Địa danh, dù tên xã, tên làng hay tên một trấn, một tỉnh đều hàm chứa những thông tin, thông điệp rất sâu sắc.

Tên đất, tên làng xưa có tên Nôm và tên tự, nghĩa là tên bằng chữ Hán - Việt, cho đến nay nhiều địa phương vẫn được dùng song song tên Nôm và tên tự tùy ngữ cảnh. Tuy nhiên, những địa danh mới lập cách đây dăm ba trăm năm trở lại thì chỉ có tên tự. Nhân ngày xuân, nhẩn nha suy ngẫm về cách đặt địa danh của cha ông xưa cũng thấy thú vị.

Từ Thăng Long đến Hà Nội

Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La thấy đám mây như hình tượng rồng bay lên mà đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của kinh đô mới thật đẹp.

Sau nhiều biến thiên của lịch sử, tới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), kinh đô Thăng Long được đổi tên thành phủ Trung Đô. Năm 1469, phủ Trung Đô đổi thành phủ Phụng Thiên, bao gồm 36 phường.

Phụng Thiên nghĩa là “phụng mệnh Trời”, do người xưa quan niệm vua là Thiên tử, “phụng Thiên thừa vận” thay Trời trị nước. Khi vua Gia Long lên ngôi, nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô, là nơi thay Trời trị nước, nên đổi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức. Hoài Đức là nhớ đức của các triều vua cũ.

Năm 1831, vua Minh Mạng tiến hành đợt cải cách hành chính lớn, chia cả nước thành 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội gồm thành Thăng Long, phủ Hoài Đức (của trấn Sơn Tây) và ba phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân (của trấn Sơn Nam). Hà Nội, nghĩa là phía trong các con sông, do tỉnh mới được bao bọc bởi hai con sông là sông Hồng và sông Đáy. 

Hà Đông, Hải Phòng non trẻ

Năm 1904, tỉnh Cầu Đơ được đổi tên cho đỡ nôm na thì xuất phát từ tên Hà Nội mà đổi Cầu Đơ thành Hà Đông, mặc dù về mặt địa lý Hà Đông không phải ở hướng Đông của Hà Nội. Có người cho rằng, cách đặt tên này xuất phát từ câu trong thiên Lương Huệ Vương, sách Mạnh Tử: “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội” nghĩa là: Hà Nội gặp chuyện bất ổn thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội”. Nguyên vào thời Mạnh Tử, phía bắc Hoàng Hà gọi là đất Hà Nội, phía nam là Hà Ngoại. Sơn Tây ở phía đông Hoàng Hà thời cổ có tên là Hà Đông.

Thú vị địa danh

Đình làng Hữu Bằng, di tích lịch sử văn hóa quốc gia

Xin nói thêm về tỉnh Cầu Đơ. Năm 1888, vua Đồng Khánh buộc phải ra chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương, một phần nhỏ huyện Vĩnh Thuận cho Pháp lập thành phố nhượng địa mang tên Hà Nội. Đến tháng 10/1890, tỉnh Hà Nội tiếp tục bị thu hẹp khi vua Thành Thái lấy toàn bộ phủ Lý Nhân lập tỉnh Hà Nam. Ngày 26/1/1896, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển trị sở tỉnh Hà Nội vào vùng đất làng Cầu Đơ thuộc tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai.

Pháp quyết định lấy thành phố nhượng địa Hà Nội làm thủ đô của Liên bang Đông Dương, vì không thể có một tỉnh trùng tên với tên thủ đô của Liên bang, nên ngày 3/5/1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra nghị định đổi tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ. Vì Cầu Đơ là tên nôm của một làng giờ mang đặt tên cho tỉnh lớn nằm ngay sát thủ đô của Liên bang Đông Dương nên có nhiều ý kiến đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho đổi tên khác. Và ngày 6/12/1904, quan toàn quyền đã ra nghị định đổi tên Cầu Đơ thành Hà Đông. Theo sử sách ghi lại, tên này do Thám hoa Vũ Phạm Hàm đề xuất và được chấp thuận - khi đó ông đang giữ chức Đốc học tỉnh Cầu Đơ. Địa danh do Thám hoa nổi tiếng hay chữ chọn thì chắc hẳn có xuất xứ từ kinh điển Nho gia.

