Thủ tướng: Thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp đối với môn Lịch sử

Xuân Lan| 02/06/2022 18:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan vấn đề môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổ chức Hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp.

thu-tuong-thao-luan-ky-luong-de-xuat-phuong-anptoan-dien-voi-mon-lich-su.jpg
Thủ tướng: Tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, Đại biểu Quốc hội liên quan đến Chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp trung học phổ thông.

Xét Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ngày 31/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, Đại biểu Quốc hội liên quan đến Chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, khẩn trương tổ chức Hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; làm tốt hơn công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xin ý kiến 2 lần năm 2015 và 2017. Chương trình các môn được xin ý kiến 2 lần, xin ý kiến các sở GD&ĐT, xin ý kiến giáo viên, các cơ sở giáo dục. Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình mới với GS Sử học Phan Huy Lê sau nhiều lần xem xét đã thông qua. Chương trình đã xin ý kiến các hội đồng, ủy ban, ban tuyên giáo… Sau khi nhận được đồng thuận cao thì đã thông qua chương trình này.

Theo chương trình cải cách áp dụng cho năm học 2022-2023, môn Lịch sử cấp THPT sẽ là môn học tự chọn. Tuy nhiên mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đã có văn bản chính thức trình lên UBTVQH trong đó đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các ĐBQH, quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.

Đáng lưu ý theo nhiều chuyên gia và những người công tác trong ngành Giáo dục thì tại thời điểm này khi chỉ còn 3 tháng nữa bắt đầu năm học mới, nếu môn Lịch sử được quyết định quay trở về là môn học bắt buộc thì sẽ phải thay đổi cả hệ thống, thay từ THCS và THPT và thay cả SGK các môn khác. Không chỉ thay đổi đối với môn học này mà còn kéo theo phải điều chỉnh thời lượng, thiết kế chương trình của các môn học khác… Phương án này cũng khó khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp đối với môn Lịch sử