Lạng Sơn cần đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới tạo ra tuyến hành lang kinh tế phát triển mạnh dọc tuyến biên giới, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn.
Thủ tướng thăm các gian hàng tại Hội nghị
Sáng 30/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng 500 đại biểu Trung ương, địa phương và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019 với chủ đề “Lạng Sơn - điểm đến thành công của nhà đầu tư”.
Nhiều lợi thế kinh tế để tạo dòng chảy thương mại-đầu tư
Tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao kết quả, ý nghĩa của Hội nghị được tổ chức tại một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và số vốn từ các nhà đầu tư trong nước chiếm tỷ lệ cao.
Nói về tình hình kinh tế-xã hội của Lạng Sơn, Thủ tướng nêu 5 đặc điểm cũng là 5 thay đổi lớn trong thời gian qua. Trước kết, kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ, đồng đều, toàn diện. Đời sống người dân được nâng lên rõ nét. Trong phát triển, tỉnh đã chú ý lồng ghép hài hòa chính sách kinh tế với xã hội và môi trường.
Thứ hai, tỉnh đã phối hợp tốt với Bộ GTVT, nhà đầu tư để làm tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn dài 64 km, từ đó, tạo điều kiện quan trọng để thu hút phát triển.
Thứ ba, tỉnh có hơn 200 km biên giới, Lạng Sơn đã giữ gìn, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Thứ tư, môi trường đầu tư của Lạng Sơn không ngừng được cải thiện.
Thứ năm, bộ mặt thành phố Lạng Sơn, các địa phương đều thay đổi lớn.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị
Trước hàng trăm nhà đầu tư, Thủ tướng chỉ ra một số lợi thế kinh tế để tạo dòng chảy thương mại-đầu tư vào Lạng Sơn rõ hơn, trong đó, nhấn mạnh vào kinh tế cửa khẩu và du lịch.
Lạng Sơn là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (CAFTA). Lạng Sơn chỉ cách thủ phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây 230 km, cách Hà Nội 150 km, như vậy, tỉnh có thị trường 50 triệu dân của tỉnh Quảng Tây với GDP 300 tỷ USD và vùng Thủ đô Hà Nội với GDP 100 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn hàng năm trên 5 tỷ USD, gấp 3,8 lần quy mô nền kinh tế.
Như vậy, chỉ cần một phần nhỏ của dòng chảy thương mại này đọng lại nền kinh tế thì Lạng Sơn cũng sẽ rất khác, Thủ tướng nói. Do đó, kinh tế cửa khẩu là thế mạnh lớn của Lạng Sơn, cần tiếp tục thúc đẩy, tạo sức bật lớn cho kinh tế Lạng Sơn.
Về lợi thế phát triển du lịch, Thủ tướng nêu bật tiềm năng của khu Mẫu Sơn, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là khu du lịch quốc gia, có cảnh sắc được ví như chốn “bồng lai tiên cảnh”. Dư địa tăng trưởng của Mẫu Sơn được đánh giá còn cao hơn cả Sa Pa. Lạng Sơn còn nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, đặc sắc khác như động Tam Thanh, Nhị Thanh, 600 di tích lịch sử… Lễ hội văn hóa, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc vô cùng phong phú.
Cùng với tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thì văn hóa ẩm thực của Lạng Sơn cũng rất phong phú. “Nếu biết đầu tư và khai thác Mẫu Sơn và tiềm năng văn hóa ẩm thực khác của xứ Lạng, nhất định Mẫu Sơn và Lạng Sơn của chúng ta sẽ thành một điểm đến mới bùng nổ trên bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian tới”, Thủ tướng nêu rõ.
Lạng Sơn có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc nhưng điều quan trọng phải có sản lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu thị trường chứ không phải chỉ nhỏ giọt vài chục tấn.
“Chính vì thế mà tiềm năng chúng ta đã có sẵn, điều quan trọng là cần đến các nhà đầu tư để chế biến sâu, nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm của địa phương đến với khách hàng, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và phục vụ nhu cầu thị trường trong nước rất lớn”, Thủ tướng nói.
Phát triển dựa trên 3 trụ cột kinh tế
Nêu một số định hướng phát triển cho tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần một nền kinh tế mạnh bởi không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh. Lạng Sơn phải cùng với cả nước góp phần vào chiến lược này. Lạng Sơn cần đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới tạo ra tuyến hành lang kinh tế phát triển mạnh dọc tuyến biên giới. Chính phủ cùng các bộ, ngành cùng quyết tâm hợp sức hỗ trợ cùng với Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới thực hiện mục tiêu này.
Lạng Sơn cần tập trung nguồn lực, kể cả ngân sách, vốn đầu tư, chính sách, con người cho phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột kinh tế. Đó là kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững và nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến xuất khẩu.
Với các khu kinh tế cửa khẩu thì cần tập trung xây dựng hạ tầng thương mại, logistics, phục vụ luân chuyển hàng hóa các địa phương trong cả nước.
Quy hoạch và đầu tư phải có tầm nhìn xa và với quy mô đủ lớn để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tạo ra khả năng lan tỏa. Chú ý phát triển đô thị Lạng Sơn thành một thành phố bản sắc, thành phố xanh cùng với đó là hệ thống thị trấn, thị tứ. Cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, làm sao vào nhóm trung bình của cả nước trong 5 năm tới.
Thủ tướng đánh giá cao việc Lạng Sơn và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết bản ghi nhớ về xây dựng chính quyền điện tử, làm sao ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực, từ xuất xứ hàng hóa đến thanh toán điện tử và thủ tục hành chính cho người dân thuận lợi nhất, không phải là ở miền núi mà không làm cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉnh cần có chính sách thu hút người dân đến làm việc tại khu vực kinh tế cửa khẩu, biên giới.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, nhiều địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư, đưa các nguồn vốn ký kết tại hội trường vào cuộc sống, vì thế, năm nay, vốn đầu tư xã hội chiếm tới 34% GDP. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn sau đợt xúc tiến này với số vốn hơn 105.000 tỷ đồng, cần cùng với các nhà đầu tư bắt tay vào công việc, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án được ký kết. Nhà đầu tư cần giữ lời nói đi đôi với việc làm. Về phía Chính phủ, sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, môi trường vĩ mô thuận lợi nhất để tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư thành công.
Với hệ thống giao thông rất thuận tiện nối liền với các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Lạng Sơn đã và đang trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại. Lạng Sơn có đường biên giới dài trên 231 km, 2 cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, lối mở, là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA). Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng đã đi vào thi ca như động Tam Thanh, Thành Nhà Mạc, Giếng Tiên, Tô Thị, Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Chi Lăng, Bắc Sơn… có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều khu, điểm du lịch đang được đầu tư. Tiềm năng đất đai của tỉnh Lạng Sơn còn rất lớn, đất có khả năng phát triển nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển nền nông nghiệp bền vững, nhất là phát triển lâm nghiệp. |