Hải Phòng thành phố lớn thứ hai ở miền Bắc, cũng có lai lịch địa danh đáng chú ý. Năm 1871 - 1873, Bùi Viện được sự phê chuẩn của vua Tự Đức, đã thực hiện việc xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải và một căn cứ phòng ngự bờ biển ở liền kế bên, gọi là Nha Hải phòng sứ.

Thú vị địa danh

Biển ngạch “Mỹ tục khả phong” do vua Tự Đức ban tặng năm 1867 ghi rõ “Thạch Thất huyện, Hữu Bằng xã khâm mông sắc tứ”.

Khi Pháp đánh chiến Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873-1874, nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Giáp Tuất, trong đó quy định nhà Nguyễn phải mở rộng cảng Ninh Hải thuộc tỉnh Hải Dương và Thị Nại tỉnh Bình Định, để đổi lấy việc Pháp rút quân khỏi Bắc Kỳ. Sau khi mở rộng, tại cảng Ninh Hải nhà Nguyễn và Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại gọi là “Hải Dương thương chính quan phòng”, gọi tắt là Hải Phòng.

Tên hai làng dệt Vạn Phúc, Hữu Bằng

Ở Hà Đông có làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng, nằm bên ven sông Nhuệ, xa xưa là Vạn Đơ, nghĩa là Làng chài Cầu Đơ. Dần dà, dân làng phát triển về mọi mặt, xóm chài xưa ngày càng sầm uất và có học hành, Vạn Đơ được đổi thành Vạn Bảo, chữ “Vạn” nghĩa là làng của những người kiếm cá trên sông, đổi thành Vạn là con số 10.000, là rất nhiều và Đơ đổi thành Bảo nghĩa là quý báu, sau đó đổi thành Phúc – nghĩa là tốt lành, may mắn lớn hay thậm chí bao hàm giàu có (phú), sang trọng (quí), sống lâu (thọ), mạnh khỏe (khang) và bình yên (ninh) trong quan niệm ngũ phúc.

Cùng tỉnh Hà Tây xưa, nay đều thuộc Hà Nội với Vạn Phúc, có một làng dệt khác là làng Hữu Bằng. Do “nhất xã nhất thôn” nên tên làng cũng là tên xã. Trong chữ Hán, có nhiều chữ Hữu khác nhau, nghĩa khác nhau, gồm Hữu là có, là bạn bè, là bên phải, nhưng Hữu trong địa danh Hữu Bằng nghĩa là Có.

Bằng cũng có nhiều chữ mang nhiều nghĩa khác nhau, Bằng là bạn bè (tình bằng hữu); là bằng chứng, bằng cớ, tin cậy; bằng còn là chim đại bàng, chim lớn. Vì thế, những người biết nghĩa chữ Hán, nếu nghe qua sẽ đoán Hữu Bằng là xuất phát từ câu Khổng Tử nói trong Luận ngữ: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất duyệt lạc hồ” nghĩa là: Có bạn bè từ phương xa đến, chẳng phải là vui lắm sao?!

Ý nghĩa đó cũng rất hay nhưng chữ Bằng trong Hữu Bằng lại là bằng chứng, bằng cấp, tin cậy. Vậy thì Hữu Bằng nghĩa là Có sự tin cậy, đáng tin cậy?!

