Thủ tướng: Thanh tra đột xuất các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu

Xuân Lan| 12/01/2021 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng lưu ý khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra vào chiều nay (12/1).

tttt.jpg
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác của ngành Thanh tra

Có nhiều thành tích nổi trội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, toàn ngành thanh tra, có nhiều thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể, đóng góp vào việc giữ gìn kỷ cương phép nước, tạo niềm tin cho nhân dân.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã rất quan tâm đến xây dựng thể chế pháp luật. Trong 5 năm qua, TTCP chủ trì, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Phòng chống tham nhũng, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật này; đề xuất xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi. Đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10 để chống tham nhũng vặt, một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, Chỉ thị số 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự tích cực triển khai giải quyết, nhất là đối với các vấn đề nổi cộm xã hội, đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Kết quả đạt được tích cực với số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng 83,4%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần, số vụ việc và số đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng lần lượt là 56,9% và 92,1% so với cùng kỳ.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2…

Đã phát hiện và kiến nghị xử lý 454 vụ, 650 người có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản có chuyển biến rõ rệt, trung bình đạt trên 73%, riêng năm 2019 đạt trên 98%.

Ngành thanh tra đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp nhiều chủ trương, giải pháp và tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Theo đó, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm so với trước: Số lượt công dân khiếu nại, tố cáo giảm 10,4%, khiếu nại đông người giảm 18%, số đơn giảm 11,6%, số vụ khiếu nại, tố cáo giảm 11,8%.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, tồn tại, cần sớm khắc phục. Đó là một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, nhiều cuộc triển khai chậm so với kế hoạch. Kết quả đôn đốc, xử lý về thanh tra của các bộ, ngành, địa phương còn thấp. Một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành chưa thường xuyên.

Vẫn còn tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tình trạng mới được ngăn chặn một bước. Do đó, Thủ tướng cho rằng, phải thanh tra đột xuất để giải quyết vấn đề tham nhũng vặt, đặt vấn đề, phải chăng lắp camera tại tất cả các điểm giải quyết công việc, xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng vặt và các chế tài khác mà TTCP cần nghiên cứu, đề xuất.

Không để phát sinh “điểm nóng”

Lưu ý một số nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, TTCP và ngành thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra sát đúng, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong đó có việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm (2021-2025).

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2021 theo hướng bảo đảm trọng tâm, hiệu quả, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu, chú ý thanh tra đột xuất.

Lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Không thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.

TTCP thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân phục vụ Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

Tiếp tục triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Tích cực hơn nữa trong phòng ngừa kết hợp chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng chống tham nhũng...

Tập trung sửa đổi Luật Thanh tra 2010, bảo đảm phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng tổ chức, đơn vị thanh tra tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện các bộ phận, cơ quan làm công tác tranh tra từ trung ương đến địa phương.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra, nhất là cấp cơ sở; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành thanh tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Thanh tra đột xuất các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận xấu