Sáng nay 4/12, tại Xiêm Riệp, Campuchia đã diễn ra Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam- Campuchia lần thứ 2.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Campuchia Ăng-vong Vat-tha-na đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tư pháp và lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục THADS của 10 tỉnh có chung đương biên với Campuchia, bao gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, cách đây đúng 10 năm (tháng 12/2009), Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia đã ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai bên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác song phương. Kể từ đó đến nay, hai Bộ Tư pháp đã phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác như trao đổi các đoàn cấp cao, đoàn chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư pháp, ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, Hiệp định dẫn độ,…
Toàn cảnh hội nghị.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình hợp tác giữa hai bên là đã thống nhất phối hợp tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia theo định kỳ 2 năm/lần, luân phiên tại Việt Nam và Campuchia - một diễn đàn song phương để thảo luận, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các công tác tư pháp ở địa phương, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam và Campuchia.
Thực hiện Kết luận hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, Việt Nam vào tháng 8/2017. Trong 02 năm qua, Bộ Tư pháp và các địa phương của Việt Nam ở khu vực giáp biên giới với Cam-pu-chia đã có nhiều nỗ lực trong việc hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cho người dân vùng biên, trong đó có người dân Cam-pu-chia.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp và sự phối hợp giữa Bộ, Ngành Tư pháp của hai nước trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng của hai Bên và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị lần này là cần thiết và có ý nghĩa hết sức thiết thực. Hội nghị đánh giá một cách khách quan và đầy đủ tình hình triển khai thực hiện kết luận của hội nghị lần thứ nhất, trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục đưa ra những kiến nghị, đề xuất các nội dung hợp tác thiết thực, hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất hơn giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp địa phương các tỉnh đường biên của hai nước Việt Nam – Campuchia, đặc biệt là trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên.
Bộ trưởng Lê Thành Long tin tưởng, những kết quả quan trọng đã đạt được trong hội nghị này sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam và Cam-pu-chia phát triển sâu sắc và hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng, bình yên và bền vững của các tỉnh đường biên giới cũng như vào việc gìn giữ và tiếp tục thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Campuchia Ăng-vong Vat-tha-na đánh cho rằng trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là tư pháp đạt nhiều thành quả quan trọng, góp phần bảo vệ trật tự trị an giữa các tỉnh giáp biên. Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp và những kết quả trong hợp tác toàn diện giữa hai nước cũng như lĩnh vực tư pháp, Bộ trưởng Ăng-vong Vat-tha-na hy vọng Hội nghị lần này là bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước, cùng đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau về dân sự, hình sự, giáo dục phổ biến pháp luật giữa các tỉnh biên giới 2 nước. Qua đó chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.