Từ ngày 1/8, Nghị định 46 của Chính phủ chính thức có hiệu lực với nhiều điều chỉnh về các quy định mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Cũng theo Nghị định này, một số trường hợp vi phạm giao thông sẽ được áp dụng hình thức xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản.
Tiết kiệm thời gian cho người vi phạm
Ngay từ sáng 1/8/2016, lực lượng Cảnh sát cơ động và Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt tổng kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và triển khai thực hiện Nghị định 46 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể, kể từ ngày 1/8/2016, CSGT có quyền xử phạt vi phạm không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp: Xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Các trường hợp khác bị vi phạm lỗi phạt trên 500.000 đồng vẫn xử lý theo hình thức lập biên bản như bình thường, đồng thời áp dụng cho cả các trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ. CSGT phải “Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại chỗ khi người vi phạm bị xử phạt không lập biên bản hành chính.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhìn chung, đa phần người dân đã nắm được quy định, một số còn bỡ ngỡ, nhưng sau khi được cán bộ CSGT giải thích, đều vui vẻ chấp hành. Tuy nhiên, cũng còn một số ít người vi phạm có thái độ chưa đúng mực, cố tình viện ra nhiều lý do để biện hộ.
Trên các tuyến phố, lực lượng Cảnh sát giao thông tích cực điều tiết, kịp thời xử lý, nhắc nhở những người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như không tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, dừng đỗ sai quy định.
Tại các chốt giao thông, công tác ứng trực, kiểm tra diễn ra nghiêm túc, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm. Chỉ trong thời gian ngắn vào sáng 1/8, hàng chục trường hợp vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã bị CSGT chốt ngã tư Lê Trọng Tấn - Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) phát hiện, ra quyết định xử phạt.
Với các trường hợp vi phạm liên quan đến các lỗi về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, sau khi nhắc nhở người vi phạm về quy định, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt đồng thời yêu cầu không tái phạm.
Anh Nguyễn Văn Bình (ở Phúc La, Hà Đông), người tham gia giao thông bị Cảnh sát phát hiện, xử lý lỗi điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm - phân trần: “Tại đã đến giờ đón con, trường lại gần nhà, phần vì chủ quan, phần vì vội nên tôi không kịp đội mũ bảo hiểm”. Anh Bình cũng cho hay, việc kiên quyết xử lý lỗi vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm của lực lượng chức năng là chủ trương đúng và cần thiết. Dù bị xử phạt song cá nhân anh và nhân dân đều đồng tình ủng hộ. Sau lần xử phạt này, anh sẽ không tái phạm.
“Việc áp dụng xử phạt tại chỗ không cần lập biên bản đối với những lỗi dưới 500.000 đồng của tổ chức và 250.000 đồng của cá nhân sẽ giúp cho cả lực lượng thực thi công vụ lẫn người vi phạm tiết kiệm được thời gian, hạn chế đi lại nhiều, không cần phải đợi trong vòng 1 tuần mới đi lấy quyết định xử phạt, sau đó lên kho bạc nhà nước nộp phạt và trở về lấy giấy tờ, phương tiện”, anh Bình chia sẻ.
Dân ngỡ ngàng vượt đèn vàng cũng... phạt
Cũng từ bắt đầu 1/8/2016, người điều khiển phương tiện giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy và 2.000.000 đồng đối với ôtô.
Liên quan đến vấn đề này, anh Ngô Bá Quyền ở B4, Tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, một lái xe tải chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai thắc mắc: “Khi điều khiển phương tiện giao thông trên nhiều tuyến đường như cao tốc, quốc lộ, tôi vẫn thường gặp cụm đèn vàng nhấp nháy. Nếu xử phạt ở trường hợp này, tài xế sẽ phải dừng phương tiện?”.
Lỗi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy sẽ bị xử lý nghiêm
Cũng đồng quan điểm với anh Quyền, anh Vũ Trần Nam, một xe ôm ở khu vực cầu Trắng, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi chạy xe ôm cả chục năm nay nên biết rất rõ, trên địa bàn thành phố, tại nhiều ngã ba, ngã tư khi về khuya tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng ở chế độ nhấp nháy. Trường hợp này, chúng tôi có được điều khiển phương tiện đi tiếp hay dừng lại?”.
Còn “đồng nghiệp” của anh Nam, anh Bùi Văn Minh ở phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, lại cho rằng, theo quy định mới, mức xử phạt giữa phương tiện vượt đèn vàng và đèn đỏ như nhau là không công bằng. Theo anh Minh, trường hợp vượt đèn vàng thường là xe lỡ trớn, không cố ý, đặc biệt là các ngã tư không bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông đếm ngược. “Vì thế, phương tiện vượt đèn vàng chỉ nên xử phạt ở mức 50% so với phương tiện vượt đèn đỏ”, anh Minh phân trần.
Cũng theo anh Minh thì trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông dừng đột ngột trước đèn vàng để tránh bị xử phạt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người lưu thông phía sau. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần điều chỉnh lại mức phạt đối trường hợp phương tiện vượt đèn vàng.
Giải đáp về những khúc mắc này, luật sư Chu Văn Tiến, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết: Đối với hệ thống tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, màu xanh được đi, màu đỏ phải dừng lại và màu vàng là cảnh báo các phương tiện phải giảm tốc độ, quan sát. Tại Điểm 3 Điều 10 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 ban hành cũng đã ghi rõ: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Nói một cách khác, đó là khi đèn tín hiệu chuyển từ xanh sang vàng, nếu người tham gia giao thông đã điều khiển phương tiện đi qua vạch sơn thì có quyền đi tiếp, còn nếu chưa đi qua vạch sơn thì buộc phải dừng lại. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Chưa phạt lỗi không sang tên đổi chủ
Một điểm đáng chú ý nữa của Nghị định 46 là một số vi phạm nêu trong nghị định sẽ chưa áp dụng thi hành mà sẽ lùi thời hạn đến 1/1/2017, như lỗi không đăng ký sang tên xe mô tô, xe gắn máy; taxi không có thiết bị in hóa đơn; nghe điện thoại di động khi đang lái xe ôtô...
Cụ thể, Nghị định 46 của Chính phủ quy định, phạt 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Kể từ 1/8/2016, vượt đèn vàng cũng sẽ bị phạt
Còn đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải nếu sử dụng xe taxi chở hành khách không có thiết bị in hóa đơn theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, Nghị định 46 cũng quy định, người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ô tô nếu dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng; phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người ngồi phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn khi xe đang chạy.
Cũng theo Nghị định 46, một số quy định xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách) tại điều 33 Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ áp dụng xử phạt từ 1/1/2017.
Ví dụ như, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng nếu điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Còn trường hợp nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ôtô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.
Trước việc Công an TP. Hà Nội tổng kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông trên toàn thành phố, bà Nguyện Thị Nguyệt, 67 tuổi, ở phố Quang Trung, Hà Đông, cho biết: “Tôi ngồi bán nước cả chục năm nay, chứng kiến nhiều vụ tai nạn tang thương lắm. Mà chủ yếu là do lỗi vi phạm giao thông: Phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng. Nay Công an thành tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm là việc làm hết sức cần thiết, giúp cho việc giao thông, đi lại trên địa bàn thành phố được đảm bảo an toàn. Người dân chúng tôi hết sức ủng hộ”.