Thúc đẩy thị trường bất động sản vượt qua khó khăn Covid-19

Trang Nhi| 19/08/2021 10:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động bán hàng bị tạm ngưng nhưng hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vẫn báo lãi nghìn tỷ. Trong đó, các công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn công bố lợi nhuận lớn trong quý II. Điều này chứng minh doanh nghiệp bất động sản đã dần thích nghi với việc sống chung với dịch, thị trường có thể sẽ vẫn sôi động trong quý IV/2021.

Thu lợi nhuận nghìn tỷ giữa đại dịch

Bức tranh lạc quan của thị trường bất động sản, cơ hội trong khó khăn vẫn nhiều, đồng thời cũng cho thấy, các doanh nghiệp “khỏe” và chủ động chính là nền tảng, là đòn bẩy giúp thị trường tăng sức đề kháng, vượt qua những rủi ro và thách thức do dịch bệnh gây ra.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh khả quan với mức lãi gia tăng trong nửa đầu năm 2021.

Đơn cử như Công ty CP Vinhomes (VHM) đạt doanh thu thuần hợp nhất 28.725 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận gộp 14.356 tỷ đồng, tăng 123%. Đây là mức lợi nhuận quý xếp thứ 2 trong lịch sử của Vinhomes, sau kỷ lục vào quý 4/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Vinhomes đạt 41.712 tỷ đồng, tăng 82%; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 15.629 tỷ đồng, tăng 52%.

Hay doanh nghiệp có hàng loạt dự án phát triển tại thị trường miền Trung, Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland) công bố doanh thu thuần quý II đạt 2.543 tỉ đồng, lãi sau thuế 1.312,9 tỉ đồng, tăng lần lượt 258% và 50% so với cùng kỳ năm trước.

Ở nhóm DN có quy mô nhỏ hơn như Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng công bố con số doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến trong quý II/2021. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 390,5 tỉ đồng, tăng 37% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhờ chuyển nhượng 14% quyền tham gia đầu tư dự án Sơn Tịnh - Quảng Ngãi và ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty con đã mang về cho DN này khoản lợi nhuận sau thuế 177 tỉ đồng, tăng 88% so với quý II/2020.

1.jpeg
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn báo lãi nghìn tỷ bất chấp dịch COVID-19. Ảnh: Báo TN&MT

Ngoài ra, các DN chuyên về bất động sản khu công nghiệp cũng công bố mức doanh thu, lợi nhuận đột biến trong quý II bất chấp dịch bệnh hoành hành khiến nhiều DN sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC) công bố kết quả kinh doanh quý II lãi ròng gần 177 tỉ đồng, cao gấp 4,4 lần cùng kỳ; Công ty Long Hậu báo cáo lãi quý II cao nhất lịch sử hoạt động với hơn 217 tỉ đồng, nâng mức lãi 6 tháng lên 250 tỉ đồng, vượt xa 1,5 lần kế hoạch cả năm.

Lý giải về nguyên nhân doanh thu của các doanh nghiệp tăng trưởng bất chấp dịch bệnh, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VnDirect chỉ ra, các chủ đầu tư đang đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động bán hàng truyền thống của họ sang kỹ thuật số. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ cũng như tăng tính hấp dẫn người mua nhà như kéo dài thời gian thanh toán, một số dự án đưa ra gói hỗ trợ cho phép người mua chuyển đến ở sau khi thanh toán 15- 30% giá trị để thu hút khách hàng.

Song, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản “thắng lớn” đa số là doanh nghiệp đã được niêm yết. Chính diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán giữa đại dịch, dòng tiền liên tục đổ vào thị trường này đã giúp doanh bất động sản niêm yết có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận khá tốt.

Vì vậy, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh chững lại vì dịch COVID-19 thì dòng tiền sẽ tự động tìm đến bất động sản để đầu tư. Dòng tiền từ chứng khoán qua bất động sản rất nhanh, vì đây là 2 kênh đầu tư tương hỗ. Khả năng là sau giai đoạn giãn cách, bất động sản sẽ thu hút tiền. Điều này giúp DN bất động sản có tiềm lực vẫn làm ăn hiệu quả bất chấp dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đặc thù của ngành bất động sản là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ một vài năm.

Với đặc thù ghi nhận doanh thu này, các DN niêm yết không phụ thuộc tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Điều này lý giải vì sao thị trường bất động sản trầm lắng suốt quý II nhưng các DN địa ốc vẫn báo doanh thu và lợi nhuận cao.

Ngoài ra, việc lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp trong thời gian dài có tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Hơn nữa, chu kỳ kinh doanh của nhóm ngành bất động sản có sự khác biệt so với các ngành khác. Chẳng hạn, chu kỳ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và kinh doanh dài hơn so với các ngành như thép, chứng khoán, ngân hàng... Vì tính chất này mà kết quả kinh doanh trong kỳ thường không phản ánh hết hoạt động của DN bất động sản.

Triển vọng thị trường bất động sản những tháng cuối năm

Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản cuối năm, các chuyên gia cho hay, nếu Việt Nam sớm kiểm soát tốt được dịch bệnh, thị trường bất động sản cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Thị trường bất động sản đang có những xung lực mới sẽ có sức chi phối, định vị dòng vốn chảy vào các phân khúc, kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung và thổi làn gió mới vào thị trường bất động sản trong những tháng tới.

2.jpeg

Thị trường bất động sản được dự đoán sôi động vào quý IV/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đó là sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch COVID-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020-2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.

Để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định hơn, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam khuyến nghị cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường; Kiểm soát lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của bất động sản; Sớm kiểm soát được dịch bệnh và kích thích phát triển kinh tế ở các lĩnh vực kinh tế ngoài ngành bất động sản. Qua đó, điều chỉnh các dòng vốn F0 về đúng mục tiêu để hiệu quả hóa nguồn lực quốc gia.

Nhìn về dài hạn, bất động sản Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. Theo các chuyên gia, bất động sản luôn là “nơi trú ẩn” tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa bất động sản và các kênh khác. Thêm nữa, từ góc độ nguồn cung sản phẩm có thể thấy đại dịch COVID-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát vào quý IV/2021 và sang năm 2022.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy thị trường bất động sản vượt qua khó khăn Covid-19