Nếu chỉ nhìn vào mặt chữ, có thể biết ý nghĩa như thế, nhưng sau khi tra tìm xuất xứ địa danh này chúng tôi thấy tổ tiên ta khi đặt tên làng còn sâu sắc hơn. Trong tấm bia Hậu thần xã Hữu Bằng hiện còn ở đình làng, lập ngày Rằm tháng Giêng, năm Kỷ Sửu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) có ghi chép về tên làng. Bia viết: “Xã Hữu Bằng với cái tên Hữu Bằng đã có tự ngàn xưa. Hữu Bằng là tên lấy một hàm nghĩa trong câu: “Hữu bằng, hữu dực, hiếu hữu, hữu đức” trong sách Chu thư. Đây chính là đất có phong tục thuần mỹ, dân đông lại giàu có, những lời khen này chẳng thể là chuyện ngoa truyền”.

Từ thông tin quý báu này, chúng tôi đi tìm xuất xứ của đoạn văn trong Chu thư. “Chu thư” là sách của nhà Chu, sách trong thời nhà Chu, nên thật mênh mông, các cụ không nói cụ thể là cuốn nào, tìm một câu trong Chu thư như mò kim đáy bể. Cuối cùng, nhờ kiên trì chúng tôi cũng tìm thấy đoạn văn mà các cụ đã dẫn. Nguyên văn cả đoạn là: “Hữu bằng, hữu dực. Hiếu hữu, hữu đức. Dĩ dẫn dĩ dực. Khải đễ quân tử. Tứ phương vi tắc”. Đây là đoạn V trong bài thứ 258 thuộc phần Đại nhã trong Kinh Thi.

Thú vị địa danh

Cổng làng Vạn Phúc

Trong đó, Chu Hy chú giải rằng: Bằng nói có thể cho dựa vào được, Dực, nói có thể phụ giúp được. Hiếu, nói có thể phụng thờ được cha mẹ. Đức, nói hợp với lòng công bằng, nhân đạo của mình. Dẫn, đi trước mà dắt. Dực, ở hai bên mà giúp đỡ. (Kinh Thi, Tạ Quang Phát dịch, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 2013, trang 628.).

Đoạn văn có nghĩa là: Có người hiền tài để vua dựa vào. Người hiền tài có hiếu và có đức. Để dẫn dắt vua, để phò tá hai bên nhà vua. Nhà vua vui vẻ và dễ dàng (vì có hiền tài giúp đỡ) trau dồi đức hạnh để làm phép tắc cho bốn phương noi theo.

Như vậy, Hữu Bằng nghĩa là có người tài đức, tài đức ở mức kinh bang, tế thế giúp rập, dẫn dắt được cho vua chúa, cho quốc gia, dân tộc. Đặt tên làng như thế, cha ông đã kỳ vọng ở con cháu lớn lao xiết bao.

Kho tàng quí báu

Điểm qua một vài địa danh, đủ thấy bao điều thú vị. Nếu chỉ hiểu nghĩa của chữ được chọn cũng đã thấy hay, ví dụ Điện Biên nghĩa là Vùng biên giới yên ổn, vững vàng; Biên Hòa xưa là Vùng biên giới hòa bình; Quảng Ninh là Yên ổn lớn lao; An Giang là Con sông bình yên; Vĩnh Long là Thịnh vượng lâu bền; Thuận Hóa là làm biến đối vùng đất nghịch thành thuận… Tuy nhiên, hiếu được xuất xứ, lai lịch của từng địa danh thì ta càng thấy hay hơn, sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, để truy nguyên, hiểu được ý nghĩa địa danh thì quả không dễ, nhất là ngày nay ít người biết chữ Hán. Muốn hiểu đúng thì phải biết địa danh chính thức viết văn tự (hoàng phi, câu đối, văn bia, sử sách) vì từ đồng âm khác chữ, khác nghĩa rất nhiều. Sau đó, phải căn cứ nhiều nguồn từ dân gian đến văn tự để biết được xuất xứ và quá trình thay đổi của địa danh.

 Địa danh - đó là một kho tàng quí báu, ẩn chứa nhiều tri thức, thông tin và tâm huyết của cha ông. Hy vọng, mỗi bạn đọc quan tâm hơn đến địa danh, tìm hiểu tên làng, tên xã quê hương để thêm yêu, thêm quý và tự hào về non sông gấm vóc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú vị địa danh