Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận 3 vấn đề yếu kém trong quản lý tại phiên chất vấn Quốc hội

Xuân Lan| 12/11/2021 12:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hệ thống Y tế dự phòng và y tế cơ sở bộc lộ nhiều yếu kém; Các chính sách và thực hiện hỗ trợ người dân còn nhiều bất cập; Quản lý Nhà nước có sơ hở khi xảy ra làn sóng dịch chuyển lao động là 3 vấn đề ĐBQH nêu đã được người đứng đầu Chính phủ đồng tình, thẳng thắn thừa nhận tại chất vấn Quốc hội trong 90 phút cuối buổi sáng nay (12/11).

3-yeu-lem-ve-quan-ly-thu-tuong-thang-than-thua-nhan-taiphien-chat-van-quoc-hoi-h1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dịch chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, nhưng thời gian qua không bình thường ở chỗ quản lý Nhà nước còn có sơ hở.

Yếu kém về y tế dự phòng và y tế cơ sở bộc lộ qua dịch bệnh

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nước ta đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là cách làm đúng, bước đầu có hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề nghị Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới là gì?

3-yeu-lem-ve-quan-ly-thu-tuong-thang-than-thua-nhan-taiphien-chat-van-quoc-hoi-h2.jpg
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang). Ảnh Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời, dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Vừa qua, sau hai năm thực hiện chống dịch, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. "Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua chống dịch đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này", Thủ tướng nói.

Từ đó Chính phủ đã đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch, như: Cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất có thể; về xét nghiệm, virus nhìn không thấy, nếm không được, ngửi không được, nên phải xét nghiệm trên cơ sở đảm bảo khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong.

Trên cơ sở 3 trụ cột này, Chính phủ đã hình thành công thức chống dịch, đầu tiên là 5K, rồi 5K + vaccine, sau đó cộng thêm thuốc điều trị, công nghệ và đề cao ý thức người dân...

Theo Thủ tướng, "chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch". Thủ tướng cho biết vừa qua ông ra nước ngoài, lãnh đạo các nước cũng có trao đổi về vấn đề này và thấy quá trình chống dịch dù chưa tổng kết "nhưng có bài bản". "Trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhìn nhận, dịch bệnh cũng làm bộc lộ yếu kém là y tế dự phòng và y tế cơ sở, nên cần phải củng cố.

"Vấn đề quan trọng nhất, lo nhất là nguồn nhân lực. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm được nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Vì vậy, sắp tới cần tập trung cho đào tạo nhân lực. Đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở", Thủ tướng nói.

Các chính sách và thực hiện hỗ trợ người dân "còn nhiều bất cập"

Chất vấn Thủ tướng, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) hỏi, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các chính sách và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động thời gian qua còn nhiều bất cập khi Thủ tướng cho biết những giải pháp để khắc phục tình trạng này và sắp tới sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ nào?

3-yeu-lem-ve-quan-ly-thu-tuong-thang-than-thua-nhan-taiphien-chat-van-quoc-hoi-h3.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh Nhật Bắc 

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thời gian qua rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để cho Chính phủ, các cơ quan có liên quan tiếp tục đề xuất các chính sách và chủ động chính sách theo thẩm quyền. Nhưng, đúng như ý kiến của đại biểu, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận "còn nhiều bất cập".

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và các đơn vị liên quan sẽ rà soát, đánh giá lại các chính sách "đã thực hiện cái gì được, cái gì chưa được, nguyên nhân từ đâu". Trên cơ sở đó chúng ta rà soát đối tượng, phạm vi, mức độ, từ đó làm căn cứ định ra chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách, bỏ sót.

Quản lý Nhà nước còn có sơ hở khi xảy ra làn sóng dịch chuyển lao động

Đưa ra câu hỏi chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đặt vấn đề, từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình Covid-19 có diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sau làn sóng người lao động di chuyển về quê từ các thành phố lớn. Từ thực tế này, các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, nỗ lực khống chế dịch bệnh bảo vệ sức khỏe của người dân. Cùng với đó là áp lực khả năng về an sinh xã hội, an ninh trật tự. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp, cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh và trong thời gian tới những quyết sách nào của Thủ tướng về chính sách phát triển, cơ chế điều phối vùng, liên vùng đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Giúp các tỉnh phát huy thế mạnh của vùng, để kinh tế của vùng thực sự là cơ sở, là nền tảng và người dân sẽ an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất của mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, dịch chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, nhưng thời gian qua không bình thường ở chỗ quản lý Nhà nước còn có sơ hở, nên khi người lao động dịch chuyển đã gây áp lực cho các địa phương.

Để giải quyết áp lực này, theo Thủ tướng, đầu tiên, Trung ương và địa phương phải phối hợp, xem xét lại năng lực y tế. Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan như bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh này.

Thứ hai, tăng cường năng lực cung cấp vaccine. Thực tế, vaccine ít nên nên phải ưu tiên cho các đối tượng, các địa bàn phức tạp, nên đồng bằng sông Cửu Long lúc đầu cũng chưa được ưu tiên nhiều. Khi các tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, miền Đông đã cơ bản khống chế được dịch thì chuyện vaccine về cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, an sinh xã hội. Vừa qua, Chính phủ đã có các chính sách giúp các tỉnh giải quyết khó khăn.

Thứ tư, kêu gọi sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác để giảm áp lực cho đồng bằng sông Cửu Long. Quyết sách căn cơ là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Muốn làm được thì phải giải quyết nút thắt về hạ tầng. Cần chú ý gỡ nút thắt bao gồm giao thông đường bộ, trong đó có đường cao tốc, giao thông thủy nội địa; chống biến đổi khí hậu (theo đánh giá mới nhất, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ bị nước biển dâng cao mà còn bị sụt lún, nên chỉ khắc phục được những vấn đề này thì mới ổn định); và hạ tầng y tế, giáo dục.

Vừa qua Chính phủ có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. "Chính phủ đang suy nghĩ cơ chế để xin ý kiến cấp có thẩm quyền, phát triển căn cơ hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó mới có doanh nghiệp về đầu tư, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân. Khi người dân có công ăn việc làm thì yên tâm ở quê", Thủ tướng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận 3 vấn đề yếu kém trong quản lý tại phiên chất vấn Quốc hội