Giáo dục

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo tại Tây Nguyên khó khăn hơn các vùng khác

Trần sỹ 25/03/2023 07:08

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 24/3, tại TP Buôn Ma Thuột.

Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT 5 tỉnh Tây Nguyên Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. 

Cơ bản toàn vùng Tây Nguyên đã đạt mục tiêu xóa mù chữ

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị để triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, nhằm đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng; góp phần quan trọng để triển khai thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

anh-1.-bo-truong-gd-dt-lam-vie-voi-tay-nguyen.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ở giữa) và các lãnh đạo đồng chủ trì Hội nghị

Khu vực Tây Nguyên được xác định là một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Đây cũng là nơi cùng sinh sống, giao lưu của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng.

Theo số liệu thống kê, năm học 2021 - 2022, toàn vùng Tây nguyên có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú, nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực người dân tộc thiểu số.

Đến nay, về cơ bản toàn vùng Tây Nguyên đã đạt mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Cùng với đó, 40% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 74,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; cùng với 94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Có được những kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Tuy nhiên, so với những vùng khác trên cả nước, thì những chuyển biến của giáo dục vùng Tây Nguyên còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và vẫn còn nhiều thách thức. Do đó cần nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục tháo gỡ.

Vùng khác cố gắng một thì Tây Nguyên phải cố gắng hai, ba

Tại Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ đại diện các tỉnh tham dự. Trong đó, tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo lộ trình.

Song song với đó, để tạo động lực, địa phương cũng đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện nay còn thiếu 973 giáo viên, ngoài ra còn thiếu nguồn dự tuyển ở một số bộ môn (tiếng Anh, Tin học, các môn nghệ thuật...). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018.

Để phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kon Tum kiến nghị Chính phủ ưu tiên sắp xếp nguồn lực duy trì chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ bữa ăn bán trú. Cùng với đó, quan tâm mở rộng phạm vi thụ hưởng của chương trình đến các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số.

Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai với đặc thù vùng núi, địa bàn rộng, dân cư thưa nên việc triển khai giáo dục khác so với khu vực đồng bằng. Toàn tỉnh có 44 dân tộc anh em với 46% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là Bana và Jrai.

Hệ thống giáo dục với 761 cơ sở, hơn 414.000 học sinh. Trong những năm qua, địa phương đã rà soát toàn diện, đầy đủ… xây dựng đề án phát triển giáo dục, về: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh, muốn bảo tồn các giá trị văn hoá, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ thì việc triển khai dạy, học tiếng DTTS rất quan trọng và cần thiết.

Tỉnh Gia Lai mong muốn Bộ, ban, ngành quan tâm về tính đặc thù của từng vùng miền để xây dựng chính sách phù hợp, cân đối nguồn lực và khung thời gian thực hiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra những thuận lợi và khó khăn như: Mỗi một vùng cần có những nhìn nhận riêng về đặc điểm vùng, thuận lợi… Tây Nguyên là vùng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm và đây là điểm rất quan trọng.

Khu vực Tây nguyên tuy là núi cao nhưng địa hình không quá khó khăn, chia cắt như Tây Bắc. Bên cạnh đó, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Từ góc độ giáo dục, theo Bộ trường, đây là vùng người dân, trẻ em ngoan, hiền lành, chất phác, "thuận cho việc trồng người", bởi nền giáo dục mà chúng ta đang triển khai, đang hướng đến là lấy việc phát triển con người về nhân cách, đạo đức và hướng đến con người hạnh phúc.

Ngoài ra, cư dân ở một số khu vực có đời sống kinh tế khá, thuận lợi khi triển khai xã hội hóa trong giáo dục.

Đặc biệt, Tây Nguyên còn là khu vực đa dạng về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng nên theo Bộ trưởng, Tây Nguyên nói chung và đặc biệt là giáo dục phổ thông phải bảo lưu đa dạng văn hóa. Qua đó, vừa đạt giá trị chung của con người Việt Nam, vừa đạt văn hoá riêng khu vực và phải là vùng văn hoá giàu bản sắc.

Đặc điểm của một vùng lấy sản xuất nông nghiệp làm chủ yếu đòi hỏi nâng cao dân trí là yêu cầu cấp bách và đặc điểm của một vùng có tỷ lệ người dân theo học bậc đại học thấp nhất cả nước, cần cấp bách nâng cao tỷ lệ người đi học đại học để nguồn nhân lực chất lượng cao… là 3 vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng đề cập trong nhóm các đặc điểm, đặc trưng của giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên.

Cùng với đó, việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo tại Tây Nguyên khó khăn và nhiều thử thách hơn so với hầu hết các vùng miền khác. Bởi, các địa phương vừa thực hiện trong bối cảnh khó khăn để theo kịp những vùng khác, vừa thực hiện công cuộc đổi mới như các vùng.

"Những vùng khác nếu cố một, thì Tây Nguyên phải cố gắng hai, ba để theo kịp một phần nào", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo tại Tây Nguyên khó khăn hơn các vùng khác