Thủ tướng: Thực hiện bao phủ y tế toàn dân, hướng tới kết nối quốc tế

Xuân Lan| 25/09/2020 20:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiệm vụ cũng là mục tiêu lớn của chúng ta là nhanh chóng mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối quốc tế, Thủ tướng nêu rõ.

Chiều nay (25/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi lễ đánh dấu mốc kết nối mạng lưới 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa, mở ra cơ hội cho các bệnh nhân khắp nơi, gồm cả vùng sâu, vùng xa được chữa bệnh bởi bác sĩ tuyến Trung ương, tuyến trên.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước và một điểm cầu tại Lào, một điểm cầu tại Campuchia.

Thủ tướng: Thực hiện bao phủ y tế toàn dân, hướng tới kết nối quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khánh thành kết nối 1000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa.

Phát biểu mở đầu buổi lễ, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên.

Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.

Để lan tỏa và phát triển bền vững các hoạt động của chương trình khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật… nhằm thực hiện thành công đề án này.

Đặc biệt, Đề án có sự kết nối với một số bệnh viện tại Lào và Campuchia, cho thấy trách nhiệm của Việt Nam đối với các nước trong khu vực. Đây là bước đi quan trọng để quảng bá hình ảnh về nền y tế phát triển và có trách nhiệm của Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và quốc tế.

Chất lượng khám chữa bệnh vươn cao, vươn xa

Sau khi thực hiện nghi thức khánh thành tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự kiện này khi chỉ cách đây mới 4 tháng, Thủ tướng đã dự lễ khai trương nền tảng khám chữa bệnh từ xa với 6 cơ sở đầu tiên. “Cho nên, đây là sự kiện quan trọng, một bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Thực hiện bao phủ y tế toàn dân, hướng tới kết nối quốc tế

Thủ tướng:  Đây là sự kiện quan trọng, một bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân

Theo Thủ tướng, kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn trong phòng chống đại dịch COVID-19 khi 24 ngày qua, chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Việt Nam tự hào là quốc gia lần thứ 2 khống chế thành công dịch bệnh bằng tất cả những giải pháp quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Thủ tướng nêu rõ. 

Thủ tướng cũng cho biết, nhiều mô hình, nhiều phương pháp phòng, chống dịch hay, hiệu quả được đề xuất và triển khai, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động khám, phát hiện, chữa bệnh từ xa.

Thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh từ xa trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã cho thấy nhiều lợi ích như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện và tập trung đông bệnh nhân, dễ lây nhiễm tại các tuyến.

Trong thời gian tới đây, đặc biệt khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, việc mở rộng các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa vẫn rất cần thiết, không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên toàn tuyến, mà khám, chữa bệnh từ xa cũng giúp tạo nền tảng số cho ngành y tế lưu trữ tài liệu, dữ liệu cho các công trình nghiên cứu sâu hơn.

Người dân trên mỗi vùng miền của Tổ quốc được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

Thủ tướng bày tỏ nhất trí với Bộ Y tế về quan điểm chủ đạo của Đề án khám chữa bệnh từ xa là “Chất lượng khám chữa bệnh vươn cao, vươn xa”,  “mong các thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ y tế là những người sẽ đưa quan điểm này trở thành sự thực, góp phần lan tỏa kiến thức, trao đổi chuyên môn giữa các tuyến để phục vụ chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho mọi người dân của chúng ta, không để ai bỏ lại phía sau”.

Nhiệm vụ cũng là mục tiêu lớn của chúng ta là nhanh chóng mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối quốc tế.

Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi được biết hành lang khám chữa bệnh từ xa đã được mở sang 2 nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai, các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y tế tiên tiến để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ có trình độ cao.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về khám chữa bệnh từ xa

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực chủ động triển khai tốt chương trình khám chữa bệnh từ xa, định kỳ phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này. Hoàn thiện hành lang pháp lý về khám chữa bệnh từ xa và phối hợp cùng các đơn vị CNTT phát triển các nền tảng, các ứng dụng, công cụ trực tuyến để bảo đảm phát triển một chu trình khép kín cho khám chữa bệnh từ xa, việc chẩn đoán, tư vấn điều trị và bí mật thông tin, bảo vệ thông tin.

Bộ Quốc phòng và Bộ TT&TT chỉ đạo Tập đoàn Viettel và các đơn vị viễn thông triển khai đề án đi kèm với đào tạo, bảo đảm lực lượng vận hành hệ thống ổn định trên toàn quốc. Nâng cấp, phát triển phần mềm liên tục để đáp ứng các nhu cầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng, từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Quản trị y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, bảo đảm tính bảo mật thông tin… Phối hợp xây dựng và hoàn thành hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tích cực, chủ động hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế tuyến trên để triển khai tốt chương trình khám chữa bệnh từ xa. Tăng cường truyền thông để lan tỏa và nhân rộng mô hình khám chữa bệnh từ xa và ưu tiên đầu tư cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế.

Thủ tướng đề nghị các thầy thuốc cần phát huy trí tuệ, tinh thần giúp đỡ, hướng dẫn, triển khai tích cực chương trình khám chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. 

Thủ tướng mong rằng, từ thành công bước đầu này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, những đề án tiếp theo dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại để trở thành một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Việc kết nối 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh của gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM là kết quả của gần 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth). Qua hình thức này, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. 

Những điểm cầu ở vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé… Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, một buổi hội chẩn trực tuyến có thể cho phép nhiều bệnh viện tuyến dưới cùng tham gia, chia sẻ và học hỏi về chuyên môn y khoa. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện từ thông minh.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Thực hiện bao phủ y tế toàn dân, hướng tới kết nối quốc tế