được coi là xu thế tất yếu ở các nước phát triển, vậy giải pháp nào để xây dựng ngành công nghiệp xuất bản ở Việt Nam, thưa ông?
PGS, TS. Hà Huy Phượng: Như trên đã đề cập, lĩnh vực xuất bản chỉ có thể trở thành một ngành công nghiệp khi nó thực sự tạo ra các sản phẩm truyền thông xuất bản hiện đại về quy trình sản xuất (quy trình đầu cuối rõ ràng, ứng dụng mạnh kỹ thuật - công nghệ số để quản trị hệ thống, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…); sản phẩm đạt các quy chuẩn quốc tế, châu lục, khu vực, quốc gia và chuẩn về phong cách sáng tạo của mỗi nhà xuất bản. Nói là ngành công nghiệp, thì ở khía cạnh thị trường, các xuất bản phẩm được tạo ra phải đem lại giá trị sử dụng cho người dùng (về tri thức giáo dục, giá trị kinh tế, văn hóa, giải trí…) và mang lại giá trị lợi nhuận cao về mặt kinh tế cho nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất, phát hành và kinh doanh xuất bản phẩm.
Ngành xuất bản Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy và phương thức tổ chức hoạt động xuất bản, không chỉ quan tâm đến làm sách truyền thống thuần túy mà cần đa dạng hóa xuất bản phẩm. Điều này cũng đã thể hiện trong Luật Xuất bản mới nhất ban hành năm 2012. Đặc biệt, ngành xuất bản Việt Nam cần nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của xuất bản thế giới, nhất là lĩnh vực xuất bản điện tử. Các nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh… quan tâm đến lĩnh vực xuất bản điện tử ngay từ cuối thế kỷ 20.
Nhiều nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm đã tiếp cận rất tốt và tạo ra các sản phẩm, thiết bị, phần mềm ứng dụng để sản xuất, kinh doanh, đáp ứng tốt nhu cầu của công chúng. Tuy nhiên, ngành xuất bản Việt Nam còn chậm tiếp cận với lĩnh vực xuất bản điện tử. Hiện nay, ở Việt Nam mới có duy nhất Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chính thức làm xuất bản điện tử và mới đạt được một số kết quả nhất định. Các nhà xuất bản khác sở dĩ chưa thực hiện vì nhiều lý do chủ quan, khách quan, trong đó rào cản lớn nhất là về nhận thức về tầm quan trọng cũng như hiểu đầy đủ về lĩnh vực xuất bản điện tử, do đó chưa mạnh dạn đầu tư cho mảng này.
Mặt khác, lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam chưa thực sự trở thành ngành công nghiệp mang lại nguồn lợi kinh tế, mà vẫn mang nặng “phong cách” phục vụ nên các sản phẩm xuất bản chưa thực sự trở thành “món ăn” thiết thực để người dùng có thói quen tiêu thụ theo cơ chế thị trường…
Hội thảo khoa học xây dựng Chương trình đào tạo đại học chuyên ngành xuất bản điện tử tại Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Mai Nghiêm
Thời gian tới, Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện, động lực để các nhà xuất bản phát triển tốt hơn. Các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm cần ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong hoạt động nghề nghiệp để tạo ra các sản phẩm xuất bản có giá trị cao.
PV: Xuất bản là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động tư tưởng - văn hóa. Là Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, theo ông, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực xuất bản cần chú trọng những vấn đề gì?
PGS, TS. Hà Huy Phượng: Xuất bản là ngành đặc biệt quan trọng trong hoạt động tư tưởng - văn hóa. Sản phẩm xuất bản tốt thì góp phần truyền bá tri thức văn hóa, tư tưởng, giáo dục, giải trí tốt. Các nhà xuất bản và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm muốn hoạt động chuyên nghiệp, phát triển tốt, đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật - công nghệ thì nguồn nhân lực phải được coi trọng hàng đầu.
Các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm hiện nay đang sử dụng nguồn nhân lực do các nhà trường đào tạo hoặc tự đào tạo. Việc sử dụng nguồn nhân lực tự đào tạo giúp các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm có được những “tay thợ” có kinh nghiệm. Việc sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo hệ thống, bài bản ở nhà trường sẽ cho các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm có đội ngũ nhân viên tác nghiệp chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng ở trình độ cao. Do đó, các nhà xuất bản, doanh nghiệp xuất bản phẩm nên hợp tác cùng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực xuất bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn về hoạt động xuất bản.
Là địa chỉ đào tạo hàng đầu của cả nước, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có bề dày gần 60 năm đào tạo cán bộ biên tập xuất bản - truyền thông cho đất nước và các nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… Đã có hàng ngàn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ khoa. Họ đã và đang là những cán bộ quản lý, biên tập viên chuyên nghiệp tại các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm, các cơ quan truyền thông, báo chí…
Một điều đáng tự hào là trong khi ngành xuất bản thế giới đang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực xuất bản điện tử, ngành xuất bản Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này thì năm học 2019 - 2020, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chính thức tuyển sinh khóa học đầu tiên hệ đại học chuyên ngành xuất bản điện tử. Chương trình đào tạo đại học chuyên ngành xuất bản điện tử cũng đã chính thức được các Hội đồng đánh giá nghiệm thu, thông qua và đưa vào giảng dạy từ năm học 2019 - 2020.
Chương trình đã được các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực xuất bản cũng như lĩnh vực công nghệ thông tin đánh giá đáp ứng nhu cầu thực tiễn rất cao. Song song với việc mở chuyên ngành này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống phòng học thực hành hiện đại, đa phương tiện, phục vụ thiết thực đào tạo các ngành truyền thông, trong đó có chuyên ngành xuất bản điện tử.
Khoa Xuất bản cũng đã cử cán bộ quản lý, giảng viên đi thực tế về nghiệp vụ xuất bản điện tử tại Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, đồng thời cam kết với các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm trong cả nước để cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành xuất bản.
Như vậy, cùng với chuyên ngành Biên tập xuất bản mà Khoa Xuất bản đã đào tạo được 35 khóa, sau 4 năm nữa, sẽ có một lớp cử nhân xuất bản điện tử khóa đầu tiên để cung cấp cho các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm cũng như các đơn vị truyền thông - xuất bản. Có thể khẳng định, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là địa chỉ tin cậy để các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm tuyển dụng nhân lực.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!